Một mẫu thời trang của Carlings - Ảnh: carlings.com
Hãng thời trang Bắc Âu Carlings đã bán sạch bộ sưu tập quần áo kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới của họ chỉ trong một tuần lễ. Giao dịch được thực hiện như sau: các thợ may trên mạng sẽ chỉnh sửa hình ảnh của khách hàng cho họ thấy mình mặc các mẫu quần áo hợp mốt và hợp với hình thể nhất, với giá 10-30 euro một bộ, chỉ có hình ảnh, không có sản phẩm thật.
19 mẫu quần áo phi giới tính, không kích cỡ của Carlings đã được quảng bá rộng rãi trước đó qua các kênh hoàn toàn phi truyền thống: Facebook và Instagram.
Ý tưởng này thực ra chẳng mới lạ: dân chơi game đã bỏ tiền cho quần áo kỹ thuật số nhiều năm rồi. Trò Covet Fashion của Hãng Glu Mobile (Mỹ) chẳng hạn, chỉ chuyên để người chơi thay đổi quần áo và phụ kiện kỹ thuật số, thu về 53,4 triệu USD doanh thu trong năm 2018 (bao gồm tiền bán quảng cáo).
Trò Kim Kardashian: Hollywood của công ty trụ sở tại San Francisco này, với ý tưởng tương tự, nhưng có mua bản quyền thiết kế từ Roberto Cavalli, Balmain và Karl Lagerfeld, kiếm được 240 triệu USD doanh số từ khi ra mắt năm 2014.
Vào lúc mà cuộc sống của nhân loại ngày càng chuyển nhiều lên các nền tảng số, thời trang ngoài đời thực nhiều khi còn không quan trọng bằng thời trang hàng hiệu, với giá rẻ hơn nhiều, để khoe trên mạng xã hội! Kerry Murphy - người sáng lập hãng thiết kế thời trang số Hà Lan The Fabricant - tiên đoán trên Vogue rằng người tiêu dùng sẽ sớm chi cho thời trang ảo nhiều không kém quần áo thật.
"Chúng tôi đã thương lượng với một số thương hiệu thời trang lớn đang tính tới việc mở các cửa hàng chỉ cung cấp thời trang số và tư duy theo hướng đó" - Murphy chia sẻ. Tháng 5 vừa rồi ở New York, bộ quần áo số cao cấp đầu tiên được bán đấu giá - do The Fabricant thiết kế - đã thu về 9.500 USD.
Nhu cầu với Carlings lớn tới mức họ phải sử dụng bốn "thợ may kỹ thuật số" cho các bộ sưu tập thời trang đầu tiên và ngừng nhận đơn hàng sớm vì năng lực sản xuất mới chỉ ở dạng thử nghiệm. Tuy nhiên, hãng tuyên bố một đợt bán hàng nữa sẽ sớm mở. Những ngụ ý với ngành thời trang là rất lớn lao.
"Trong đời thực, mỗi mẫu thiết kế này có giá hàng nghìn đôla và khá chắc chắn sẽ được mặc chỉ để chụp ảnh đăng trên mạng xã hội vì thiết kế đặc biệt của nó" - Kicki Perrson, giám đốc thương hiệu của Carlings Thụy Điển, nói với Elle.
"Với việc bán các mẫu kỹ thuật số giá chỉ 30 euro, có thể nói chúng tôi đã dân chủ hóa nền kinh tế của công nghiệp thời trang, đồng thời mở ra thế giới cho việc tự tạo kiểu, mà không cần làm ra quần áo thật, điều có thể có hại cho môi trường".
Nỗ lực của Carlings sẽ cần sự hỗ trợ từ những người như Daria Simonova. Cô người mẫu ảnh Instagram người Nga với gần 60.000 tài khoản theo dõi đã làm mẫu cho một thiết kế áo khoác của Carlings và nói cô chắc chắn sẽ mua thêm thời trang số trong tương lai.
"Tôi thật sự yêu ý tưởng này vì trước hết, nó thân thiện với môi trường và thứ hai, quần áo ngày nay một phần quan trọng là để xuất hiện trên mạng xã hội" - Simonova nói. "Quần áo kỹ thuật số siêu tiện lợi, và triển vọng thiết kế của nó là không giới hạn vì nó rẻ hơn nhiều".
Quả thật, thói quen tiêu thụ quần áo kiểu truyền thống đang gây ra rất nhiều tác hại. Theo The Guardian, ngành thời trang tạo ra lượng khí thải mỗi năm còn lớn hơn việc đi lại bằng đường hàng không và đường biển cộng lại. Tại sao ta phải tàn phá môi trường và mua những thứ đắt đỏ chỉ để khoe một đôi lần trên mạng xã hội nếu ta có thể làm đúng điều đó với giá rẻ hơn rất nhiều và không gây chút tác hại nào cho môi trường?
"Khi công nghệ tiến bộ hơn và việc chụp ảnh ngày càng dễ dàng, gần với thực tế, ta bắt đầu thấy viễn cảnh quần áo số sẽ không khác gì so với quần áo thật" - Matthew Drinkwater, giám đốc Trung tâm sáng tạo thời trang ở Trường Thời trang London (Anh), nói. "Người ta thậm chí sẵn sàng chi trả nhiều hơn, hoặc ít ra là nhiều tương đương, cho quần áo kỹ thuật số, so với quần áo thật".
Với các nhà thiết kế và thương hiệu thời trang, điều đó đồng nghĩa với triển vọng lợi nhuận cao hơn, khi họ có thể thúc đẩy mọi giới hạn sáng tạo mà không sợ vượt ngân sách với các mẫu quần áo vốn sẽ không được may.
Tất nhiên, giới thiết kế và thời trang cũng hiểu rằng trải nghiệm được chạm ngón tay vào làn vải satin hay mảnh len lụa cashmere là điều thời trang số không thể mang lại, nhưng Drinkwater cho rằng chúng ta sẽ sớm bắt đầu một "mối quan hệ hoàn toàn khác" với quần áo.
"Những cửa hàng đại trà khiến quần áo trở nên rất nhàm chán. Tôi cho rằng sự độc đáo, không đụng hàng là một thế mạnh chỉ thời trang số mới có".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận