Tàu thuyền neo đậu tại cảng ở thủ đô Honiara, Quần đảo Solomon - Ảnh: ADOBE STOCK
"Chúng tôi đã yêu cầu các đối tác của mình cho Solomon thời gian để xem xét và đưa ra quy trình mới trước khi gửi thêm các yêu cầu cho phép các tàu hải quân của họ cập cảng ở đây", Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare cho biết.
"Những điều này sẽ áp dụng với tất cả tàu hải quân đến thăm", ông Sogavare nói tiếp.
Thủ tướng Quần đảo Solomon cho biết thêm rằng ông muốn xây dựng năng lực quốc gia để kiểm soát tốt hơn vùng đặc quyền kinh tế của quốc đảo Thái Bình Dương này, Hãng tin Reuters đưa tin.
Quần đảo Solomon đã có "những trải nghiệm đáng tiếc về việc các tàu hải quân nước ngoài đi vào vùng biển nước này trong suốt năm qua mà không được cấp phép ngoại giao", tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Sogavare nêu, song không thông tin cụ thể các tàu hải quân của nước nào.
Lệnh tạm ngưng tiếp nhận tàu hải quân nước ngoài sẽ được dỡ bỏ một khi Quần đảo Solomon áp dụng quy trình mới.
Việc đình chỉ cập cảng nói trên được đưa ra sau sự cố tuần trước khi tàu Oliver Henry của Lực lượng tuần duyên Mỹ và tàu HMS Spey của Hải quân Hoàng gia Anh không thể cập cảng Quần đảo Solomon vì chính phủ quốc đảo không phản hồi yêu cầu tiếp nhiên liệu của hai tàu này.
Ông Sogavare nói sự chậm trễ trong việc phản hồi yêu cầu từ tàu Oliver Henry là do thông tin không được gửi đến văn phòng ông đúng giờ. Ông cũng xác nhận hoãn phê duyệt yêu cầu của tàu Spey, và con tàu này cũng đã hủy ý định cập cảng Quần đảo Solomon.
Trước đó, Đại sứ quán Mỹ tại Úc cho biết chính quyền Quần đảo Solomon đã thông báo tạm thời không cho các tàu hải quân của Mỹ cập cảng, chờ cập nhật quy trình thủ tục.
Ngày 31-3, Quần đảo Solomon thông báo đã ký thỏa thuận an ninh với Trung Quốc, khiến Mỹ và các đồng minh lo ngại sẽ mở đường cho Trung Quốc có sự hiện diện quân sự đầu tiên ở khu vực nam Thái Bình Dương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận