Quả sơ ri rất giàu chất đường và các vitamin A, C
Sơ ri được trồng nhiều ở miền Nam nước ta, đây là tên gọi theo cách phát âm của người Pháp từ cerise, lâu dần thành tên gọi chính thức của loại quả này ở Việt Nam.
Cây sơ ri có tên khoa học là Malpighia glabra là một loại cây bụi hay cây thân gỗ nhỏ nằm trong họ Sơ ri (Malpighiaceae). Cây có nguồn gốc từ Tây Ấn và miền Bắc Nam Mỹ, được nhập vào nước ta từ những năm đầu thế kỷ 20.
Cây sơ ri có thể cao tới 3m, tán lá dày, có gai, lá màu xanh, dạng đơn hình trứng, dài 5 - 10cm, mép nhẵn. Hoa sơ ri mọc thành tán 3 - 5 hoa nhỏ tụm lại, mỗi hoa có đường kính 1 - 1,5 cm. Hoa có 5 cánh màu hồng nhạt, nở quanh năm, nhưng nở nhiều nhất vào mùa xuân. Sau khi ra hoa cây bắt đẩu kết trái.
Quả sơ ri có dạng hình tròn, dẹt ở hai đầu, có 3 múi. Lúc đầu quả màu xanh, nhỏ, sau lớn dần bằng hạt nhãn thì dừng lại, đồng thời vỏ cũng chuyển sang màu đỏ báo hiệu quả đã chín, vỏ quả nhẵn bóng, mỏng, mềm, rất dễ bị giập. Sơ ri là loại quả quý mùa hè, rất giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là nhiều đường và các vitamin A, C. Đây là loại quả có nhiều chất đường nhất trong những quả màu đỏ, cứ 100g sơ ri cung cấp cho cơ thể khoảng 68 Kcal.
Sơ ri cũng là loại quả nổi tiếng giàu vitamin, đặc biệt là các vitamin C và A. Tỉ lệ trung bình vitamin C có trong l00g sơ ri khoảng 15mg. Lượng vitamin A tổng hợp là 0,4mg/100g. Ngoài ra, sơ ri có đầy đủ các vitamin nhóm B với một tỉ lệ hợp lý.
Tính trung bình mỗi quả sơ ri có tới 15% thành phần là chất glucid, 81 % thành phần cấu tạo quả sơ ri là nước có chứa các chất khoáng hoà tan và vitamin. Đây cũng là loại quả giàu chất khoáng (500mg trong l00g), đủ cả canxi, kẽm, sắt, đồng... Do có hàm lượng nước và kẽm cao, sơ ri có tác dụng lợi tiểu rõ rệt. Ngoài ra, do có lượng chất khoáng phong phú, sơ ri tham gia tích cực vào quá trình làm cân bằng hoạt động của các cơ quan nội tạng.
Quả sơ ri rất tốt cho sức khoẻ và tim mạch
Sơ ri là loại quả giàu vitamin, muối khoáng, glucid, acid amin cùng nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, giúp cơ thể hấp thụ tốt các chất dinh dưỡng cần thiết. Trên thế giới đã có nhiều tài liệu công bố về các tính chất dược lý và những lợi ích cho sức khoẻ của loại quả này. Người ta đã tính chỉ cần ăn khoảng 125g sơ ri, cơ thể đã được cung cấp từ 20% đến 30% lượng vitamin C và 25% lượng vitamin A cần bổ sung hàng ngày. Cũng chỉ với 125g sơ ri, ta đã tiếp nhận được cho cơ thể khoảng 15% lượng vitamin B9 và acid folic được khuyên dùng hằng ngày.
Các nhà khoa học đã theo dõi nhiều người khoẻ mạnh tuổi từ 16 đến 25 ăn đều sơ ri hàng ngày, sau đó phân tích máu và nước tiểu của họ thấy chất chống oxy hoá đã phát huy tác dụng tới 12 tháng liên tục, giúp giảm nguy cơ viêm nhiễm và các bệnh tim mạch. Kết quả nghiên cứu này đã chứng minh các chất oxy hoá có trong quả sơ ri tồn tại trong máu và có tác dụng lớn trong quá trình tiêu diệt các gốc tự do.
Ngoài việc ăn quả tươi, người ta còn chế biến nước ép sơ ri, rượu sơ ri để làm đồ uống. Rượu cocktail làm từ quả sơ ri được coi là một loại rượu bổ, không chỉ giúp ăn ngon miệng, tiêu hoá tốt mà còn là thuốc chữa bệnh có tác dụng kháng khuẩn, hạn chế sự tạo sỏi ở đường tiết niệu, nâng đỡ chức năng gan, giảm cholesterol và triglycerid trong máu hiệu quả.
Nước ép quả sơ ri là một đồ uống giàu vitamin và chất bổ dưỡng, một nguồn bổ sung vitamin C quý cho người sử dụng, nhất là với những người bệnh thiếu vitamin C.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận