Các đối tượng ném chất bẩn vào quán phở Hòa (quận 3, TP.HCM) hồi cuối tháng 7
Một người đàn ông tàn tật tên N. chạy xe ba gác ở quận Tân Bình (TP.HCM) bỗng một ngày tự kết liễu đời mình bằng một liều thuốc sâu.
Trong cơn thập tử nhất sinh, ông N. trăng trối không chịu được áp lực của giang hồ đòi nợ thuê nên đành tìm đến cái chết. May mắn thay, ông được cứu kịp thời. Trước đó một năm, người đàn ông này đã vay tín dụng đen từ những tờ rơi dán dọc vỉa hè với số tiền 20 triệu đồng, cả nợ lẫn lãi đã tăng gấp đôi.
Câu chuyện trên là một ví dụ về sự biến tướng của đòi nợ thuê dẫn đến đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ này được trình ra Quốc hội những ngày qua. Tuy nhiên, đề xuất này đã tạo ra những cuộc tranh luận, "xẻ đôi" ý kiến đại biểu, nửa đồng tình, nửa phản bác.
Trong đó, mấu chốt vấn đề là vẫn cần tồn tại dịch vụ đòi nợ văn minh, được pháp luật thừa nhận với những quy định pháp lý khắt khe, không phải là những dịch vụ biến tướng để tạo nên những nhóm cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái phép, tín dụng đen, cho vay nặng lãi... gây bất ổn xã hội thời gian qua.
Chính sự biến tướng mới gây nên những hành vi vi phạm pháp luật, và cũng có phần do cơ quan chức năng quản lý không tốt dịch vụ này dẫn đến biến tướng tràn lan và kéo dài... Đây là lý do khiến nhiều đại biểu đặt vấn đề đừng quản không được thì cấm.
Dẫn chứng câu chuyện phở Hòa (TP.HCM) bị giang hồ đòi nợ đến đe dọa, tạt sơn, tạt mắm tôm gây bức xúc dư luận thời gian qua, phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Phan Thị Bình Thuận từng chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng những hành vi đòi nợ phi pháp này sẽ bị chặn đứng khi công an nhanh chóng vào cuộc xử lý, bắt giữ.
Do đó, bà Thuận cho rằng chính yếu vẫn là sự quản lý, giám sát thật chặt đối với những công ty đòi nợ thuê và sự vào cuộc rốt ráo của cơ quan chức năng ngay khi xảy ra biến tướng.
Có như vậy, doanh nghiệp đòi nợ thành lập hợp pháp sẽ hoạt động đúng chức năng, đúng pháp luật, không thể vượt ra khỏi ranh giới của pháp luật. Nếu quản lý tốt, không cần đến cấm và nếu có cấm thì thực tế cũng cấm không xuể bởi phát sinh nợ và đòi nợ là thực tiễn của thị trường.
Không chỉ riêng vấn đề biến tướng đòi nợ, tư duy quản không được thì cấm tồn tại ở nhiều lĩnh vực khiến dư luận bức xúc. Như việc ngành văn hóa ra mệnh lệnh hành chính tạm dừng phổ biến 5 bài hát sáng tác trước năm 1975 khiến dư luận phẫn nộ về tư duy quản lý. Hay khi xảy ra nhiều vụ ngộ độc methanol, đã có nhiều ý kiến đề nghị cấm nấu rượu thủ công, trong khi nguyên nhân là do quản lý methanol.
Còn với lĩnh vực giao thông, từng có những ý kiến cấm taxi công nghệ khiến chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM đành phải khẳng định "phải bàn chuyện quản chứ không nên bàn chuyện cấm".
Chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng nhấn mạnh trước các doanh nghiệp quốc tế rằng: "Không quản lý được thì đóng cửa là quan điểm lạc hậu rồi".
Lạc hậu rồi thì phải thay đổi. Cấm dễ nhưng quản được, phát huy được hiệu quả của những dịch vụ xã hội cần mới là điều người dân kỳ vọng, thậm chí là yêu cầu đối với cơ quan quản lý. Đó mới là sự thay đổi tư duy theo hướng tiến bộ và việc cần làm của cơ quan quản lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận