17/09/2014 09:05 GMT+7

Quá tải trường điểm: Chưa có bài thuốc hữu hiệu

Vĩnh Hà
Vĩnh Hà

TT - Nỗ lực xây dựng trường lớp của Hà Nội không thể theo kịp sự xuất hiện của hàng loạt chung cư, khu đô thị mới.

Tại Trường tiểu học Nam Thành Công (Q.Đống Đa, Hà Nội), nhiều lớp học có sĩ số lên tới 60 học sinh - Ảnh: Nguyễn Khánh

Trường công lập ít, trường tư thu phí quá cao khiến học sinh vùng ven và ngoại thành dạt vào nội ô, tạo thêm sức ép cho các trường.

Năm học 2014-2015, nhiều trường ở Hà Nội, chủ yếu là tiểu học và THCS, có sĩ số lên đến trên dưới 60 học sinh/lớp. Tình trạng chạy đua vào trường điểm tại Hà Nội tiếp tục không giảm nhiệt.

Xây thêm trường không xuể

Quỹ đất cạn kiệt

Theo một trưởng phòng GD-ĐT tại Hà Nội, chỉ cần một khu chung cư mọc lên, ngành GD-ĐT đã phải lo đối phó để có chỗ học cho số lượng tương đương với học sinh một phường. Nhưng trường học thì không thể dễ mọc lên. Quỹ đất khu vực nội thành cho xây trường thì cạn kiệt.

Năm học 2014-2015, Hà Nội đã xây mới thêm trên 40 trường với gần 1.000 phòng học, nâng tổng số trường trên địa bàn TP lên trên 2.500. Tuy nhiên, tình trạng quá tải đối với một số trường vẫn không khắc phục được, có một phần nguyên nhân do sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch hạ tầng ở Hà Nội.

Theo cô Bùi Kim Thúy - hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám, nguyên nhân sĩ số của trường này tăng vọt không thể giảm được vì các khu chung cư cao tầng mọc lên nhiều trên địa bàn phường thời gian qua. Thiết kế lớp học ở trường này là 67m2/phòng cho 35 học sinh/lớp nhưng hiện đã phải dồn 60 học sinh/lớp.

Tương tự, các trường Trung Tự, Nam Thành Công (Q.Đống Đa) cũng rơi vào tình cảnh quá tải với trên dưới 60 học sinh/lớp, một phần do các chung cư được tu bổ, nâng tầng hoặc đột ngột mọc lên cao ốc mới. Trường tiểu học Nam Thành Công là trường có “tên tuổi” trên địa bàn phường Láng Hạ, từ khi có một số khu chung cư mọc lên thì ngôi trường này luôn trong tình trạng quá tải.

Theo Phòng GD-ĐT quận Đống Đa, có những năm số liệu khảo sát trẻ đúng tuyến trong độ tuổi vào lớp 1 các trường Kim Liên, Nam Thành Công đã tăng quá mức chỉ tiêu được giao. Nhiều phòng chức năng của trường này đã phải sửa chữa, tận dụng làm phòng học, nhưng sĩ số học sinh vẫn không cải thiện được. Trường Kim Liên có những lớp tăng tới 65 học sinh/lớp.

Giải pháp trên lý thuyết

Ngoài việc học sinh đúng tuyến tăng, tỉ lệ học sinh trái tuyến cũng không giảm. Có những trường thuộc quận Đống Đa, tỉ lệ trái tuyến vẫn ở mức 50% tổng số học sinh nhập học mới.

Một hiệu trưởng tại quận Ba Đình cho biết chỉ riêng số học sinh đúng tuyến vào lớp 6 năm nay đã tăng gấp rưỡi so với chỉ tiêu được giao, nhưng vẫn phải gánh trái tuyến như trước đây vì áp lực “ngoại giao”.

Từ năm năm trở lại đây, Sở GD-ĐT luôn đặt ra mục tiêu giảm sĩ số học sinh/lớp, giảm số lớp/trường và giảm số học sinh trái tuyến (ba giảm), trong đó một trong những giải pháp để thực hiện “ba giảm” là kéo gần chất lượng giữa các trường trên cùng địa bàn quận, huyện và áp dụng chế tài đối với các trường tuyển vượt. Nhưng giải pháp này đã không hữu hiệu.

Theo đó, việc đầu tư cho những trường “cận điểm” các trường tốp dưới trên một địa bàn quận được đặt ra nhưng chuyển biến chậm. Việc luân chuyển giáo viên giỏi giữa các trường khó thực hiện. Một phần nữa là nhận thức của cha mẹ học sinh không thay đổi.

Theo một lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Đống Đa, trên địa bàn quận trong 2-3 năm gần đây đã bắt đầu có một số trường tiểu học, THCS có chất lượng tốt, nề nếp, có nhiều giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp quận, thành phố, nhưng cha mẹ học sinh vẫn không gửi con.

Tại Hà Nội có một số trường đạt chuẩn quốc gia, có chất lượng giáo dục tốt nhưng không thu hút được học sinh vì ở cạnh các trường được mặc định là “điểm” nhiều năm qua.

Vĩnh Hà
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp