02/03/2021 16:07 GMT+7

Quân đội Myanmar ra lệnh 'không dùng đạn thật' bắn người biểu tình

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Chính quyền quân sự Myanmar đã lùi bước trước những sức ép và chỉ trích của cộng đồng quốc tế sau các vụ cảnh sát xả súng trực tiếp vào đám đông biểu tình khiến hàng chục người thiệt mạng và bị thương ngày 28-2.

Quân đội Myanmar ra lệnh không dùng đạn thật bắn người biểu tình - Ảnh 1.

Thi thể một phụ nữ Myanmar bị cảnh sát bắn chết trong cuộc biểu tình ở thành phố Mandalay ngày 28-2 - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Bloomberg, lệnh cấm lực lượng an ninh sử dụng đạn thật được thông báo qua Đài phát thanh và truyền hình quốc gia Myanmar (MRTV). Việc công khai lệnh cấm được cho là để giảm căng thẳng và chỉ trích từ cả trong nước lẫn quốc tế.

"Đối với các phương pháp được sử dụng để giải tán đám đông, lực lượng an ninh được chỉ đạo không sử dụng đạn thật', Bloomberg dẫn lại bản tin của MRTV.

Đài truyền hình của Myanmar khẳng định các lực lượng an ninh vẫn được phép tự vệ khi bị đe dọa tính mạng, song chỉ được bắn người biểu tình "từ thắt lưng trở xuống".

Bloomberg nhận định mặc dù thể hiện sự nhượng bộ, quân đội Myanmar lại không nói rõ cảnh sát "được tự vệ" bằng đạn thật hay đạn cao su. Sự mơ hồ này đã khiến một số nhà quan sát lo lắng.

Ít nhất 18 người đã thiệt mạng, 30 người bị thương và hơn 1.300 người bị bắt trong các cuộc biểu tình trên khắp Myanmar vào ngày 28-2. Truyền thông quốc tế nhận định đây là ngày đẫm máu nhất kể từ khi các cuộc biểu tình chống quân đội bùng nổ sau đảo chính ngày 1-2.

Mỹ, Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng bày tỏ quan ngại trước tình hình Myanmar. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẽ có các hành động mới đối với những người đứng sau các vụ "đàn áp" người biểu tình.

Theo hãng tin Reuters, ngoại trưởng các nước ASEAN dự kiến sẽ có một cuộc họp không chính thức theo hình thức trực tuyến với chính quyền quân sự Myanmar trong ngày 2-3.

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan khẳng định ASEAN sẽ "thẳng thắn" nói với chính quyền quân sự rằng khu vực cảm thấy "kinh hoàng" trước tình trạng bạo lực ở Myanmar. Cũng theo ông Balakrishnan, các ngoại trưởng ASEAN sẽ truyền thông điệp hòa giải tới chính quyền quân sự, nhấn mạnh quân đội và chính quyền bị lật đổ của bà Aung San Suu Kyi cần ngồi lại để tìm ra giải pháp.

Ngày 1-2, cáo buộc có gian lận trong bầu cử, quân đội Myanmar đã bắt giữ Cố vấn nhà nước Augn San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint cùng nhiều lãnh đạo của Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD). Phó tổng thống Myint Swe do quân đội chỉ định sau đó trở thành quyền tổng thống và lập tức ban bố tình trạng khẩn cấp dài 1 năm.

Chính quyền quân sự Myanmar cam kết sẽ tổ chức một cuộc bầu cử công bằng. Tuy nhiên, người dân Myanmar phản đối điều này và tuyên bố kết quả cuộc tổng tuyển cử tháng 11-2020, với chiến thắng áp đảo của NLD, phải được giữ nguyên.

Cảnh sát Myanmar lại bắn đạn thật vào người biểu tình

Nguồn tin từ nhóm cứu thương tại chỗ chiều 2-3 xác nhận với hãng tin AFP rằng lực lượng an ninh Myanmar đã bắn đạn thật vào những người biểu tình phản đối đảo chính trong ngày 2-3 tại thị trấn Kalay phía tây bắc làm ba người bị thương nặng.

“Chúng tôi không có đủ bác sĩ ở đây”, một bác sĩ tại Kalay trao đổi qua điện thoại với AFP.

Một nhân viên cứu hộ khác xác nhận với AFP đã có những người bị thương vì đạn thật và đạn cao su của lực lượng an ninh. (ĐỖ DƯƠNG)

Mỹ lên án quân đội Myanmar Mỹ lên án quân đội Myanmar 'ghê tởm' và chuẩn bị ra tay

TTO - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã chỉ trích các hành động mạnh tay của chính quyền quân sự Myanmar với người biểu tình. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan kế đó cho biết Mỹ đang chuẩn bị hành động nhưng sẽ tham vấn đồng minh trước.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp