Cuộc chiến pháp lý giữa Qualcomm và Apple vẫn chưa dứt - Ảnh: TECHCRUNCH
Theo hãng tin Bloomberg, trong đơn khiếu kiện Apple tại Trung Quốc, hãng Qualcomm mong muốn nhà chức trách Trung Quốc sẽ ra lệnh cấm bán và cấm sản xuất điện thoại iPhone tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Đây rõ ràng là một động thái tấn công Apple mới nhất của Qualcomm trong một loạt những tranh chấp pháp lý thời gian qua liên quan tới các bản quyền sáng chế công nghệ giữa hai bên.
Động thái tấn công Apple của Qualcomm lần này được cho là rất đáng chú ý. Bởi lẽ Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ smartphone lớn nhất thế giới, và cũng là nơi sản xuất hầu hết các điện thoại iPhone của Apple.
Theo bà Christine Trimble, phát ngôn viên của đại gia sản xuất chip Qualcomm, công ty này đã khiếu kiện Apple vì vi phạm bản quyền công nghệ của họ.
Bà Christine Trimble nói: "Công ty Apple đã sử dụng những công nghệ do Qualcomm sáng chế mà không hề trả tiền cho những công nghệ này". Cổ phiếu của Apple có dao động đôi chút trong phiên giao dịch ngày 13-10, Tuy nhiên sau đó đã hồi phục trở lại.
Theo Qualcomm, đơn kiện của họ khiếu nại về ba bản quyền công nghệ cơ bản. Đây là những công nghệ có liên quan tới ứng dụng quản lý năng lượng và công nghệ màn hình cảm ứng có tên Force Touch mà Apple đã sử dụng trong các mẫu điện thoại iPhone hiện nay.
Các phát minh đó "chỉ là một vài ví dụ trong số rất nhiều công nghệ của Qualcomm mà Apple đã sử dụng để nâng cấp các thiết bị của họ và tăng lợi nhuận", bà Trimble nói.
Tuy nhiên Apple cho rằng những cáo buộc của nhà sản xuất chip Qualcomm là không chính xác. "Trong nhiều năm diễn ra những cuộc thương thảo của chúng tôi với Qualcomm, những bản quyền sáng chế này chưa bao giờ được bàn tới", người phát ngôn của công ty Apple Josh Rosentock nói. "Chúng tôi tin là vụ kiện này sẽ thất bại như những cuộc khác", người này khẳng định.
Theo Bloomberg, Qualcomm đã nộp đơn kiện Apple tại Tòa án Bắc Kinh ngày 29-9 nhưng tòa vẫn chưa công khai về vụ kiện này.
"Đây là một bước khác để buộc Apple quay trở lại bàn đàm phán", ông Mike Walkley, chuyên gia phân tích tại công ty Canaccord Genuity nhận định. "Nó cho thấy họ đang chia rẽ tới mức nào".
Cũng theo ông Mike Walkley, có rất ít hoặc có thể nói là chưa từng có tiền lệ với việc một tòa án của Trung Quốc tiếp nhận thụ lý 1 vụ khiếu kiện theo yêu cầu của một doanh nghiệp Mỹ như thế này.
Nhà chức trách Trung Quốc có thể lo ngại việc dừng sản xuất điện thoại iPhone tại Trung Quốc sẽ gây ra tình trạng sa thải hàng loạt lao động tại các đối tác cung cấp cho Apple như công ty Hon Hai Precision Industry và nhiều doanh nghiệp Trung Quốc khác.
Tuy nhiên ở một mặt khác của vấn đề, nếu tòa án Trung Quốc ủng hộ công ty Qualcomm, quyết định đó sẽ giúp các hãng sản xuất điện thoại của Trung Quốc như Oppo có thể giành thêm được thị phần trước đối thủ sừng sỏ Apple, chuyên gia Walkley nhận định.
Trong khi đó, các nhà đầu tư tỏ ra hề không lo ngại về khả năng đứt gãy chuỗi cung cấp điện thoại iPhone vì họ tin rằng Apple sẽ ngay lập tức có những động thái thỏa hiệp nếu họ nhận thấy bất cứ nguy cơ nào với quá trình sản xuất của công ty.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận