13/02/2020 07:40 GMT+7

Quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines vì sao rung lắc?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Cảm giác bị coi thường nhất trong số các đồng minh hiệp ước của Mỹ vẫn hiện diện trong suy nghĩ nhiều người Philippines, kể cả giới chính khách. Cựu thuộc địa của Mỹ không muốn tiếp tục bị khinh khi nữa.

Quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines vì sao rung lắc? - Ảnh 1.

Sĩ quan tuần duyên Mỹ trao đổi với lính thủy quân lục chiến Philippines trong tập trận MTA Sama Sama năm 2019 - Ảnh: Quân đội Mỹ

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 10-2 đã nói thẳng Washington đối xử với Manila như "một con chó bị xích". Một ngày sau đó, ông tuyên bố đã chính thức gửi thông báo chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) đến Mỹ.

Cũng giống như các đồng minh hiệp ước khác của Mỹ tại châu Á là Hàn Quốc và Nhật Bản, các thỏa thuận quân sự giữa Washington và Manila thường được đánh giá cao về ý nghĩa chiến lược nhưng vấp phải sự phản đối của người dân sở tại vì các vấn đề xã hội.

Trung Quốc sẽ là bên hưởng lợi lớn nhất nếu VFA chính thức bị hủy. Bắc Kinh sẽ không từ bỏ cơ hội tốt như vậy.

Richard Heydarian (chuyên gia người Philippines)

"Công dân hạng hai"

VFA bắt đầu có hiệu lực vào năm 1999, trong đó có một điều khoản cho phép Mỹ duy trì quyền xét xử riêng đối với các quân nhân Mỹ đóng tại Philippines, trừ các trường hợp phạm tội "có mức độ đặc biệt nghiêm trọng với Philippines". 

Điều này có nghĩa là Mỹ có quyền từ chối bắt giữ hoặc tống giam các binh sĩ phạm tội ở Philippines nếu khẳng định quân nhân của họ chỉ phạm tội nhẹ. Washington đã sử dụng VFA ít nhất 2 lần để bảo vệ các binh sĩ phạm tội tại Philippines, một trong những số này là vụ hiếp dâm gây chấn động tại căn cứ hải quân Subic.

Tháng 11-2005 xảy ra vụ việc thổi bùng sự giận dữ của người dân Philippines đối với các lực lượng Mỹ đồn trú tại nước này. Một phụ nữ tên Suzette Nicolas tố cáo cô đã bị 4 binh sĩ Mỹ cưỡng hiếp tập thể trong một chiếc xe tải tại căn cứ hải quân Subic (nơi thủy quân lục chiến Mỹ đóng quân). 

Vài ngày sau đó, Nicolas lại nói rằng chỉ có một lính Mỹ thực hiện hành vi thú tính với cô. Daniel Smith - binh sĩ Mỹ bị cáo buộc - phủ nhận mọi thứ và nói rằng đây là tình dục đồng thuận.

Truyền thông Philippines và thế giới lập tức vào cuộc bởi hiểu mức độ nghiêm trọng và ý nghĩa biểu tượng của sự việc. Tháng 12-2006, sau nhiều phiên tòa công khai suốt 1 năm, Smith bị kết án 40 năm tù cho tội hiếp dâm. 

Tuy nhiên, bất chấp lệnh của thẩm phán Philippines, Smith lại bị giam trong Đại sứ quán Mỹ tại Manila thay vì nhà tù Philippines. Điều này khiến người Philippines vô cùng tức giận và xuống đường biểu tình, yêu cầu công lý phải được thực thi nghiêm túc.

Tháng 3-2009, tức khoảng 3 năm sau khi Smith bị "giam" trong tòa đại sứ, Nicolas gửi một "tâm thư" thừa nhận cô không chắc mình đã bị cưỡng hiếp trong cơn say. Một phiên tòa phúc thẩm được tổ chức ngay lập tức và tuyên bố tha bổng Smith vào tháng 4-2009. 

Những người theo chủ nghĩa dân tộc chua chát thừa nhận "nhờ" VFA, người Philippines đã bị biến thành công dân hạng hai ngay trên chính đất nước của mình.

Bỏ Mỹ thì lại lo

Hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines (MDT) đạt được năm 1951 cho phép quân đội Mỹ hiện diện tại các căn cứ chiến lược của Philippines. Tuy nhiên, nhiều vấn đề phát sinh khiến hai bên phải đàm phán lại và dẫn tới việc Mỹ phải rút quân khỏi lãnh thổ Philippines đầu thập niên 1990. 

Sự vắng mặt thường trực của Mỹ đã tạo điều kiện cho Trung Quốc hành động. Tháng 2-1995, Bắc Kinh điều tàu tới xua đuổi các ngư dân Philippines tại đá Vành Khăn và kiểm soát trên thực tế kể từ đó đến nay.

Nhận thấy sự gia tăng các mối đe dọa từ Trung Quốc, Philippines bắt đầu gợi ý về một thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ có mặt "tạm thời" tại Philippines và kết quả là VFA ra đời. 

Việc hủy VFA có thể để lại hậu quả không nhỏ cho quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines và cán cân quyền lực tại Biển Đông. Viết trên tạp chí The Diplomat, cây bút Prashanth Parameswaran nhận định hành động của "tổng thống dân túy Duterte" như một cái tát đối với Mỹ bởi chưa một đồng minh châu Á nào dám "phũ" với Mỹ như thế từ sau Chiến tranh lạnh.

Quyết định của ông Duterte cũng không nhận được sự ủng hộ từ chính nội các. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cảnh báo việc hủy VFA đồng nghĩa với việc Manila đã tự bỏ lá chắn bảo vệ trước các động thái hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông. 

Carlos Isagani Zarate, một hạ nghị sĩ, thì tỏ ý mỉa mai khi nói rằng nếu ông Duterte muốn Philippines tự đứng trên đôi chân mình thì tốt nhất hãy hủy luôn MDT và Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường với Mỹ.

Giáo sư Jay L. Batongbacal - giám đốc Viện các vấn đề hàng hải và luật biển thuộc Đại học Philippines - nhận định hủy VFA là một hành động dại dột. Ông nhấn mạnh nếu không nhờ VFA, Trung Quốc có lẽ đã biến bãi cạn Scarborough thành đảo nhân tạo sau khi chiếm nó từ Philippines năm 2012.

Mỹ, Philippines sẽ tập trận theo Mỹ, Philippines sẽ tập trận theo 'bài tập' của Tổng thống Duterte

TTO - Quân đội Mỹ và Philippines đã xác định kế hoạch tập trận chung 10 ngày vào tháng 5 tới, bất chấp trước đó Tổng thống Duterte tuyên bố chấm dứt hợp tác.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp