09/03/2018 14:14 GMT+7

Quản lý Uber, Grab: Phải tính đến quyền lợi cho người tiêu dùng

CÔNG TRUNG
CÔNG TRUNG

TTO - Phản ứng về kết quả cuộc họp của Bộ GTVT về việc quản lý hoạt động kinh doanh của loại hình xe dịch vụ Uber, Grab, nhiều ý kiến vẫn rất khác nhau.

Quản lý Uber, Grab: Phải tính đến quyền lợi cho người tiêu dùng - Ảnh 1.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Phan Thị Thu Hiền báo cáo tại cuộc họp - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Đại diện doanh nghiệp taxi hoan nghênh, nhưng nhiều chuyên gia đề nghị phải tính đến lợi ích người tiêu dùng…

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 8-3, ông Tạ Long Hỷ - chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM - đồng ý quan điểm của Bộ GTVT là phải coi Uber, Grab như một hãng vận tải.

Theo ông Hỷ, Uber và Grab tạo ra một thị trường taxi riêng, một cơ chế độc quyền riêng. Taxi muốn thêm một xe cũng không được; còn Uber, Grab mới 2 năm hoạt động đã có hàng chục ngàn xe. Taxi muốn thay đổi giá phải đăng ký với cơ quan chức năng, còn Uber và Grab sáng chiều muốn tăng giá cũng không sao.

Ông Hỷ cho biết vận tải hành khách là một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Khi vận tải chở khách có thể dẫn đến tai nạn chết người, tại sao taxi lái xe phải đi học chứng chỉ hành nghề, tuyển chọn lái xe có tư cách đạo đức tốt nhưng Uber, Grab lại không?

Ông Hỷ cho rằng doanh nghiệp taxi không đòi hỏi Nhà nước ưu tiên hơn mà cần sự công bằng, bởi taxi không chết vì Grab, Uber mà chết vì chính sách nhà nước không công bằng.

35.000

là số taxi và taxi công nghệ đang hoạt động tại TP.HCM (tính đến đầu năm 2018), vượt hơn gấp đôi số lượng theo quy hoạch đến năm 2020, được giới hạn là 14.464 chiếc. (Nguồn: Sở GTVT TP.HCM)

Quản lý Uber, Grab: Phải tính đến quyền lợi cho người tiêu dùng - Ảnh 3.

Tài xế xe Grab đón, trả khách tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nhiều ý kiến ủng hộ việc tạo môi trường kinh doanh công bằng, nhưng cũng cần tạo điều kiện để phát huy lợi thế của xe công nghệ, nhất là đảm bảo quyền đi lại tiện lợi, giá rẻ cho dân. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng mô hình ứng dụng công nghệ như Uber và Grab tương lai sẽ được nhân rộng, liên quan đến lĩnh vực giao thông, nhu cầu về đường sá, bãi đỗ ôtô... trong khi VN vẫn loay hoay việc quản lý Uber, Grab. 

Theo bà Lan, cần phải xem xét lại bởi sau 2 năm thử nghiệm, Bộ GTVT có trách nhiệm phải nghiên cứu các khía cạnh được và chưa được của Uber, Grab, từ đó xem quản lý cần làm gì. Bộ GTVT cần đưa gợi ý hoặc đề xuất để lấy ý kiến xã hội lẫn taxi và Uber, Grab.

Các hiệp hội taxi lên tiếng rất dữ dội việc Uber, Grab cạnh tranh không lành mạnh, tuy nhiên theo bà Lan, họ cũng có nhiều điểm bất hợp lý, né tránh cạnh tranh. Dù gì, bà Lan cho rằng Uber, Grab cũng tạo lợi ích, thuận tiện cho người tiêu dùng. 

Cho rằng Bộ GTVT đưa ra những đề xuất như Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói là để đáp ứng mong muốn quản lý nhà nước, theo bà Lan, cần có giải pháp dung hòa được hai mô hình kinh doanh vận tải mà vẫn bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Một số quy định trong dự thảo nghị định mới

* Bỏ quy định xe taxi ở Hà Nội và TP.HCM có niên hạn hoạt động 8 năm, thay bằng niên hạn 12 năm, tương tự niên hạn hoạt động của xe hợp đồng điện tử (Uber, Grab).

* Doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử phải thông báo trên giao diện của hành khách số điện thoại của đơn vị để liên hệ trong trường hợp khẩn cấp…

* Xe hợp đồng điện tử phải có phù hiệu và niêm yết chữ XE HỢP ĐỒNG trên kính xe... (T.PHÙNG)

CÔNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp