Bạn trẻ xem phim trên Netflix - Ảnh: MAI THƯƠNG
Ông Nguyễn Hà Yên nói:
- Dịch vụ truyền hình xuyên biên giới qua Internet phát triển mạnh trong 3 năm gần đây, đến từ Mỹ, Trung Quốc, Malaysia... cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp (DN) trong nước.
Từ năm 2018, Bộ TT-TT đã được Chính phủ giao xây dựng quy định bổ sung nghị định 06 để quản lý dịch vụ truyền hình xuyên biên giới.
Các quy định quản lý mới để điều chỉnh dịch vụ truyền hình xuyên biên giới cung cấp đến người sử dụng trong lãnh thổ VN sẽ được Bộ TT-TT trình trong quý 4-2020 để Chính phủ xem xét ban hành.
Ông Nguyễn Hà Yên
Phải cấp phép
* Quy định mới sẽ có điểm chính gì, liệu có trái với thông lệ quốc tế, thưa ông?
- Về quy định cấp phép, quy định mới sẽ yêu cầu DN muốn cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền theo yêu cầu trên mạng Internet sẽ phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép.
Sau hơn hai năm nghiên cứu xây dựng quy định mới về quản lý dịch vụ truyền hình trả tiền, các kinh nghiệm từ Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, 12 nước châu Á - Thái Bình Dương, 10 nước Asean và một số nước khác đã được chúng tôi nghiên cứu đầy đủ.
Với đặc điểm rất riêng của VN, các kinh nghiệm quốc tế phù hợp đã được nghiên cứu tiếp thu như kinh nghiệm quản lý dịch vụ của Nam Phi, kinh nghiệm quản lý nội dung của Singapore...
Có thể nói trong thời gian tới nếu quy định mới được ban hành, đây sẽ là quy định hiện đại vừa cho phép DN trong nước hội nhập quốc tế, vừa tạo thuận lợi cho DN nước ngoài tham gia thị trường trong nước một cách hợp pháp và trên hết vẫn đảm bảo nguyên tắc, quan điểm quản lý nội dung truyền hình của VN.
* Không thể ngăn sự phát triển của dịch vụ truyền hình xuyên biên giới nhưng quản lý nội dung thế nào để không vi phạm pháp luật VN, chủ quyền, bạo lực...?
- Quản lý truyền hình xuyên biên giới đã được thực hiện từ hàng chục năm nay với dịch vụ truyền hình vệ tinh.
Kênh truyền hình nước ngoài qua vệ tinh muốn đến được người sử dụng tại VN phải thông qua DN VN làm đại diện để thực hiện biên tập, biên dịch, nộp thuế, phí theo quy định. Hiện đang có 70 kênh truyền hình như vậy.
Quản lý dịch vụ truyền hình Internet đã được thực hiện từ năm 2016 khi nghị định 06 có hiệu lực. Khi DN nước ngoài chưa tuân thủ quy định đem lại nhiều rủi ro cho người sử dụng tại VN.
Nội dung không được biên tập nên đã có xuất hiện nội dung vi phạm nghiêm trọng các điều cấm tại Luật báo chí, Luật điện ảnh, xuyên tạc lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, làm sai lệch chủ quyền lãnh thổ VN, đặc biệt các nội dung khiêu dâm gây hại đến trẻ em...
Họ cũng không có cam kết với người sử dụng về chất lượng mặc dù đã thu tiền trước, khi chất lượng kém, thậm chí mất dịch vụ thì người sử dụng không được bảo vệ.
Dự kiến quy định mới khi được ban hành sẽ quản lý tận gốc các nội dung vi phạm, đảm bảo quyền lợi người sử dụng tại VN.
Sẽ xóa bỏ bất bình đẳng?
* Cơ quan thuế đã yêu cầu Netflix phải đóng thuế, Bộ TT-TT có dự định yêu cầu Netflix mở văn phòng tại VN không? Nếu Netflix vẫn không chấp hành, sẽ xử lý ra sao?
- Đồng bộ với quy định quản lý nội dung truyền hình như đã nói ở trên, quy định quản lý thuế mới nhất đã có cơ chế thu thuế các dịch vụ xuyên biên giới nói chung.
Khi các DN nước ngoài tuân thủ quy định quản lý nội dung truyền hình và dịch vụ truyền hình trả tiền của VN, việc thu thuế, phí là khả thi và là trách nhiệm của DN.
Quy định mới áp dụng cho cả DN trong nước và DN nước ngoài. Quy định mới sẽ đảm bảo tính bình đẳng về pháp lý, xóa bỏ định kiến bảo hộ ngược DN nước ngoài như hiện nay.
Đã thực hiện một số biện pháp tình thế
Bộ TT-TT đã có một số biện pháp như cảnh báo nghiêm khắc và yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm đối với chủ dịch vụ, yêu cầu báo chí không quảng bá, tuyên truyền cho dịch vụ vi phạm pháp luật.
Đồng thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước ngăn chặn việc phổ biến dịch vụ vi phạm thông qua hoạt động kích cầu thị trường của các ngân hàng thương mại...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận