13/11/2016 09:55 GMT+7

Quán karaoke phải tách biệt với nhà ở

NGỌC ĐÔNG thực hiện
NGỌC ĐÔNG thực hiện

TTO - Đây là lưu ý của hai vị khách người Singapore và người Nhật về hoạt động kinh doanh karaoke sau vụ cháy quán karaoke làm chết 13 người ở Hà Nội. Xin giới thiệu hai ý kiến dưới đây.

Sau vụ cháy quán karaoke số 68 Trần Thái Tông, Hà Nội (ảnh) khiến 13 người chết, TP tập trung kiểm tra hoạt động kinh doanh karaoke trên địa bàn - Ảnh: QUANG THẾ
Sau vụ cháy quán karaoke số 68 Trần Thái Tông, Hà Nội (ảnh) khiến 13 người chết, TP tập trung kiểm tra hoạt động kinh doanh karaoke trên địa bàn - Ảnh: QUANG THẾ

* Anh Harvard Chong (người Singapore):

Kiểm tra cháy nổ thường xuyên

Sống ở Việt Nam gần nửa năm, tôi cũng có dịp đến một số quán karaoke ở TP.HCM. Có chỗ là tòa nhà 7 lầu nhưng lối đi lại rất hẹp, nên tôi cảm thấy không mấy an toàn ở đó.

Ở Singapore, doanh nghiệp thương mại chỉ được hoạt động trong các tòa nhà có tính thương mại. Các quán karaoke ở Singapore thường nằm trong các trung tâm mua sắm chứ không phải là cả tòa nhà, hay nhà ở được cải tạo lại thành quán karaoke. Bạn sẽ không nhìn thấy một quán karaoke nào như vậy đâu vì việc đó là phạm luật.

Các quán karaoke phải tuân thủ quy định của trung tâm thương mại và phải thông qua kiểm tra an toàn cháy nổ của cơ quan chức năng trước khi hoạt động. Sau khi đi vào hoạt động, các cơ sở này vẫn phải được kiểm tra an toàn cháy nổ định kỳ.

Hệ thống chữa cháy như vòi phun nước và bình chữa cháy (đảm bảo còn hạn sử dụng) phải luôn được trang bị, lối thoát hiểm cũng phải được xây dựng với biển chỉ dẫn rõ ràng, dễ thấy.

Các quán karaoke mới mở nếu không đạt được yêu cầu về an toàn sẽ không được phép hoạt động.

Còn đối với các quán đã đi vào hoạt động và không vượt qua được kỳ kiểm tra an toàn định kỳ, cơ quan chức năng sẽ cho họ một khoảng thời gian để sửa chữa sai phạm, đồng thời có thể sẽ phải đóng phạt kèm theo đó. Nếu sau thời gian đó vẫn không đáp ứng được các yêu cầu về độ an toàn, họ sẽ bị đóng cửa.

Do vậy, tôi nghĩ để các cơ sở kinh doanh karaoke đảm bảo an toàn cho khách, chính quyền nên đẩy mạnh việc kiểm tra cũng như siết chặt các quy định về an toàn cháy nổ.

Hát karaoke là một hoạt động xã hội và có tính kết nối, tuy nhiên đôi khi nó cũng mang lại một số phiền hà. Một vấn đề khá phiền mà tôi thấy ở Việt Nam là có nhiều nhà dân bật âm lượng rất to hát karaoke từ 11g đêm đến 3g sáng, gây phiền hà cho người xung quanh.

Thỉnh thoảng ở Singapore cũng có chuyện này và chúng tôi thường gọi cảnh sát. Khi đó cảnh sát sẽ đến và lịch sự yêu cầu người vi phạm giảm âm lượng.

Nếu những người vi phạm vẫn tiếp diễn, hàng xóm sẽ tiếp tục gọi cảnh sát và những người đó có thể bị bắt vì tội gây rối nơi công cộng. Nhưng thường ở Singapore người ta không dám tiếp tục một hành vi vi phạm nào đó một khi cảnh sát đã xuất hiện.

* Ông Hirate Yosuke (người Nhật):

Nhật Bản từng trả giá vì không an toàn trong phòng cháy

Tôi thích hát karaoke và cũng có đi hát ở Việt Nam. Tuy nhiên thật sự mà nói, tôi không để ý lắm đến chuyện an toàn vì tôi nghĩ các quán đó sẽ tuân thủ theo quy định an toàn của pháp luật...

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp karaoke Nhật Bản, năm 2015 Nhật Bản có khoảng 9.555 quán karaoke hoạt động với khoảng 47,5 triệu khách hàng.

Các quán karaoke này luôn ở xung quanh ga tàu, trong các tòa nhà thương mại hay trung tâm mua sắm. Luật Nhật Bản cấm hoạt động karaoke ở khu dân cư.

Theo quy định ở Nhật Bản, tòa nhà nào cũng phải tuân thủ theo luật phòng chống cháy nổ. Đặc biệt, luật cháy nổ ở Nhật Bản từng được thay đổi với các hình phạt nặng hơn từ tháng 10-2002.

Nguyên nhân là năm 2001, một vụ cháy xảy ra tại một tòa nhà ở Shinjuku, Tokyo khiến 44 người chết và 3 người bị thương. Đó cũng là vụ cháy lớn thứ 5 trong vòng 70 năm từ sau Thế chiến thứ hai tại Nhật.

Nguyên nhân được xác định do người ta để nhiều đồ đạc trên các cầu thang chật hẹp trong tòa nhà đó, trong khi tòa nhà này chỉ có một lối thoát hiểm mà ngọn lửa lại bùng lên ở đó, khiến khách hàng bên trong không thể thoát ra ngoài.

Bên cạnh đó, thiết bị báo cháy và thoát hiểm của tòa nhà không được kiểm tra và cũng không hề có buổi diễn tập phòng cháy chữa cháy nào.

Sau trận hỏa hoạn này, các cơ quan quản lý thảm họa và cháy nổ ở Nhật kiểm tra các tòa nhà được sử dụng nhiều mục đích như tòa nhà vừa bị cháy.

Kết quả cho thấy hơn 90% tòa nhà có sai phạm về an toàn trong phòng chống cháy nổ. Ngay lập tức Chính phủ Nhật hành động quyết liệt, thay đổi luật phòng chống cháy nổ nhằm tránh tình trạng sai phạm tiếp diễn.

Một số hành vi vi phạm luật phòng chống cháy nổ đã được tăng hình phạt từ tối đa 1 năm tù lên 3 năm tù, cũng như tiền phạt tăng từ tối đa 500.000 yen (hơn 100 triệu đồng) lên 3 triệu yen (hơn 600 triệu đồng). Kết quả là có ít tai nạn cháy nổ hơn kể từ tháng 10-2002 trở đi.

Tôi nghĩ việc siết quy định sẽ có hiệu quả trong việc khiến các chủ tòa nhà và cơ sở kinh doanh karaoke có trách nhiệm hơn trong việc tuân thủ các quy định về an toàn cháy nổ.

Ngoài ra, khi ai đó làm ồn trong khu dân cư, người dân ở đó sẽ báo cảnh sát hoặc quản lý khu vực họ ở và những người có trách nhiệm sẽ xử lý vụ việc rất nghiêm khắc.

Tuy nhiên ở Nhật, mọi người thường rất có ý thức trong việc tránh làm ồn và gây ảnh hưởng đến người khác.

NGỌC ĐÔNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp