Sinh viên với hoạt động thảo luận nhóm tại ASEP 2017 tổ chức ở Nhật Bản - Ảnh: BÌNH MINH
Với chủ đề "Gift from tropical rain forest" - Quà tặng từ rừng mưa nhiệt đới, nhóm các bạn đã nói về lợi ích của rừng và mối quan tâm của người trẻ về bảo tồn rừng.
Câu chuyện về rừng
Những bạn trẻ Việt Nam đến ASEP 2018 hiểu được rằng rừng đang dần mất đi nhanh chóng với những hậu quả có thể đã nhìn thấy trước mắt. Họ đồng loạt chấm 3,5-4 điểm trên thang điểm 5 khi được yêu cầu đánh giá mức độ nguy cấp của tình trạng tàn phá rừng ở Việt Nam.
"Trận lũ quét vừa qua ở Lai Châu đã gây ra cái chết của nhiều người, cuốn đi nhà cửa, làng mạc. Việc phá rừng có thể chính là một trong những nguyên nhân khiến hậu quả của thiên tai, cả những trận mưa lũ và hạn hán đều trở nên nặng nề hơn" - Phạm Thị Thúy Hạnh (23 tuổi), sinh viên năm 4 khoa môi trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, chia sẻ.
Hạnh không chỉ đọc từ tin tức, từ kiến thức sách vở của một sinh viên môi trường mà đã nhìn thấy, đã chứng kiến bởi cô sinh ra và lớn lên ở vùng đồi núi Hoành Bồ (Quảng Ninh), chứng kiến người dân chặt phá rừng, đường cao tốc cắt ngang rừng không còn cái cây, những đợt mưa lũ với dòng nước đục ngầu đất cát từ núi đồi đổ xuống, những điểm tập kết gỗ đèn đuốc sáng trưng hoạt động nhộn nhịp về đêm...
Đi để hiểu thêm về rừng
Nhóm các bạn tham gia diễn đàn lâu nay đều nỗ lực tham gia các hoạt động cộng đồng về môi trường, từ dự án sân chơi cho trẻ bằng vật liệu tái chế, chiến dịch dọn rác, trồng cây đến trại hè về nông nghiệp hữu cơ không tồn dư hóa chất...
"Trong chuyến đi sắp tới, chúng tôi sẽ có dịp đến với các khu bảo tồn rừng của Malaysia, các trung tâm nghiên cứu về rừng, tìm hiểu hoạt động khai thác dầu cọ, đồng thời giao lưu với sinh viên đến từ nhiều nước châu Á có chung những vấn đề về rừng nhiệt đới.
Chắc chắn nhóm sẽ học hỏi được nhiều thứ, hiểu thêm về rừng để giúp ích cho việc bảo vệ rừng mà trước hết là chính bản thân mình ý thức hơn trong bảo vệ rừng" - Nguyễn Thị Phương (sinh viên năm 3 khoa luật ĐHQG Hà Nội) chia sẻ.
Rừng là một món quà của thiên nhiên. Ai cũng biết về những lợi ích của rừng, về hậu quả của việc tàn phá rừng nhưng không có nhiều người quan tâm. Đó là điều cần phải thay đổi
PHẠM THỊ THÚY HẠNH
Là sinh viên khoa luật, học nhiều học phần về Luật môi trường, Phương biết rằng chế tài, quy định pháp luật cũng rất quan trọng trong bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ rừng nói riêng. Cô mong muốn sẽ được tìm hiểu nhiều hơn về hệ thống pháp luật ở Malaysia và các quốc gia có các đại diện tham dự diễn đàn.
72 sinh viên tham dự ASEP 2018
Diễn đàn môi trường sinh viên châu Á là diễn đàn thường niên do Quỹ môi trường AEON phối hợp với Đại học Waseda (Nhật Bản) tổ chức từ năm 2012 đến nay. Với chủ đề bao quát là sự nóng lên của Trái đất và bảo tồn tính đa dạng của sinh vật, diễn đàn nhằm đào tạo nguồn nhân lực môi trường có khả năng nghiên cứu và quan sát nhạy bén.
Diễn đàn năm nay được tổ chức tại Malaysia với sự tham gia của 72 sinh viên được tuyển chọn từ các trường đại học của chín quốc gia châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Thái Lan và Myanmar, với các hoạt động tại các khu bảo tồn rừng, các đơn vị nghiên cứu, hoạt động thảo luận nhóm và dọn dẹp bờ biển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận