Đưa tin về việc này, trong bài “Nga có đang phá hoại mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ?” đăng ngày 8-10, Đài CNN của Mỹ nói Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan lo ngại việc Nga dính líu vào Syria sẽ làm căng thẳng thêm tình hình đang bùng nổ, tăng số người tị nạn về phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Gần đây, ngày 16-11, phát biểu tại cuộc gặp G-20 ở Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ), Tổng thống Putin tuyên bố Nga “biết rõ nguồn tiền từ những quốc gia nào tài trợ cho khủng bố IS” và nói đã chia sẻ với các nước G-20 danh sách 40 quốc gia, trong đó có cả thành viên G-20, mà IS nhận được tiền tài trợ.
Đài Russia Today khi đó dẫn lời ông Putin: “Chúng tôi đã cho các đồng nghiệp mình xem những ảnh chụp từ vệ tinh và máy bay cho thấy rõ mức độ buôn lậu dầu như thế nào... Những đoàn xe buôn lậu trải dài hàng chục cây số, thấy rõ từ độ cao 4.000 - 5.000m...”.
Mặc dù ông Putin không hài tên nước nào trong số G-20, nhưng một số chuyên gia đã chỉ ra những quốc gia tình nghi, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ.
Tôi e rằng ban lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã phạm sai lầm chiến lược |
ALEKSEI MUKHIN (giám đốc Trung tâm Thông tin chính trị Nga) |
Tờ The Guardian từng cho biết một cuộc bố ráp của quân đội Mỹ vào nhà một thủ lĩnh tài chính của IS đã tìm được bằng chứng về sự can dự của các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ với các thành viên cao cấp của IS phụ trách việc buôn bán dầu và khí đốt.
Bài báo viết: “Những lợi ích chung khiến Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể tấn công mạnh IS, do những lợi ích chung này có thu nhập từ buôn lậu dầu thô của IS”.
Còn theo cựu viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ Peter Van Buren, “chính sách mở cửa” của Thổ Nhĩ Kỳ đã biến biên giới phía nam của nước này thành một điểm trung chuyển không chính thức giúp IS đưa dầu buôn lậu ra khỏi Syria.
Các quan chức tình báo Iraq và Mỹ cho biết thu nhập từ buôn lậu dầu thô của IS lên tới 50 triệu USD/tháng.
Tờ Komsomolkaya Pravda của Nga vì thế nhận định không loại trừ vụ bắn hạ SU-24 của Nga có nguyên nhân là Thổ Nhĩ Kỳ muốn trả đũa Nga vì Nga đã đánh bom vào các cơ sở hạ tầng dầu khí của IS, ảnh hưởng đến các mối lợi không nhỏ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, theo giám đốc Trung tâm Thông tin chính trị Nga Aleksei Mukhin, dù không loại trừ giả thiết liên quan tới món lợi dầu khí, ông chỉ ra “việc bắn rơi máy bay Nga sẽ giúp ông Erdogan củng cố vị thế chính trị trong nước để ngăn chặn sự lớn mạnh của phe đối lập.
Hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa mới tiến hành bầu cử, và ông Erdogan tuy thắng cử nhưng xã hội Thổ Nhĩ Kỳ đang rất chia rẽ, đòi hỏi ông Erdogan phải hành động mạnh mẽ, thậm chí triệt để. Vì thế mới có những cảnh báo liên tục, rồi những căng thẳng sau các vụ máy bay không người lái vi phạm biên giới, rồi giờ là sự cố máy bay”.
Chuyên gia bình luận quân sự của nhật báo Nga Kommersant Maksim Yusin cho rằng sự cố này có thể “kích hoạt một cuộc khủng hoảng sâu sắc thật giữa Nga và một thành viên NATO” và rằng đây là “một sự phá hoại có ý thức của Tổng thống Erdogan”.
Theo bình luận viên quân sự của tờ Komsomolskaya Pravda, Nga cần yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ trình bằng chứng nói máy bay Nga vi phạm không phận. Ông cho rằng việc này sẽ không diễn ra nhanh chóng: sẽ phải thành lập một ủy ban Nga - Thổ, tập trung tất cả dữ liệu của hai bên.
“Máy bay chắc chắn được nhìn thấy trên bầu trời qua các phương tiện rađa. Và sẽ có chỉ dấu trên bộ định vị chỉ ra chính xác tại thời điểm xảy ra sự cố máy bay Nga đang ở đâu. Nga sẽ yêu cầu phía Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp thông tin, họ đã đo sự hiện diện của máy bay Nga trong không phận của mình bằng cách nào”.
Ông Aleksei Mukhin thì cho rằng sự cố này sẽ khiến “hai bên sẽ phải điều chỉnh quan hệ trong tương lai, vì nếu chiếc máy bay Nga bị bắn rơi thật sự không vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ, Nga có nguyên cớ để tuyên bố chiến tranh, điều đáng lo âu nhất trong sự cố này”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận