16/04/2009 08:12 GMT+7

Quản lý nước uống đóng chai, đóng bình: Phạt như... gãi ngứa

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Chiều 15-4, báo Tuổi Trẻ tổ chức buổi tọa đàm về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực quản lý nước uống đóng chai, đóng bình. Có mười luật sư, tiến sĩ, bác sĩ tham dự cuộc tọa đàm.

8Ozq7stb.jpgPhóng to

Luật sư Trương Thị Hòa: phải công bố nhãn hiệu sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng thì mới đủ sức răn đe -Ảnh: Thanh Đạm

Thời gian qua, Tuổi Trẻ liên tiếp thông tin về hàng loạt cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình vi phạm chất lượng VSATTP. Những thông tin này được bạn đọc rất quan tâm. Nhiều người tỏ ra lo lắng vì nước uống đóng chai là mặt hàng được sử dụng rất phổ biến, việc nước vi phạm chất lượng VSATTP có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Bạn đọc Tuổi Trẻ đòi hỏi: hình thức và mức xử phạt các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai ra sao để doanh nghiệp không còn dám làm ăn gian dối?

Chưa đủ sức răn đe

Thiếu khoa học

Bác sĩ Ký phân tích một bất cập trong công tác thanh tra, kiểm tra hiện nay là nhân lực y tế thiếu nhưng cơ quan quản lý không biết điều phối, tổ chức thanh tra, kiểm tra cho hợp lý. Có khi một đoàn thanh tra có đến 5-15 người, “đi nhiều đến mức vào cơ sở của người ta không có chỗ để ngồi”. Thế nhưng đến nơi thanh tra chỉ có 2-3 người là thật sự làm việc, còn những người khác thì chỉ ngồi... ngó.

Luật sư Nguyễn Bảo Trâm - Công ty luật TNHH Sài Gòn Luật - nhận định: “Việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực này - qua thông tin từ báo chí - mới chỉ là “gãi ngứa”, chưa đủ đề phòng và chống vi phạm một cách hữu hiệu”.

Theo luật sư Bảo Trâm, hiện nay cơ quan quản lý nhà nước về y tế rất “ưa chuộng” hình thức phạt tiền vì dễ... phạt! Tuy nhiên, việc phạt tiền còn nhiều bất cập: mức phạt đối với từng hành vi vi phạm vô cùng nhỏ so với lợi nhuận mà nhà sản xuất thu được từ vi phạm; mức phạt cũng còn mang tính đánh đồng.

Luật sư Trâm dẫn chứng: nghị định 45/CP quy định phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi cung cấp nước uống, nước sinh hoạt không đảm bảo quy định. Theo quy định này, hễ cơ sở nào có hành vi vi phạm như vậy đều bị phạt tiền trong khung đó, không phân biệt cơ sở có thời gian vi phạm dài hay ngắn; không có sự phân định rõ ràng giữa người vi phạm ở mức độ cao hay người vi phạm ở mức độ thấp. Vì thế, cùng là một hành vi vi phạm nhưng cơ sở A sản xuất 100.000 chai nước/tháng hay cơ sở B sản xuất 1.000 chai/tháng thì mức phạt tiền của cơ sở A cùng lắm là cao hơn cơ sở B 3 triệu đồng, trong khi doanh số của hai cơ sở chênh nhau có thể đến 1.000 lần! Theo bà Bảo Trâm, cách phạt tiền như trên không đáp ứng được yêu cầu phòng chống vi phạm VSATTP, không tạo được sự răn đe đối với các đối tượng này.

Luật sư Bảo Trâm cho rằng cơ quan y tế chưa mạnh tay áp dụng các hình thức phạt bổ sung như tước quyền sử dụng (có thời hạn hoặc không thời hạn) giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề, tịch thu phương tiện vi phạm cũng như biện pháp khắc phục hậu quả... đối với những cơ sở vi phạm. “Nếu áp dụng các biện pháp này thì người vi phạm mới ngán, bởi đối mặt với nguy cơ phá sản”.

zLkXjpqP.jpgPhóng to
Ngày 3-4, thanh tra Sở Y tế TP.HCM công bố nước đóng bình nhãn hiệu Boca sản xuất ngày 21-3-2009 bị nhiễm vi sinh - Ảnh: T.T.D.

Tổ chức hậu kiểm kém

Bác sĩ Trần Văn Ký - phụ trách an toàn vệ sinh thực phẩm phía Nam, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN - cho biết các quy định về VSATTP của Bộ Y tế có rất nhiều, nếu tuân thủ đúng các quy định này đã là “rất hoàn hảo”. Thế nhưng theo bác sĩ Ký, nếu kiểm tra 100% cơ sở sản xuất nước uống đóng bình thì 90% là không đạt vì cơ quan quản lý bỏ ngỏ hậu kiểm VSATTP. Theo bác sĩ Ký, khi cơ quan y tế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP thì cơ sở sản xuất A đạt hết các tiêu chuẩn, “nhưng có khi chỉ 30 ngày sau là có vi phạm rồi”.

Theo quy định của Bộ Y tế, đối với những cơ sở sản xuất không có phòng xét nghiệm thì cơ quan quản lý phải đến kiểm tra ít nhất sáu tháng một lần và cơ sở đó phải tự lấy mẫu kiểm tra chất lượng định kỳ. Thế nhưng có những cơ sở sản xuất ba năm không ai đến kiểm tra. Ngược lại, có những cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn ISO, HACCAP... quy định chỉ cần kiểm tra một lần trong ba năm “nhưng lại bị kiểm tra hoài”. Sở dĩ có chuyện như vậy là vì “thanh tra, kiểm tra như lâu nay thường chỉ theo chiến dịch và cơ quan quản lý thường chỉ đến những nơi có tóc, ít đến nơi trọc đầu”. “Do đó, người tiêu dùng sử dụng sản phẩm nước đóng bình trong tình trạng may nhờ rủi chịu vì còn tùy vào cái... máy lọc nước chạy tốt hay không!” - ông nói.

Tẩy chay là sức mạnh của người tiêu dùng

Đứng ở góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, luật sư Nguyễn Văn Hậu - trưởng ban tuyên truyền Hội Luật gia TP.HCM - cho rằng mặc dù đã có pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng, đã có Hội Bảo vệ người tiêu dùng nhưng hoạt động của tổ chức này chưa tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng. Các vụ vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng khá lớn nhưng số vụ việc người tiêu dùng làm đơn khiếu nại gửi tới các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng còn ít và các tổ chức này thường chỉ thực hiện việc... chuyển đơn khiếu nại!

Luật sư Hậu còn đề nghị phải có những quy định rõ ràng về việc xử lý những cơ quan quản lý nhà nước, những công chức, viên chức làm việc thiếu trách nhiệm (như chậm công bố thông tin) gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Luật sư Trương Thị Hòa lại bày tỏ sự ngạc nhiên khi gần nơi bà làm việc có điểm sản xuất nước uống đóng chai “dơ không thể tưởng tượng được” nhưng địa phương đó vẫn để cho sản xuất như vậy. Bà Hòa cho rằng biện pháp để chấn chỉnh tình trạng vi phạm VSATTP là tiếp tục kiểm tra, công bố công khai địa chỉ, tên tuổi sản phẩm của cơ sở vi phạm trên các phương tiện truyền thông đại chúng và nâng mức phạt lên nhiều lần mới đủ tính răn đe.

Bác sĩ Ký đồng tình: “Phạt 150 triệu đồng cũng không bằng...một tin đăng trên báo. Các cơ sở vi phạm chỉ sợ lên báo vì họ có nguy cơ bị phá sản do người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm, chứ chỉ trông chờ vào cơ quan nhà nước thì doanh nghiệp vi phạm còn lâu mới chấn chỉnh” !

Còn tiến sĩ Nguyễn Vân Nam cho rằng hiện nay khi vi phạm trong lĩnh vực VSATTP còn nhiều thì vai trò của cơ quan quản lý nhà nước rất quan trọng. Tuy nhiên, có những vi phạm không thể sử dụng Luật hình sự được thì vẫn có thể vận dụng Luật cạnh tranh để xử phạt. Thế nhưng, cơ quan quản lý gần như chưa vận dụng luật này.

Tin bài liên quan:

Nước uống đóng chai nhiễm vi sinh: Kiểm đến đâu, rầu đến đấyĐình chỉ thêm một cơ sở nước đóng bình3 mẫu nước đóng chai nhiễm vi trùngThêm 2 cơ sở nước uống đóng chai bị đình chỉThêm 4 cơ sở nước uống đóng chai bị đình chỉSẽ chuyển hồ sơ một cơ sở nước tinh khiết cho công anHà Nội: tạm đình chỉ 9 cơ sở nước tinh khiếtThêm 10 mẫu nước đóng bình nhiễm vi sinhTP.HCM: Tiếp tục đình chỉ 4 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp