27/09/2019 10:24 GMT+7

Quản con quá chặt, cha mẹ đúng hay sai?

PHÚC AN (Gia Lai)
PHÚC AN (Gia Lai)

TTO - Sợ con ra ngoài một mình đụng phải xe cộ, gặp phải người xấu, chúng ta thường quản con thật chặt; sợ con nhiễm bệnh, chúng ta lại ngăn con tiếp xúc với đất đai, cây cỏ hay động vật... Chúng ta làm đúng hay sai?

Quản con quá chặt, cha mẹ đúng hay sai? - Ảnh 1.

Học sinh TP.HCM trong một buổi học tại Thảo cầm viên - Ảnh: H.HG.

Có lần cháu gái nói với tôi khi tôi gọi bé vào học bài: 'Cho con chơi với bạn thêm chút nữa được không? Con học hoài rồi, con mệt lắm!'. Con bé nhìn tôi với ánh mắt nài nỉ và sau cái gật đầu của tôi là tiếng reo lên đầy sung sướng và thỏa mãn của con bé.

Tôi nhận ra quyền của con là được lớn lên một cách thoải mái, được có bạn chơi và được bố mẹ dạy bảo những kỹ năng cần thiết để có thể tự bảo vệ mình chứ không phải thay con bảo vệ con, thay con lo cho tương lai của con…

Phúc An

Con thèm được chơi

Tôi chợt nhận ra lâu nay cả tôi và bố mẹ của bé đã gò ép con vào khuôn khổ quá. Con bé phải đi học cả ngày ở trường, ngày nghỉ phải đi học thêm ở nhà cô giáo. Buổi tối, sau bữa cơm cũng là điệp khúc nhắc nhở học bài từ người lớn. 

Con bé thực sự thèm một bữa chơi thoải mái với bạn bè trong xóm chứ không phải là những buổi chơi vội vàng ở các công viên vui chơi rồi nhanh về để kịp giờ học thêm.

Người lớn đôi lúc thường sợ con trẻ vì ham chơi mà quên học, sợ con ở nhà một mình sẽ ham nghịch điện thoại mà không học bài. Biết con có thể đi học thêm không có hiệu quả nhưng vẫn cho đến nhà cô giáo vì ít nhất cũng có cô giáo trông giúp. 

Chúng ta sợ con ra ngoài một mình đụng phải xe cộ, gặp phải người xấu nên chúng ta thường bắt con phải ở cạnh mình hay cạnh những người lớn chúng tin tưởng.

Một lần đón con bé từ trường tôi đã cho cháu lên cơ quan cùng. Cũng có mấy chị bạn đón con về văn phòng vì chưa hết giờ làm. Các con chỉ chào các cô chú rồi tìm một góc ngồi. Đứa đọc truyện, đứa nghịch điện thoại, đứa bé hơn thì chơi đồ chơi mang từ lớp trẻ về... Cho đến khi tôi bảo các bé đến chơi với nhau. Và phải mất một lúc trong vai kết nối các bé mới làm quen và bày trò cho nhau.

Phải chăng chúng ta đã quản con quá chặt? Lúc nào cũng chỉ bắt con học và đặt con trước mắt mình để tiện theo dõi nên con trở nên rụt rè và khó bắt nhịp hòa đồng với người lạ. Chúng ta nghĩ rằng bên ngoài có quá nhiều những nguy hiểm rình rập nên chúng ta thường đặt con vào tầm mắt để dễ bảo vệ nhưng như thế lại khiến con trở nên thiếu tự tin hơn.

Dạy con kỹ năng bảo vệ mình

Tôi chợt nhận ra thay vì dùng mọi cách để bảo vệ con, ngăn con tiếp xúc nhiều vì sợ con nhiễm bệnh, sợ con bị người xấu lạm dụng... sao không dạy để con thoải mái lớn lên cùng bạn bè và dạy cho con kỹ năng để con tự bảo vệ mình?

Tôi đã nghĩ rằng đặt con vào tầm mắt mình sẽ dễ bề bảo vệ con hơn. Nhưng đôi lúc điều đó lại vô tình làm hại con vì như thế lâu dần con sẽ bị phụ thuộc vào bố mẹ mà quên đi khả năng hòa nhập, khả năng tự thích nghi với môi trường bên ngoài ngôi nhà của mình.

Tôi nhận ra đừng ngại bẩn, đừng ngại bệnh mà không cho con tiếp xúc với đất đai, cây cỏ hay động vật. Tôi có chị bạn, thuê hẳn hai người giúp việc để trông con, một người chuyên lo ăn uống, một người lo lau nhà thay đồ cho bé mỗi khi bị vấy bẩn, trông coi bé để bé không xuống sàn nhà, sợ bụi bẩn, sợ bé sẽ nhặt phải thứ gì đó ăn. 

Nói chung là con của chị là một đứa trẻ lúc nào cũng sạch sẽ, thơm nức từ áo quần đến tay chân. Vậy nhưng thằng bé hễ cứ ở nhà thì không sao nhưng đi ra ngoài lại ho, sổ mũi.

Tuy rằng sức khỏe của con trai tôi không được tốt như những đứa trẻ khác nhưng tôi nhận thấy rằng nếu cứ ngại bẩn, ngại cho con tiếp xúc... thì chẳng bao giờ con lớn lên được. Tôi luôn muốn điều tốt cho con nhưng đôi lúc phải là trẻ con thì chúng mới hiểu nhau và chúng biết bạn mình cần gì…

Đừng gò ép con quá

Hôm qua, ở một phòng khám tư nhân tôi đã nhìn thấy một cặp vợ chồng cãi nhau vì dù đã dỗ dành mọi cách nhưng đứa con gái vẫn không chịu uống sữa để uống thuốc. Anh chồng bực tức bỏ ra ngoài. Một lúc sau hình như cũng không chịu được ấm ức nên chị đã nói chuyện với tôi. Con gái chị mắc chứng tự kỷ, bé chỉ làm những gì bé thích, không hòa nhập với bạn bè, không nghe lời bố mẹ nói, thường hay vứt đồ chơi lung tung. Đôi lúc vì không kiềm chế được chị đã đánh con, khi nguôi giận hối hận thì đã lỡ rồi.

Tôi đã nói với chị hãy cứ để con được lớn lên thoải mái, đừng gò ép con bé quá. Không phải cứ có bệnh là mình phải tìm mọi cách đưa con vào guồng. Con vẫn có quyền được lớn lên như những đứa trẻ bình thường theo quy luật tự nhiên, từ ăn, ngồi, đi, nói… chỉ là con chậm hơn một chút.

Rèn con yêu đọc sách, ba mẹ đang rèn cho con ý chí tự chủ Rèn con yêu đọc sách, ba mẹ đang rèn cho con ý chí tự chủ

TTO - Trong xã hội quá áp lực hiện nay, không phải cha mẹ nào cũng biết đọc sách có thể giúp trẻ em xây dựng khả năng tự chủ, không quá cảm thấy bị chao đảo trước sức hút của vật chất, có nhiều sức mạnh để vượt qua những cám dỗ.

PHÚC AN (Gia Lai)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp