07/12/2013 06:05 GMT+7

Quản lý di tích trong thế "bí"

HÀ HƯƠNG thực hiện
HÀ HƯƠNG thực hiện

TT - Hội nghị - hội thảo về quản lý di tích ngày 6-12 tại Hà Nội đã đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết trong quản lý di sản. Một vấn đề không mới nhưng vẫn gây ngạc nhiên cho nhiều người là hệ thống quản lý di sản văn hóa từ bộ xuống địa phương vẫn chưa đạt được sự thống nhất.

fSMoBqmd.jpgPhóng to
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên - Ảnh: Hà Hương

Do vậy, hễ di sản văn hóa lâm nguy thì chuyện phân cấp quản lý lại được đưa ra như lá chắn trách nhiệm của các bên. Từ việc người dân Đường Lâm (Hà Nội), Đồng Văn (Hà Giang) xin trả di tích đến cháy nhà lang (Hòa Bình), cháy đền Lê Lai (Thanh Hóa)... đều cho thấy sự lúng túng trong quản lý nhà nước về di sản văn hóa. Trả lời Tuổi Trẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên cũng cho rằng cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý, bổ sung các văn bản, thông tư hướng dẫn để có thể tạo nên sự thống nhất từ trên xuống trong quản lý di sản văn hóa, điều mà hiện nay vẫn chưa đạt được.

Không cho du khách đốt vàng mã

Bộ VH-TT&DL vừa có văn bản gửi sở VH-TT&DL các tỉnh, thành phố trên toàn quốc về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội năm 2014. Theo đó, bộ yêu cầu các địa phương phải nghiêm túc rà soát hệ thống trang thiết bị phòng chống cháy nổ và công tác tổ chức phòng chống cháy nổ tại di tích; không cho du khách đốt vàng mã và hạn chế tối đa việc thắp hương trong nội thất các công trình thuộc di tích.

H.H.

* Liệu có phải bản thân Bộ VH-TT&DL cũng đang “bí” trong việc quản lý thống nhất vấn đề di sản văn hóa? Thực tế cho thấy chỉ riêng ban quản lý di tích cũng mỗi nơi mỗi kiểu. Vậy Bộ VH-TT&DL sẽ phải giải quyết những vấn đề này như thế nào?

- Trong quản lý nhà nước trước hết cần phải kiện toàn quản lý từ trung ương đến địa phương. Nhưng hiện nay đối với các tỉnh thành trong cả nước, có tới sáu mô hình quản lý di tích. Việc điều chỉnh sáu mô hình này mỗi nơi lại làm một khác. Thậm chí, hoạt động của ban quản lý này còn chịu sự điều chỉnh của nghị định 13, 14 và liên quan đến cả Bộ Nội vụ. Để giải quyết việc này, Bộ VH-TT&DL đã chủ động làm việc với Bộ Nội vụ nhưng hiện nay chưa tìm được tiếng nói chung.

* Những đám cháy ở nhà lang Hòa Bình hay đền Lê Lai một lần nữa đặt ra vấn đề phòng chống cháy nổ cho di tích. Quan điểm của bộ về vấn đề này như thế nào khi sở VH-TT&DL các địa phương cũng cho biết không có ngân sách hỗ trợ hay cán bộ chuyên trách?

- Bộ hằng năm đều có hướng dẫn trong công tác quản lý nói chung và phân cấp cho đơn vị. Trường hợp có hỏa hoạn ở di tích thì trách nhiệm chính vẫn thuộc về các địa phương. Bởi vì trong quản lý phải đảm bảo về tài sản, phòng cháy chữa cháy. Nhân đây đề nghị địa phương ngoài quản lý chung phải chú trọng đến phòng cháy chữa cháy vì tôi cũng nhận thấy đây là vấn đề tồn tại ở nhiều nơi, để xảy ra cháy thì rất đáng tiếc.

* Ngoài các đám cháy, nhiều địa phương cũng bày tỏ bức xúc về kiểu xâm hại di tích khá phổ biến là đưa đồ thờ tự mới vào di tích. Đặc biệt khi đồ cung tiến là của những người có chức vụ cao ở ban ngành, địa phương khiến ban quản lý rất khó từ chối. Quan điểm của bộ về vấn đề này ra sao?

- Cùng với tổng kết 10 năm thực hiện Luật di sản, bộ cũng chỉ đạo các sở, địa phương tiến hành rà soát, kiểm kê các cổ vật trong di tích. Trên cơ sở hồ sơ đó, chúng tôi sẽ thống nhất cách bài trí đối với các nơi thờ tự như chùa, đình, đền cho đúng như phong tục VN. Những hiện vật nào phù hợp với cách bài trí, tín ngưỡng ở di tích đó sẽ tiến hành sắp xếp, bố trí. Còn những cái chưa đúng yêu cầu, các địa phương phải thực hiện theo đúng luật, đúng quy định.

Phân cấp nhưng không phải khoán trắng

Nhiều ý kiến gay gắt được các nhà quản lý văn hóa và chuyên gia đặt ra với Bộ VH-TT&DL tại hội nghị - hội thảo diễn ra ngày 6-12. Trong bài phát biểu nhận được nhiều sự tán đồng từ phía đại biểu, GS Trần Lâm Biền bày tỏ bức xúc: “Ai là chủ nhân thật sự của di sản văn hóa, tại sao cứ có hiện tượng tu bổ xong thì di sản chả còn giống trước nữa?”. GS Trần Lâm Biền cũng dẫn ra hàng loạt ví dụ về việc xâm hại di tích, mất cắp cổ vật, tu bổ làm biến dạng di tích. “Cứ nói phân cấp nhưng không thể giao trách nhiệm theo lối khoán trắng đó được” - ông Biền nói.

GS Trần Lâm Biền cũng đưa ra cảnh báo về tình trạng nhà quản lý văn hóa thiếu nghiệp vụ và chuyên môn sâu về di sản văn hóa. Ông nói: “Những người ngồi đây đến một nửa không hiểu lễ hội (đại biểu dự hội nghị là lãnh đạo các sở VH-TT&DL, ban quản lý di tích - PV). Cứ nghĩ lễ là cúng bái, hội là vui chơi, hiểu thế thì phá lễ hội rồi còn gì”. Còn ông Phan Đình Tân (phó chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ VH-TT&DL) trong một phát ngôn khác hẳn vẻ ôn hòa thường thấy thì cho rằng: ngoài 50% người ngồi đây không biết thì một bộ phận không nhỏ trong 50% người còn lại biết lơ mơ.

Về vấn đề phòng cháy chữa cháy ở di tích, ông Phan Đình Tân cũng cho rằng: phải làm rõ trách nhiệm của ban quản lý di tích khi để xảy ra tình trạng đó. Nhiều khi cứ nói chế tài nhưng thật ra là chế rất tài và chẳng ai làm sao cả.

H.H.

HÀ HƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp