13/12/2019 16:42 GMT+7

Quan chức nhận thù lao của Nhà xuất bản Giáo Dục: Lo ngại giá sách sẽ cao!

VŨ HOÀNG XUÂN
VŨ HOÀNG XUÂN

TTO - Phụ huynh lo ngại giá sách giáo khoa lớp 1 mới sẽ cao trong khi người tham gia viết sách "không hi vọng giá sách mới thấp hơn giá sách hiện hành".

Quan chức nhận thù lao của Nhà xuất bản Giáo Dục: Lo ngại giá sách sẽ cao! - Ảnh 1.

Ông Lê Hồng Sơn - giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - trong buổi giới thiệu sách giáo khoa lớp 1 mới của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam tại TP.HCM ngày 24-10. Ông Sơn nhận thù lao từ Nhà xuất bản Giáo Dục 6 triệu đồng/tháng - Ảnh: MINH KHUÊ

Tôi vẫn mong cuộc đua bán sách giáo khoa là cuộc đua lành mạnh giữa các nhà xuất bản, đừng để "lợi ích nhóm" xen vào, đừng để tình trạng nhà xuất bản nào biết đi cửa sau thì sẽ chiến thắng.

Một tác giả có tham gia viết SGK mới ở TP.HCM

Trước đó, như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam chi thù lao hằng tháng cho lãnh đạo, cán bộ và chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM. Và thù lao này được tính vào giá thành làm sách. 

Phụ huynh "thực sự lo lắng" 

"Tôi thực sự lo lắng khi biết Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam chi thù lao hằng tháng cho lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên của Sở GD-ĐT TP.HCM từ năm 2015 đến nay. Đó là chưa kể kinh phí mà Nhà xuất bản Giáo Dục phải trả cho người trực tiếp viết sách và những khoản khác... Chính vì thế, tôi e ngại giá sách giáo khoa mới sẽ "đội" lên cao" - chị Minh, một phụ huynh có con sẽ vào học lớp 1 năm học 2020-2021 ở TP.HCM, băn khoăn. 

Chị Minh nói thêm: "Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nhận thù lao từ Nhà xuất bản Giáo Dục, rồi đây quá trình chọn lựa sách liệu có công tâm và khách quan không? Nhất là trong bối cảnh các phòng GD-ĐT sợ Sở GD-ĐT, nhà trường sợ phòng GD-ĐT, còn giáo viên thì sợ hiệu trưởng…".

Phụ huynh này nói thêm: "Rất có thể tôi sẽ có tên trong hội đồng chọn lựa sách giáo khoa mới của trường. Tôi không làm việc trong ngành GD-ĐT, làm sao tôi thẩm định được bộ sách nào tốt nhất? Thế nên, phụ huynh trường chúng tôi đã bàn với nhau rồi. Đó là trước khi bỏ phiếu kín chọn bộ sách nào thì chúng tôi phải hỏi ý kiến của giáo viên. 

Xem các thầy cô nhận xét ra sao rồi mình làm theo ý kiến của các thầy cô. Mà giáo viên đương nhiên phải làm theo chủ trương của ban giám hiệu nhà trường, các hiệu trưởng, hiệu phó thì đương nhiên phải làm theo chủ trương của phòng, Sở GD-ĐT. Tôi nghĩ chỉ những phụ huynh có làm việc trong ngành giáo dục mà nhất là bậc tiểu học thì mới phát huy được khả năng cũng như thể hiện được trách nhiệm của mình trong việc này".

Còn chị Ngọc Hà, phụ huynh ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) nêu ý kiến: "Trước khi để các trường chọn sách giáo khoa, tôi đề nghị các đơn vị liên quan cần công bố giá sách giáo khoa của từng cuốn một. Giá sách giáo khoa cũng là một yếu tố rất quan trọng, nó còn quan trọng hơn đối với những trường nằm trong khu vực có nhiều dân cư nghèo. 

Hiện tại, sách giáo khoa dành cho học sinh tiểu học (đang sử dụng trong năm học 2019-2020) đã được in bằng giấy trắng với tranh, ảnh in màu khá đẹp mà giá mỗi cuốn sách chỉ có 11.000 - 12.000 đồng/cuốn. Phụ huynh chúng tôi thắc mắc sách giáo khoa mới có giữ được bảng giá đó không?".

Quan chức nhận thù lao của Nhà xuất bản Giáo Dục: Lo ngại giá sách sẽ cao! - Ảnh 3.

Giáo viên tham khảo sách giáo khoa lớp 1 mới trong một buổi giới thiệu tại TP.HCM - Ảnh: MINH KHUÊ

"Chắc chắn giá sẽ cao" 

"Giá sách giáo khoa mới chắc chắn sẽ cao hơn giá sách giáo khoa hiện tại đang được dùng trong trường tiểu học. Bởi trước đây cả nước chỉ dùng chung một bộ sách nên nhà xuất bản không tốn các khoản chi phí cho những công đoạn như quảng cáo, marketing… Việc in sách theo số lượng lớn cũng giảm được giá thành rất nhiều. 

Còn bây giờ, cả nước có đến 5 bộ sách giáo khoaMuốn bán được sản phẩm, các nhà xuất bản phải cạnh tranh với nhau về nội dung. Sau đó đương nhiên phải bỏ kinh phí ra để tiếp thị, quảng cáo… Đấy là chưa kể đến những khoản "lót tay" cho những người có quyền, có chức… để bộ sách của mình đến được với học sinh" - một giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM (đề nghị không nêu tên) phân tích.

Trong khi đó, một tác giả có tham gia viết sách giáo khoa mới "bật mí": "Vì cạnh tranh nhau nên khoản thù lao mà các nhà xuất bản chi cho tác giả viết sách giáo khoa lần này cũng cao hơn nhiều so với thời kỳ làm bộ sách giáo khoa năm 2000 nếu chiếu theo thời giá. 

Ngoài ra, ai làm việc trong ngành xuất bản cũng biết chi phí dành cho phần phát hành sách rất cao. Do đó, tất cả chi phí phải chi từ khi lên ý tưởng đến khi soạn thảo, in ấn, phát hành sách giáo khoa họ đều tính vào giá thành cuốn sách trên cơ sở bảo đảm có lợi nhuận. Như thế, chúng ta không thể hi vọng giá thành sách giáo khoa mới thấp như sách giáo khoa hiện hành được".

Quan chức nhận thù lao của Nhà xuất bản Giáo Dục: Lo ngại giá sách sẽ cao! - Ảnh 4.

Bộ sách Chân trời sáng tạo do Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM biên soạn - Ảnh: MINH KHUÊ

"Cuộc đua" giữa các nhà xuất bản

Một giáo viên tham gia viết sách giáo khoa mới phân tích: Sau khi Bộ GD-ĐT công bố thông tư hướng dẫn về chọn lựa sách giáo khoa, chắc chắn các nhà xuất bản sẽ tiếp tục "cuộc đua" giới thiệu sách với độc giả (cán bộ quản lý GD, giáo viên, phụ huynh).

Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng vì các hiệu trưởng, giáo viên chỉ có 3 tháng để chọn sách - thời gian quá ngắn cho việc đọc, so sánh 32 cuốn sách để chọn ra những cuốn sách phù hợp nhất với trường mình. Và những nhà xuất bản nào có tiềm lực kinh tế, thực hiện những cuộc giới thiệu tận nơi, giải đáp thắc mắc… của giáo viên, chắc chắn sẽ có lợi thế hơn.

VŨ HOÀNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp