Vấn đề Ukraine đã phủ bóng sự kiện họp các nền kinh tế G20 tại New Delhi của Ấn Độ. Tại cuộc họp bên lề G20, bốn nước Mỹ, Nhật, Ấn, và Úc đã ra tuyên bố chung.
Phản đối đe dọa hạt nhân ở Ukraine
Trong tuyên bố chung, nhóm bốn nước Mỹ, Nhật, Ấn, và Úc cũng nhấn mạnh rằng việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine là "không thể chấp nhận".
Báo chí phương Tây liên hệ yếu tố vũ khí hạt nhân với diễn biến căng thẳng giữa Nga và Mỹ gần đây.
Cuối tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố dừng tham gia hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân với Mỹ.
Hiệp nước có tên New START này đặt ra mức giới hạn triển khai vũ khí hạt nhân của hai nước. Quyết định của Nga được phương Tây hiểu là động thái cho thấy Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân.
Mỹ đã mong muốn dùng cuộc họp của QUAD để gây sức ép lên Nga trong "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Nga "không thể được phép khai chiến mà không bị trừng phạt".
Khó tìm tiếng nói chung về tình hình Ukraine - Nga
Trong bản tin ban đầu, Reuters cho biết Ngoại trưởng Mỹ Blinken và những người đồng cấp khẳng định Nga "không thể được phép khai chiến mà không bị trừng phạt". Nhưng trong bản sửa sau đó, Reuters cho biết phát biểu trên là của riêng ông Blinken.
Chi tiết này phản ánh thực tế nhóm QUAD khó tìm thấy tiếng nói chung về quan điểm trước chiến dịch của Nga ở Ukraine. Cụ thể, giới quan sát cho rằng Ấn Độ giữ lập trường khác so với ba nước còn lại. Ngôn ngữ trong thông cáo chung của các cuộc họp G20 cũng được điều chỉnh kỹ lưỡng với ít câu, từ chỉ trích Nga.
Trong bản tuyên bố chung của QUAD đăng trên website của ngoại trưởng Úc, các nước không trực tiếp nhắc tới một chữ "Nga" nào.
Điểm thứ 14 trong thông cáo này đề cập tới Ukraine như sau:
"Chúng tôi tiếp tục thảo luận về phản ứng đối với cuộc xung đột tại Ukraine và những nỗi đau to lớn nó mang lại, đồng thời nhất trí rằng việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận.
Chúng tôi nhấn mạnh nhu cầu về một nền hòa bình toàn diện, chính đáng và lâu dài cho Ukraine theo luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi nhấn mạnh trật tự thế giới dựa trên luật lệ phải tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, minh bạch, và giải pháp hòa bình cho xung đột".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận