12/08/2018 12:58 GMT+7

Quán ăn 1 ngàn bao no kèm trà đá đường trên đất cù lao

TRƯƠNG THANH LIÊM
TRƯƠNG THANH LIÊM

TTO - Ở ấp Phong Thạnh, xã cù lao Phong Nẫm, huyện Kế Sách, Sóc Trăng có một quán ăn đặc biệt. Chủ quán chỉ nhận 1.000 đồng một suất ăn no kèm trà đá đường. Một lần ghé quán, mát lòng vì câu chuyện nghĩa tình lan tỏa...

Quán ăn 1 ngàn bao no kèm trà đá đường trên đất cù lao - Ảnh 1.

Cô Lil chăm sóc bữa ăn của học trò - Ảnh: T.LIÊM

Qua đò Phong Nẫm, đi xíu nữa sẽ tới quán ăn rất đặc biệt này.

Cô Hai của trò nghèo

Chủ quán là cô Huỳnh Thị Lil (58 tuổi), phụ quán là con trai và con dâu của cô Lil. Những ngày cuối tháng và ngày rằm đông khách hơn sẽ có vài người khác đến phụ một tay, tất cả đều từ lòng thiện nguyện. Quán phục vụ sáng và trưa, các món chay cơm, cháo, hủ tiếu, phở... 

Quán chỉ nhận 1.000 đồng mỗi suất, khách tự nguyện gửi lại quán sau bữa ăn. Số tiền này quán sẽ dùng để mua thức ăn phục vụ những ngày tiếp theo. Hơn năm năm qua, mỗi ngày ít nhất 80 suất ăn. Thực khách là học sinh nghèo, người nghèo ở xã cù lao này.

Chúng tôi gặp cô Nguyễn Thị Xuân, 70 tuổi, người bán bánh trên bến đò, cùng ăn cơm tại đây. Cô Xuân kể: "Cũng có người gửi lại hơn 1.000 đồng. Như tôi ăn thường xuyên ở đây, muốn gửi hơn 1.000 chủ quán cũng không vui đâu. 

Thành ra nhiều bữa tôi không ăn ở quán mà nhờ quán mang đến nhà để trả thêm 6.000-8.000 đồng/suất gọi là tiền xăng. Có người ở gần quán cũng mua theo cách này, coi như một cách đóng góp thêm".

Tôi gặp ba em học trò đến ăn cơm tại quán. Đây là ba khách quen của quán. Nhà cách quán 3-4km, ngày hè các em vẫn đạp xe đến ăn sáng và ăn trưa. Câu chuyện của những đứa trẻ con nhà nghèo: cha mẹ cho tụi con 5.000 đồng/ngày, ăn ở đâu rẻ lắm cũng 8.000 đồng/phần. Nhưng không chỉ vì giá rẻ. 

Em Nguyễn Hải Đăng, 12 tuổi, học sinh lớp 6 Trường THCS Phong Nẫm, cho biết: "Mỗi ngày con và hàng chục bạn cùng trường đạp xe đến đây, ăn ngon lại có nước trà đá đường uống miễn phí. Những lúc rảnh rỗi, cô Hai (cô Lil - NV) còn ngồi nói chuyện tâm tình với tụi con, cô dặn cố gắng học hành, lễ phép với thầy cô, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ...".

Một lần ghé quán 1.000 đồng, mát lòng nghe những câu chuyện nghĩa tình lan tỏa ở xã cù lao bên dòng sông Hậu. Cuộc sống còn nhiều bon chen, thói ích kỷ lan tràn khắp nơi. Ở nơi xa xôi khuất nẻo có người làm như cô Lil, và càng quý hơn khi nhiều người cùng chung tay chia sẻ với cô. Thật quá cảm động!

Nghĩa tình lan tỏa

Xã cù lao, giữa mênh mông sông nước, nhiều hộ khấm khá nhưng cũng có gần 10% hộ nghèo. Người không có vườn cũng nhiều, làm thuê trên cù lao cũng không có nhiều người thuê mướn. Ở giữa sông, muốn đi làm xa phải qua đò giang cách trở. Người nghèo vẫn nghèo.

Sau cơn bạo bệnh, may mắn sức khỏe ổn định, cô Lil nghĩ nên làm việc gì chia sẻ với người, với đời. Và cô đã chọn cách chia sẻ, phục vụ bữa ăn cho người có hoàn cảnh khó khăn. Cô cho biết: "Người dân ở đây còn rất khó khăn, học trò nhiều đứa còn khổ, quán ra đời để giảm bớt phần nào vất vả cho cộng đồng". 

Cô cất quán ăn ở mặt tiền đất nhà. Rồi lại nghĩ chuyện bà con ốm đau thiếu tiền thuốc thang, cô hiến căn nhà đang ở cho hội từ thiện xã làm phòng khám bệnh Đông y miễn phí cho người dân trong và ngoài xã, có sự góp sức của những y bác sĩ ở huyện, tỉnh, có xin giấy phép ngành y tế hẳn hoi. 

Mỗi ngày có 5-10 người đến nhận thuốc (bệnh thông thường). Cuối tuần, khi có lương y đến khám, có thể có 30 người đến khám bệnh. Có những người ở xa nghe tiếng cũng đến đây khám.

Có người đỡ bệnh, họ gửi lại tiền phụ quán ăn. Cô Lil thật tình bày tỏ: Tính ra mỗi tháng quán bù thêm 4-5 triệu đồng tiền chợ. Khoản này phần nhỏ từ khách khám bệnh hỗ trợ nhưng phần chính từ đóng góp của những gia đình khá giả ở địa phương. 

Vậy cũng đủ xoay trở tiền chợ để duy trì quán. "Nếu có đông khách hơn, cần cơi nới quán mới tìm thêm tài trợ. Còn giờ nhận 1.000 đồng/phần ăn là đã đủ. Thấy bà con vui là mình hạnh phúc lắm rồi".

Đi phụ quán cơm từ thiện để kiếm tiền đóng học phí

TTO - Tranh thủ những ngày hè, hai bạn gái cùng lên lớp 9 đang phụ việc cho một quán cơm từ thiện ở Q. Tân Bình (TP.HCM) để có thêm chút tiền lo chi phí cho đầu năm học mới.

TRƯƠNG THANH LIÊM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp