Đây là chuỗi sự kiện làm việc quan trọng nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 79 ở New York, đồng thời để lại một trong những chỉ dấu quan trọng cho tương lai hợp tác Việt - Mỹ trong bối cảnh mới.
Đầu tàu hợp tác kinh tế
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao mong muốn mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ, đồng thời nhấn mạnh cam kết tạo thuận lợi theo quy định của pháp luật để các nhà đầu tư Mỹ kinh doanh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.
Chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lần này có ý nghĩa đặc biệt khi hai bên hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, và kỷ niệm một năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ.
Chính vì vậy, các cam kết ở New York vừa qua là sự tiếp nối của quá trình phát triển quan hệ song phương tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ, trong đó hợp tác kinh tế nổi lên như một minh chứng sinh động và thực chất.
Từ năm ngoái, cùng với việc tăng cường hợp tác và thúc đẩy lòng tin, các phái đoàn gồm hàng chục doanh nghiệp lớn của Mỹ đã đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Tận dụng đà phát triển hợp tác kinh tế song phương với Mỹ cũng là một cách gửi đi thông điệp của Việt Nam về chủ nghĩa đa phương, như cách Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nêu ra trong bài phát biểu tại Đại học Columbia sáng 23-9: "Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc Đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến ổn định, tin cậy và hấp dẫn với các nhà đầu tư, doanh nghiệp và du khách nước ngoài".
Thực tế, khi nhà lãnh đạo Việt Nam đang có mặt tại New York để thảo luận về tương lai hợp tác kinh tế, đầu tư với doanh nghiệp Mỹ, có tin Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc đầu tư thêm 1,8 tỉ USD vào tỉnh Bắc Ninh. Sự cởi mở của Việt Nam với các đối tác phản ánh nỗ lực làm bạn với các nước, một cách tiếp cận có ý nghĩa giữa thời điểm giới quan sát lo ngại về việc chủ nghĩa đa phương đang bị đe dọa.
Ông Stephen Olson, nghiên cứu viên khách mời tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), lưu ý hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên luật lệ đang bị phá vỡ, và các nước đối diện với chủ nghĩa bảo hộ cũng như tư duy hơn - thiệt ngày càng gia tăng trong quan hệ thương mại.
"Chính vì vậy, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bảo vệ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương là rất có ý nghĩa", ông Olson, trước đây là chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu thương mại Quỹ Hinrich, nhận định với Tuổi Trẻ.
Thúc đẩy lòng tin
Với giới quan sát, chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Mỹ lần này rất quan trọng đối với quan hệ Việt - Mỹ, khi Washington sẽ có cảm nhận trực tiếp đầu tiên sau khi Việt Nam thay đổi lãnh đạo.
Trong thời gian qua, Việt Nam và Mỹ vẫn nỗ lực phát huy điểm mạnh, đồng thời giải quyết một số khác biệt trong hợp tác kinh tế và thương mại. Nhìn chung, Mỹ rất mong muốn hiểu rõ về lập trường của Việt Nam.
Các chuyên gia đa số đồng ý rằng cách xử lý tốt nhất của Việt Nam là tăng cường phát triển khoa học, công nghệ, đào tạo nhân lực... từ đó gia tăng giá trị bổ sung cho sản phẩm.
Bà Alicia Herrero, kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Natixis, nhận định để có được vị trí đặc biệt về tiềm năng tiếp cận thị trường Mỹ khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden triển khai Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022 (IRA), Việt Nam phải bổ sung giá trị nội địa.
Theo ông Olson, các công ty Mỹ nhiệt tình chào đón sự hiện diện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và cạnh tranh các nước lớn chỉ càng khiến Việt Nam thu hút hơn. Nhưng để tận dụng điều này, Việt Nam cần phải giải quyết thách thức về cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực trong các ngành sản xuất tiên tiến.
Từ góc độ của mình, Việt Nam cũng sẽ lưu tâm tới sự thay đổi lãnh đạo trong thời gian tới tại Mỹ. Giáo sư David Dapice (Đại học Harvard) nhận xét đây là chuyến đi quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và sẽ mang tới những điểm tích cực, song kết quả bầu cử Mỹ có thể là nhân tố ảnh hưởng tới bức tranh hợp tác tương lai.
"Tổng thể mà nói, tôi nghĩ hai bên sẽ có sự thấu hiểu tốt hơn, nhưng đây là năm bầu cử Mỹ. Tôi kỳ vọng cách tiếp cận của bà Harris sẽ rất giống ông Biden, trong khi ông Trump sẽ thực tế hơn", ông Dapice nói với Tuổi Trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận