Tuần trước, Bộ Quốc phòng Nhật công bố Sách trắng quốc phòng hằng năm trùng với dịp kỷ niệm 70 năm thành lập SDF Nhật Bản - cơ quan lực lượng vũ trang của nước này.
Đáng chú ý khi cùng ngày Sách trắng được công bố, 218 thành viên SDF và các quan chức cấp cao đã bị công bố những hình thức kỷ luật khác nhau từ sa thải đến khiển trách chính thức.
Cẩu thả trong bảo mật
Theo đó, trong số những người bị xử lý có 11 người bị sa thải, 2 người bị giáng chức, 83 người bị đình chỉ công tác, 14 người bị cắt lương, 7 người chính thức bị khiển trách và những người khác bị nhắc nhở, cảnh cáo.
Bộ Quốc phòng Nhật cho biết các bê bối bao gồm cung cấp thông tin mật về hoạt động di chuyển của tàu chiến cho các thủy thủ chưa qua kiểm tra an ninh; hàng chục người nhái hải quân đã yêu cầu trả tiền rủi ro cho những nhiệm vụ họ không hề thực hiện; có quan chức của bộ này quấy rối cấp dưới bằng lời nói...
Trong đó, khoảng một nửa số cáo buộc, bao gồm 113 người, bị kỷ luật liên quan đến thông tin mật. Trong cuộc họp báo hôm thứ sáu tuần trước (12-7) tại Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Minoru Kihara cho biết: "Sự hiểu biết của chúng tôi về việc quản lý thông tin mật hoàn toàn chưa đầy đủ". Bài xã luận trên báo Mainichi (tiếng Anh) của Nhật viết: "Việc quản lý thông tin cẩu thả như vậy làm suy yếu lòng tin, đặc biệt khi SDF và quân đội Mỹ tăng cường hợp tác".
Việc quản lý thông tin mật cẩu thả có thể làm giảm uy tín của SDF và ảnh hưởng xấu đến liên minh an ninh mới được tăng cường giữa Nhật và Mỹ, cũng như hợp tác quốc phòng của Nhật với các đối tác an ninh khác.
Các bê bối đó cũng làm công chúng Nhật thêm miễn cưỡng trong việc chấp nhận tăng thuế để có thêm ngân sách cho việc tăng chi tiêu quốc phòng.
Ông Kihara nhấn mạnh: "Những vấn đề này đã phản bội lòng tin của công chúng và không thể chấp nhận được".
Ông cho biết sẽ trả lại một tháng lương để thừa nhận trách nhiệm của mình. Ông Kihara không từ chức, nhưng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Kazuo Masuda và bốn sĩ quan cấp cao khác bị khiển trách vì không kiểm soát và giám sát đầy đủ các nhân viên dưới quyền.
Bê bối phủ bóng
Cơ quan nằm ở "tâm bão" trong các bê bối quốc phòng chính là hải quân Nhật Bản, với tên gọi chính thức là Lực lượng Phòng vệ hàng hải (MSDF). Hôm 19-7, đô đốc Ryo Sakai - tham mưu trưởng MSDF - cũng đã từ chức.
Ông Sakai ra đi nhưng phạm vi ảnh hưởng của bê bối không chỉ giới hạn ở vấn đề nhân sự Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Các bê bối không chỉ gây mất lòng tin dân chúng như ông Kihara thừa nhận, mà còn có thể gây ra những hậu quả sâu rộng khi xuất hiện vào thời điểm chính quyền của Thủ tướng Kishida Fumio đang cố gắng tăng đáng kể ngân sách quốc phòng thông qua các biện pháp như tăng thuế, vốn đòi hỏi sự cảm thông của dân chúng.
Theo ba tài liệu được Chính phủ Nhật cập nhật vào năm 2022, bao gồm hướng dẫn chính sách dài hạn về "Chiến lược an ninh quốc gia", Nhật Bản đặt mục tiêu tăng gần gấp đôi chi tiêu quốc phòng hằng năm từ 1% GDP lên 2% GDP trong khoảng thời gian năm năm cho đến năm tài chính 2027, trong bối cảnh những thách thức an ninh ngày càng tăng từ Trung Quốc, Triều Tiên và Nga.
Trong bài phát biểu sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở thủ đô Washington DC, Thủ tướng Kishida Fumio cho biết ông đã chỉ thị cho Bộ trưởng Kihara giải quyết tận gốc các vấn đề và tăng cường khả năng lãnh đạo để khôi phục lòng tin của công chúng.
Ông Kishida nhấn mạnh: "Nhìn lại cuộc họp của NATO, rõ ràng chúng ta đang phải đối mặt với một môi trường an ninh cực kỳ nghiêm trọng. Với suy nghĩ đó, Nhật Bản không thể để xảy ra bất kỳ sai sót nào về an ninh của mình".
Các vụ bê bối quốc phòng gây thêm một cơn đau đầu nữa cho triển vọng duy trì quyền lực của Thủ tướng Kishida. Các cuộc khảo sát ủng hộ ông đang ở mức thấp lịch sử do vụ bê bối liên quan đến quỹ tài trợ chính trị và các hộ gia đình đang phải gánh chịu lạm phát với giá cả tăng cao trong hai năm qua.
Sự việc hiếm hoi
Các vụ bê bối quốc phòng ở Nhật vốn thường được giấu kín nhưng lần này lại được hiếm hoi công khai phản ánh một nền văn hóa có vấn đề trong lực lượng quốc phòng và bộ máy quan liêu Nhật Bản.
Mối quan hệ quá thân mật giữa quan chức với các nhà thầu quốc phòng, quấy rối tình dục, đe dọa bắt nạt các quan chức cấp dưới, cũng như việc không có khả năng quản lý chặt chẽ thông tin bí mật là những vấn đề cốt lõi trong cách vận hành của bộ máy an ninh quốc gia Nhật Bản.
Đây được coi là "văn hóa tổ chức" của SDF, mà theo tờ Japan Times là đã khuyến khích cho việc nhắm mắt làm ngơ trước những hành vi sai trái nội bộ. Nhưng lần này, với việc công khai bê bối có thể thấy Tokyo muốn mạnh tay "làm sạch tổ chức" dù phải chấp nhận sự "đau đớn về mặt chính trị".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận