15/07/2024 13:05 GMT+7

Quán chè cô Hà gần 50 năm ở Bình Dương: Chỉ mua đường cát Mỹ Tho, đậu Đà Lạt, nếp Thái...

Nằm ngay trung tâm thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương), quán chè cô Hà tồn tại gần 50 năm, khách tới quán phải xếp hàng dài chờ mua.

Tiệm chè cô Hà chuyên bán những món chè truyền thống - Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG

Tiệm chè cô Hà chuyên bán những món chè truyền thống - Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG

Mỗi đầu giờ chiều, một góc nhỏ chuyên bán các loại chè truyền thống của cô Nguyễn Thị Thu Hà lại bắt nhịp với sự ồn ã, sôi động nơi đây bằng những tiếng hối thúc của người mua, tiếng thúc giục nhau của người bán.

Những thực khách đến ăn nhiều lần, truyền miệng nhau và gọi đây là quán chè cô Hà.

Gánh chè của những ngày lam lũ

Ba mẹ cô Hà chia tay khi cô còn rất nhỏ. Hiểu gia cảnh nghèo khó, thương mẹ một mình nuôi 5 đứa con, lại là chị lớn trong nhà nên mới 11 tuổi cô Hà đã bươn ra chợ đời để phụ mẹ nuôi em.

Ban đầu cô thường rong ruổi quanh các bến xe để bán bánh mì, thuốc lá, trà đá… Ngoài bán hàng rong, cô còn biết nấu sữa, làm đồ ăn chay.

Cô Hà khoái ăn chè nên cứ được ăn bịch chè nào ngon là cô học lỏm, bắt chước để nấu theo. Khi nấu giống với món đã ăn, cô Hà tự điều chỉnh để chè ra đúng vị mình thích.

“Đúng là số phận, tại như vậy mà bây giờ tôi chỉ biết cầm củi nấu chè, đâu có biết chữ. Lúc đó tôi có được đi học đâu mà biết” - cô Hà bật cười chia sẻ.

Khách xếp hàng dài chờ mua chè - Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG

Khách xếp hàng dài chờ mua chè - Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG

Cô Hà cảm thấy mình may mắn trong những ngày đầu làm nghề. Cô kể: “Lúc bán trong chợ Đình, tôi ngồi bệt dưới đất và để gánh chè trước mặt, khách hàng lúc đó chỉ ngồi trên mấy cái ghế nhỏ. Ai ăn xong thì quăng mấy đồng xu vào rổ cho tôi. Vậy mà đông nghẹt”.

Không chỉ ngồi trong chợ, mặc kệ cái nắng giữa ngày gay gắt, cô Hà còn bươn bả gánh chè đi đến từng nhà để bán, chăm chỉ lượm từng bạc cắc.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, cô Hà rưng rưng: “Hồi đó, tôi như cây khô đứng giữa đồng, tự thất bại phải tự đứng lên. Nhưng tôi vui vì các em đều được đi học. Bây giờ, đứa nào cũng thành đạt, có gia đình, nhà cửa ổn định. Nếu được chọn lại, tôi vẫn muốn theo con đường này”.

Nấu chè là bỏ cả cái tâm vào đó

Mỗi ngày, cô Hà thức từ 4h sáng để chuẩn bị nấu chè. Sau khi nhóm lửa, cô tỉ mẩn rửa và luộc đậu bằng nước muối, thắng (nấu) nước đường với lá dứa, hấp xôi… sau đó mới bắt đầu nấu chè. Tất cả cô đều nấu bằng bếp củi.

Quán chè cô Hà gần 50 năm ở Bình Dương: Chỉ mua đường cát Mỹ Tho, đậu Đà Lạt, nếp Thái...- Ảnh 3.
Quán chè cô Hà gần 50 năm ở Bình Dương: Chỉ mua đường cát Mỹ Tho, đậu Đà Lạt, nếp Thái...- Ảnh 4.
Quán chè cô Hà gần 50 năm ở Bình Dương: Chỉ mua đường cát Mỹ Tho, đậu Đà Lạt, nếp Thái...- Ảnh 5.

Các nguyên liệu đều được cô Hà tự tay lựa chọn mỗi ngày - Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG

Cô Hà cho biết khi nấu bằng bếp gas, đậu dễ bị “cháy hỗn” và không mềm. Vì thế, cô dùng bếp củi để đậu mềm dẻo, thơm và đậm đà hơn.

“Loại chè nào tôi cũng tập trung hết sức để làm, nên làm món nào cũng cực, không cái nào sướng hơn cái nào” - cô Hà nói.

Cô cho biết từ xưa đến giờ, cô chỉ nấu chè một mình, không cho ai phụ. Lý do vì: “Tính tôi kỹ lắm, người khác nấu tôi không vừa ý. Có một người đã phụ tôi bán 10 năm, nhưng tôi vẫn không cho nấu”.

Những người phụ bán hiện tại chủ yếu là bưng bê, quét dọn, vô bịch chè cho khách…

Nước dừa cũng do cô Hà tự làm tại nhà, nấu chín trước khi bán - Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG

Nước dừa cũng do cô Hà tự làm tại nhà, nấu chín trước khi bán - Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG

Nguyên liệu nấu chè cũng được cô lựa chọn kỹ lưỡng. Đường phải là đường cát Mỹ Tho, đậu là đậu Đà Lạt, một số loại đậu khác ở Long Xuyên. Nếp thì chỉ mua nếp Thái, còn đậu phộng rang phải là đậu phộng quế. Những chỗ này cô đã lấy mối mấy chục năm qua.

Hiện tại quán cô Hà bán hơn 10 loại chè gồm: chè đậu xanh, chè thập cẩm, chè bà ba… Bên cạnh đó, một số món thay đổi theo ngày như chè khoai môn, chè bắp, chè trôi nước

Các món ở đây chỉ từ 20.000 đồng một ly. Loại chè mắc nhất là 25.000 đồng.

Món chè bà ba được yêu thích nhất tại quán - Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG

Món chè bà ba được yêu thích nhất tại quán - Ảnh: ĐĂNG KHƯƠNG

Cô Hà cho biết bản thân từng chỉ có hai bàn tay trắng. Giờ đây khi đã qua được giai đoạn nghèo khó, cô luôn quý trọng đồ ăn, thức uống. Cô tâm sự:

“Khi đi ăn ở ngoài, tôi thấy không ngon thì tôi cũng trân trọng, tại đó là công sức của người làm. Còn khách ở quán ăn không hết, tôi sẽ múc thêm chè để vô bịch cho họ mang về”.

Khi nhắc về việc gần 50 năm, khách ruột của tiệm vẫn xếp hàng để mua chè, cô bộc bạch: “Nấu một nồi chè là bỏ cả cái tâm mình vào trong đó. Nhiều lúc tôi nhịn đói để nấu cho xong một nồi chè”.

"Thơm thảo xôi chè" gợi miền ký ức'Thơm thảo xôi chè' gợi miền ký ức

Người Việt Nam có lẽ không ai chưa từng ăn xôi chè. Những ký ức đó được nghệ nhân bánh dân gian Hiền Minh gói gọn trong quyển sách 'Thơm thảo xôi chè'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp