Phóng to |
Phóng viên chiến tranh Jon Stephenson cáo buộc quân đội đã do thám ông - Ảnh: AP |
AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Jonathan Coleman rằng ngôn từ trong tài liệu trên - vốn dùng để huấn luyện binh sĩ về các quy trình an ninh - là quá “nặng nề” và cần phải được thay đổi.
“Quan điểm của tôi là phần đề cập về các nhà báo điều tra phải được loại bỏ khỏi tài liệu này. Những từ ngữ này không thích hợp và quá nặng nề” - Bộ trưởng Coleman nói.
Động thái trên diễn ra sau khi báo Sunday Star-Times (New Zealand) tiết lộ tài liệu chỉ dẫn của quân đội - được biên soạn từ năm 2003 - đã xếp ba nhóm đối tượng “lật đổ” sau là mối đe dọa an ninh: các cơ quan tình báo hiếu chiến, những tổ chức cực đoan và các nhà báo điều tra.
Tài liệu này cảnh báo rằng ba nhóm trên muốn gây chia rẽ chính phủ hay “làm suy yếu quân đội, nền kinh tế và sức mạnh chính trị của quốc gia xem trọng đạo đức, sự trung thành và sự tin cậy của nhân dân”.
Quan chức phe đối lập, ông Phil Goff, cho rằng tài liệu trên của quân đội "hoàn toàn sai trái và không thể chấp nhận" khi các tướng lĩnh quân đội lại có cách hiểu lệch lạc như vậy về các nhà báo, qua đó chứng tỏ họ không hiểu gì về vai trò của truyền thông trong một xã hội dân chủ.
"Ban lãnh đạo lực lượng quốc phòng đã nhầm lẫn giữa an ninh quốc gia với mong muốn không bị bẽ mặt vì những sự thật mà các nhà báo điều tra có thể khám phá ra từ những thiếu sót của họ. Việc này không thể có chỗ trong hệ thống chính trị của chúng ta" - AFP dẫn lời ông Goff.
Báo Sunday Star-Times cũng cáo buộc quân đội New Zealand đã đề nghị tình báo Mỹ giám sát các cuộc gọi điện thoại của một nhà báo New Zealand, Jon Stephenson - phóng viên tự do của báo McClatchy (Mỹ), khi tác nghiệp tại Afghanistan hồi năm ngoái.
Nếu bài báo được xác thực thì đây là thông tin đầu tiên cho thấy chương trình giám sát của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã do thám một nhà báo, đi ngược lại tuyên bố của Mỹ, rằng chương trình của NSA không nhắm vào các cá nhân cụ thể mà hướng đến thu thập dữ liệu diện rộng.
Bộ trưởng Coleman cho biết quân đội đã khẳng định với ông việc này không hề có cơ sở, cũng như không hề có chuyện nghe lén hay giám sát nào đã diễn ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận