Dân quân tự vệ xã Phước Công cõng hàng vượt qua 10km đường sạt lở để tiếp tế xã Phước Lộc - Ảnh: TẤN LỰC
Tối 2-11, cơ quan chức năng huyện Phước Sơn xác nhận đã tìm thấy thi thể anh Hồ Văn Độ, phó bí thư Đoàn xã Phước Lộc, mất tích do sạt lở vùi lấp trong lúc làm nhiệm vụ chống bão số 9 tại khu vực hồ thủy điện Đăk Mi 4, cách xa hiện trường vụ sạt lở.
Sáng cùng ngày, thi thể thứ 8 cũng được tìm thấy trong vụ sạt lở vùi lấp 11 người dân tại thôn 3 xã này. Như vậy đến nay đã có 9 thi thể được tìm thấy trong 2 vụ sạt lở làm 13 người mất tích tại xã Phước Lộc.
Quyết tâm vào nơi cô lập
8h sáng, đoàn chiến sĩ trang bị đầy đủ balô, cuốc xẻng và gậy đi rừng xếp hàng băng qua tràn suối Phước Công tiến vào vùng cô lập. Con đường liên xã Phước Công sang Phước Lộc sạt lở vô cùng nặng nề với hàng trăm điểm sạt lở lớn nhỏ. Có nhiều điểm sạt lở cuốn trôi cả chân đường lộ ra khe suối sâu hoắm. Các chiến sĩ phải nhích từng bước một, chân đạp đất bùn, tay bám vào đá rướn người vượt qua từng điểm sạt lở. Đường càng vào sâu số lượng điểm sạt lở lớn càng nhiều.
Trung tá Nguyễn Trung Kiên - chỉ huy trưởng Huyện đội Phước Sơn, dẫn đầu đoàn của huyện - cho biết quyết tâm băng rừng vào hỗ trợ lực lượng tại chỗ tìm người mất tích. Dù thấm mệt sau chặng đường đồi núi, trung tá Kiên vẫn động viên đồng đội tạm nghỉ ngơi giữa đường, tranh thủ từng phút trời ngớt mưa để vào vùng cô lập nhanh nhất có thể và để đảm bảo an toàn cho đoàn.
"Chúng tôi phải hành quân đi bộ hơn 5 giờ mới vào tới Phước Lộc" - trung tá Kiên chia sẻ và cho biết hôm nay 3-11 mới tiếp cận được điểm người dân bị vùi lấp tại thôn 3.
Cõng từng lít dầu, bọc quần áo vào giúp dân
Sau hai ngày tranh thủ thời tiết, lượng hàng tiếp tế được chuyển vào 2 xã cô lập Phước Thành và Phước Lộc đã đạt được hàng chục tấn. Trong đó, máy bay của Sư đoàn không quân 372 thả được 8 tấn hàng. Các mũi đường bộ từ Phước Công và Phước Kim vượt núi chuyển vào được khoảng 18 tấn hàng bao gồm gạo, rau củ quả, xăng dầu, quần áo và các hàng hóa thiết yếu.
Dù thời tiết tương đối thuận lợi nhưng việc chuyển hàng bằng đường bộ vào Phước Lộc và Phước Thành vô cùng gian nan bởi đường đi qua vùng đồi núi đã sạt lở nghiêm trọng. Lực lượng chức năng và người dân tham gia cõng hàng phải bám từng mô đá, leo từng đỉnh đồi để gùi hàng tới vùng bị chia cắt.
Ông Hoàng Đình Ba, bí thư Đảng ủy xã Phước Kim, nói hai ngày qua chỉ riêng hướng đường bộ từ xã Phước Kim đã vận chuyển được 17 tấn hàng vượt núi tiếp tế cho xã Phước Thành. Trong đó có 7 tấn hàng tại chỗ của xã Phước Kim và các nhà hảo tâm khắp nơi đưa lên nhờ chuyển đến. Hôm qua 2-11, các lực lượng tiếp tục gùi 10 tấn gạo từ nguồn hỗ trợ đồng bào vùng lũ của Chính phủ chuyển lên. Nhờ có thêm 40 nhân lực từ xã Phước Hòa hỗ trợ nên việc chuyển hàng được tăng tốc. Đến tận tối 2-11 lực lượng chức năng vẫn còn bốc hàng cho người dân.
Tại hướng tiếp tế từ xã Phước Công vào Phước Lộc, đoạn đường 10km này quá khó khăn và hiểm trở để vận chuyển hàng hóa số lượng lớn. Do đó, dù hết sức cố gắng trèo đèo lội suối gùi hàng vào nhưng số lượng còn khiêm tốn. Tuy nhiên lực lượng chức năng vẫn không bỏ cuộc và cố gắng gùi vào những hàng hóa tiếp tế thiết yếu nhất.
Đến nay dân quân và cán bộ xã Phước Công đã đưa vào vùng chia cắt 450kg lương thực, thực phẩm, 600 lít dầu và 40 lít nhớt, 50kg quần áo. Trong hôm nay 3-11, lực lượng của xã Phước Công sẽ tiếp tục cõng vào 450kg gạo và 300 lít dầu để cung cấp cho máy móc cơ giới tham gia tìm kiếm người mất tích và san đường.
Sạt lở Trà Leng: đổi nơi tìm kiếm
Theo một lãnh đạo huyện Nam Trà My, do tìm kiếm tại hiện trường vẫn không có kết quả nên hôm qua việc tìm kiếm được thực hiện tại điểm giáp ranh giữa khe suối nóc Ông Đề (thôn 1) và dòng sông Leng, tìm kiếm bãi bồi con sông này. Tại bãi bồi này, một lượng lớn đất núi đổ xuống gặp nước khiến rất nhão, gây khó khăn cho việc tìm kiếm. Tuy nhiên cơ quan chức năng đã đưa máy đào và lực lượng xuống nhưng vẫn không tìm ra người.
Ở trên sông Leng, sông Tranh, hàng chục canô của bộ đội biên phòng, tàu thuyền của chính quyền huyện vẫn quần thảo. Trên mặt sông, rác, gỗ, củi khá dày đặc, các chiến sĩ phải dùng phương tiện tách mặt sông vì rất có thể có thi thể bên dưới. Tuy nhiên đến chiều 2-11, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy một thi thể nào.
Ông Hồ Quang Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết dù tìm kiếm vẫn chưa có kết quả nhưng lực lượng chức năng vẫn không nản, tiếp tục triển khai máy móc, người để đào xới, tìm kiếm khu vực xa hiện trường hơn bởi rất có thể những người mất tích còn lại bị trôi theo dòng nước lũ.
LÊ TRUNG
Khốn khổ vì nước lụt 27 ngày chưa rút
Sân Trường tiểu học số 1 Quảng Phước vẫn còn ngập lênh láng trong ngày đầu tiên học sinh quay lại trường sau 27 ngày nghỉ - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Đến hôm qua 2-11, ở thôn Thủ Lệ 2, 3, 4 (xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế), các khu dân cư ở đây đường giao thông đi lại còn ngập, các đường bêtông vào thôn nước mới rút dù thời tiết tạnh ráo, hửng nắng nhiều ngày qua. Tuyến đường nối khu dân cư vào trung tâm thị trấn Sịa nước vẫn còn ngập sâu, cơ quan chức năng đặt barie ngăn đường và cảnh báo nguy hiểm.
Bà Lê Thị Loan, một người dân ở xã Quảng Phước, cho biết: "Hôm nay nước đã ra khỏi sân nhưng đường vẫn ngập. Người dân đi lại, sinh hoạt rất khó khăn, bất tiện. Nước đọng lâu ngày nổi váng dầu, ô nhiễm, ngày có lội nước là tối rất ngứa".
Trong ngày 2-11, sau 27 ngày nghỉ học tránh lụt, học sinh các trường tiểu học, mầm non của 2 xã Quảng An, Quảng Phước đã quay lại trường học. Dù đi học trở lại nhưng tuyến đường vào trường, sân trường vẫn ngập lênh láng. Nhiều khu vực sân Trường tiểu học Quảng Phước 2 ngập sâu đến 0,4m. Thầy Nguyễn Khắc Quang, hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Quảng Phước, nói không chỉ sân trường, khu vực đồng ruộng quanh trường vẫn còn ngập nước nên nhà trường khuyến khích phụ huynh đưa đón con em đi về, giờ ra chơi giữa buổi cũng chỉ tổ chức vui chơi trong phòng chứ không để các em ra ngoài khu vực sân ngập nước.
Tại Trường tiểu học số 1 Quảng Phước, tình cảnh cũng không tốt hơn khi cô trò chấp nhận dạy học trong lúc trường vẫn ngập. Cô Đoàn Thị Ngọc Lan, hiệu trưởng, chia sẻ: "Huyện thông báo có đợt xả lũ tiếp nên trường rất lo lắng. Nước ở sân đã rút gần hết thì đến 9h sáng nước lại dâng lên. Các hoạt động ngoại khóa ở sân trường như chào cờ, dạy thể dục không thể diễn ra. Giáo viên phải liên hệ phụ huynh đến đón chứ không để học sinh tự đi về nhà một mình".
Ông Trần Quốc Thắng, chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, cho biết huyện và các nhà hảo tâm đã hỗ trợ kịp thời tập vở, dụng cụ dạy và học, bàn ghế để các trường ổn định. Các trường cũng đã lên kế hoạch tổ chức dạy bù để đảm bảo đúng chương trình.
"Dù thời tiết ở Huế mưa đã giảm, trời hửng nắng nhiều ngày nay nhưng nhiều đường hạ nguồn sông Bồ vẫn chưa rút do các hồ thủy điện tiếp tục điều tiết xả lũ. Huyện đã chỉ đạo các trường đảm bảo an toàn cho học sinh khi quay lại trường trong hoàn cảnh sân trường vẫn còn ngập nước" - ông Thắng nói.
PHƯỚC TUẦN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận