29/04/2016 07:55 GMT+7

Quản lý heo VietGAP có nhiều sơ hở

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TTO - Được đánh giá là quy trình nuôi heo chất lượng từ trang trại đến bàn ăn nhưng thực tế quy trình quản lý heo VietGAP (chăn nuôi an toàn) có rất nhiều sơ hở để kẻ xấu lợi dụng.

Ông Vy Hướng Mạnh tại trại chăn nuôi heo VietGAP ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai - Ảnh: A Lộc
Ông Vy Hướng Mạnh tại trại chăn nuôi heo VietGAP ở huyện Thống Nhất, Đồng Nai - Ảnh: A Lộc

80 con heo đạt chứng nhận VietGAP đưa về giết mổ tại bị phát hiện “dính” chất cấm là một trong những ví dụ cho thấy rủi ro cho người tiêu dùng khi mua thịt heo VietGAP nhưng chưa chắc đã an toàn.

Chỉ kiểm tra trên giấy

Ngày 28-4, thanh tra Bộ NN&PTNT, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường có buổi làm việc với Chi cục Thú y Đồng Nai để truy xuất nguồn gốc chất cấm cung cấp cho các trại nuôi 80 con heo bị TP.HCM tiêu hủy ngày 27-4.

Theo hồ sơ, 80 con heo này được ông Nguyễn Văn Toàn (Long An) mua tại hai trang trại của ông Vy Hướng Mạnh và Trần Anh Hiếu ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) để bán cho Công ty Vissan (TP.HCM).

Cả hai trại heo này đều được cơ quan chức năng Đồng Nai cấp giấy chứng nhận VietGAP. Tuy nhiên đến nay cả hai chủ trại chăn nuôi nói trên đều cho biết họ không sử dụng chất cấm.

Theo tìm hiểu, quy trình cấp chứng nhận nuôi heo VietGAP đến vận chuyển, giết mổ và phân phối còn rất nhiều kẽ hở và chủ yếu là trên giấy tờ.

Theo Sở NN&PTNT Đồng Nai, những hộ chăn nuôi VietGap nằm trong dự án nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap). Việc giám sát và quản lý chất lượng chăn nuôi của các hộ dân được ban quản lý dự án Lifsap Đồng Nai giao cho các trưởng nhóm GAP và được Lifsap trả kinh phí.

“Chỉ khi nào kiểm tra theo kế hoạch hoặc tái cấp giấy chứng nhận chúng tôi mới đến nông hộ kiểm tra vì cơ quan thú y không đủ người” - ông Trần Văn Quang, chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, thừa nhận.

Khi nông dân bán heo VietGAP cho thương lái, cơ quan thú y chủ yếu có mặt để xác nhận về điều kiện vệ sinh thú y và đóng dấu kiểm dịch, giấy VietGAP chứ không có nội dung kiểm tra chất tạo nạc.

Trong quá trình gom heo từ nhiều hộ nuôi về một chỗ để cho lên xe vận chuyển, nếu thương lái trộn heo thường vào heo VietGAP thì không thể phát hiện được. Ngay cả khi đưa heo lên xe và niêm phong thì cũng có khả năng niêm phong bị phá và trộn heo rồi gắn niêm phong trở lại mà cơ quan chức năng rất khó kiểm tra.

Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm

Theo ông Huỳnh Tấn Phát - chi cục phó Chi cục Thú y TP.HCM, trường hợp tiêu hủy 80 con heo vừa qua, vi phạm xảy ra trong quá trình mua heo tại địa phương do trách nhiệm kiểm soát của Vissan chưa tốt. Bởi Vissan phải đánh giá năng lực nhà cung cấp và có quy trình giám sát, ràng buộc với họ.

“Sau vụ tiêu hủy heo vừa qua, chúng tôi đề nghị với Vissan làm việc và đánh giá lại tất cả các nhà cung cấp để không xảy ra tình trạng heo về đến cơ sở giết mổ của Vissan mới phát hiện có chất tạo nạc nữa” - ông Phát cho hay.

Ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc Công ty Vissan, khẳng định đơn vị này chấm dứt hợp đồng với ông Nguyễn Văn Toàn, chủ lô heo dính chất cấm bị tiêu hủy ngày 27-4.

Đồng thời Vissan đã rà soát toàn bộ nhà cung cấp heo cho công ty, tiến tới buộc các nhà cung cấp này phải ký quỹ một khoản tiền gọi là bảo hiểm rủi ro trong trường hợp họ cung cấp hàng không đúng chất lượng.

Đại diện Vissan cũng nói các lô heo đưa về đơn vị này đều được kiểm soát bởi chính công ty và cán bộ thú y tại đây.

Trộn heo nhiễm chất cấm vào heo VietGAP?

Ngày 28-4, Cục Cảnh sát môi trường (C49) Bộ Công an kết hợp cùng Chi cục Thú y Đồng Nai và các đơn vị liên quan lấy mẫu nước tiểu heo tại hai hộ nuôi heo là ông Vy Hướng Mạnh và ông Trần Anh Hiếu (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) để xét nghiệm chất cấm. Kết quả kiểm tra nhanh các mẫu đều âm tính với chất cấm.

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, ông Vy Hướng Mạnh khẳng định: “Heo của tôi hoàn toàn không có chất cấm. Đề nghị cơ quan chức năng phải truy cho rõ ai đã vu khống”. Ông Mạnh là chủ trại heo có liên quan tới vụ “80 con heo chuẩn VietGap dính chất cấm”.

Về lứa heo xuất bán hôm 20-4, ông Mạnh cho biết tổng cộng ông bán 45 con heo thịt cho một thương lái tên Quân tại địa phương. Thương lái này cũng không đòi hỏi giấy chứng nhận VietGAP và giấy xác nhận bán heo để cán bộ thú y đóng dấu mộc VietGAP lên giấy chứng nhận kiểm dịch.

“Tôi nuôi heo mười mấy năm, lại là trưởng nhóm nuôi heo sạch của xã, thường xuyên đi tuyên truyền, vận động anh em chăn nuôi heo sạch. Đùng một cái nói tôi nuôi heo bằng chất cấm, đúng là tai bay vạ gió” - ông Mạnh bức xúc nói.

Tương tự, ông Trần Anh Hiếu (cùng ngụ ấp 3, xã Lộ 25) cũng tỏ ra hết sức bức xúc khi nói về việc heo mua từ cơ sở của ông (cùng lô với ông Vy Hướng Mạnh) dính chất cấm. Ông Hiếu khẳng định không hề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Ông Hiếu cho rằng có thể là do trùng hợp, mua chung với heo của hộ nào đó nhiễm chất cấm rồi trộn chung vào đàn heo của ông, sau đó giao cho công ty.

Theo ông Hiếu, mặc dù có chứng nhận heo đạt chuẩn VietGAP, tuy nhiên giá heo đạt chuẩn chỉ tương đương với heo ngoài thị trường. Lâu nay chủ các cơ sở chăn nuôi như ông vẫn bán heo cho các thương lái “trôi nổi”, ai hỏi được giá là bán chứ cũng không rõ. Trong vụ này, cả ông Hiếu lẫn ông Mạnh đều nói hoàn toàn không biết ông Toàn là ai.

A LỘC

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp