Với Việt Nam, từ "mối duyên lịch sử", đây cũng là kỳ bầu cử đầu tiên diễn ra khi mối quan hệ Việt - Mỹ đã chính thức trở thành Đối tác chiến lược toàn diện. Vì vậy những tác động, dự báo và tầm nhìn của hai quốc gia sẽ góp phần quan trọng vào quá trình "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", cũng như đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Biến động, cơ hội và thách thức
Trong Báo cáo chính sách 2024 "Chiến lược định hình lại chuỗi giá trị toàn cầu của Mỹ: Các cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam" trình bày tại Diễn đàn mùa thu do UBND TP.HCM cùng các đối tác Mỹ tổ chức tại New York, các tác giả đã nhấn mạnh 7 chính sách quan trọng của Mỹ tác động nhất định cả về trước mắt lẫn lâu dài, diện rộng lẫn chiều sâu của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp, thị trường lao động và các chỉ số của "tăng trưởng" xã hội.
Ở cả hai chiều (của mối quan hệ và tác động lẫn nhau) đều mở ra nhiều cơ hội và thách thức. Đơn cử là trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, khởi đầu từ năm 2018 dưới thời Tổng thống Donald Trump, thế giới đã chứng kiến chuỗi cung ứng toàn cầu dần dịch chuyển từ quốc gia tỉ dân sang Việt Nam và một số nước khác.
Các ngành công nghiệp như dệt may, giày dép, điện tử và đồ gỗ đã hưởng lợi rõ rệt từ sự chuyển dịch này, thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đa dạng hóa thị trường và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Tuy nhiên để thiết lập và duy trì những lợi thế đó, Việt Nam đang đối mặt với áp lực lớn trong việc phát triển hạ tầng logistics, giao thông và đảm bảo nguồn nhân lực phù hợp. Chưa kể do sự gia tăng xuất khẩu từ Việt Nam, các doanh nghiệp có nguy cơ bị cáo buộc lẩn tránh thuế quan hoặc vi phạm các quy định về xuất xứ, dẫn đến các biện pháp trừng phạt từ phía Mỹ.
Hay trong Luật CHIPS và khoa học được ban hành vào tháng 8-2022 dưới thời Tổng thống Joe Biden với mục đích giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ vào các nguồn cung cấp nước ngoài, đặc biệt là từ châu Á - nơi phần lớn chip bán dẫn được sản xuất. Do đó nó không đơn thuần là một biện pháp kinh tế mà còn là một chiến lược an ninh quốc gia nhằm củng cố năng lực cạnh tranh toàn cầu về công nghiệp bán dẫn.
Từ đó Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế, đặc biệt trong việc cung cấp, xuất khẩu nguyên liệu, linh kiện và thiết bị phục vụ cho sản xuất chip cũng như đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu và phát triển, gia tăng cơ hội đầu tư vào sản xuất và lắp ráp với việc tận dụng các ưu đãi của Luật CHIPS.
Thách thức lớn đối với Việt Nam là đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và quy định khắt khe khi tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn. Việc đáp ứng các yêu cầu về bảo mật dữ liệu, chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất có thể đòi hỏi đầu tư lớn vào công nghệ và quy trình sản xuất. Chưa kể năng lực trong lĩnh vực chất bán dẫn của Việt Nam vẫn còn rất hạn chế và những rủi ro có thể đến trong quá trình cố gắng gia nhập thị trường chất bán dẫn…
Tìm thấy cơ trong nguy
Vấn đề mấu chốt là dù về mặt địa chính trị, toàn cầu đang bước vào giai đoạn phức tạp, tức "địa bất lợi" nhưng nhờ vào tâm thế "nhân hòa" - Việt Nam và Mỹ trở thành Đối tác chiến lược toàn diện - nên đã tạo được tính "thiên thời" - cụ thể ở đây là những điểm chung trong cùng nhận thức về hoạch định chiến lược lẫn phương thức hành động để cụ thể hóa các bước đi của chiến lược ấy.
Đơn cử từ mục tiêu của cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đến các chính sách như Khung Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) ra mắt vào tháng 5-2022, sắc lệnh hành pháp về chuỗi cung ứng của Mỹ (tháng 2-2021), Luật Giảm lạm phát (tháng 8-2022) và Luật CHIPS và khoa học, Chính phủ Mỹ đều hướng đến việc tăng cường tính bền vững và linh hoạt cho chuỗi cung ứng trong khu vực. Các chính sách này giúp giảm sự phụ thuộc vào một số nguồn cung nhất định, đặc biệt trong những lĩnh vực nhạy cảm như công nghệ, y tế và nông nghiệp, nhằm giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó tốt hơn trước các rủi ro gián đoạn và khủng hoảng kinh tế.
Điều này xét về phía Việt Nam cũng đang vừa là giải pháp cho trước mắt lẫn lâu dài, tạo tính linh hoạt, đa dạng và bền vững về vùng nguyên liệu, phân phối, tiêu thụ trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó ưu tiên các ngành sản xuất công nghệ cao, năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng.
Tất nhiên điểm khó khăn là Việt Nam phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng và quy định khắt khe của Mỹ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Điều này bao gồm việc đảm bảo tính bền vững, an toàn và bảo vệ môi trường. Đó là chưa nói đến rào cản pháp lý đến từ hệ thống pháp lý phức tạp của Mỹ, hay không dễ để tiếp cận vốn từ các tổ chức tài chính Mỹ bởi các yêu cầu về bảo đảm và uy tín tài chính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận