29/04/2014 06:29 GMT+7

Quá nhiều vấn đề trong bản án

TÂM LỤA ghi
TÂM LỤA ghi

TT - Sao không giải quyết bức xúc (chính đáng) của dân mà lại dùng quyền lực trấn áp? Hai tài xế của công ty thi công lại được “tôn” lên thành “người thi hành công vụ”?... là những câu hỏi được nhiều bạn đọc đặt ra sau khi đọc bài “1 câu nói, 5 năm tù” (Tuổi Trẻ 27-4).Trang Pháp luật xin giới thiệu một số ý kiến chuyên gia.

L7Ahd68Z.jpgPhóng to
Bị cáo Lê Thị Thu (đứng) xin tòa được về với con nhỏ vì cả hai vợ chồng đều bị bắt - Ảnh: Lan Hương

* Luật sư BÙI ĐÌNH ỨNG (Đoàn luật sư TP Hà Nội):

Cần một bản án hợp lòng dân

Qua thông tin trên báo, tôi thấy vụ việc có mấy vấn đề như sau:

Mọi sự việc và hiện tượng khi xảy ra đều có mối quan hệ nhân quả. Vì vậy, trong vụ án này chúng ta phải nhìn nhận từ hai phía. Theo tôi được biết thì năm 2011, UBND TP Hà Nội đã có kết luận nội dung đơn tố cáo của một số công dân thôn Đục Khê, xã Hương Sơn là đúng. Bản kết luận đã chỉ rõ xã Hương Sơn và UBND huyện Mỹ Đức đã có những sai phạm về quy trình thu hồi đất và việc thực hiện chính sách đền bù cho người dân.

* Ông PHẠM HUY THẬN (nguyên cục trưởng Cục Điều tra, nguyên vụ trưởng Vụ Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, Viện KSND tối cao):

Mức án quá nghiêm khắc

Theo dõi cáo trạng và nội dung bản án, tôi thấy các bị cáo không bị oan. Khách quan mà nói, ông Đinh Văn Chính đã có những hành vi mua quan tài, chở bố và vợ ra hiện trường, có câu nói kích động mọi người. Tuy nhiên cần xem xét việc người dân bức xúc xuất phát từ những thiếu sót của chính quyền địa phương, vì nhận thức không đúng dẫn đến phạm tội.

Tôi thấy mức án 5 năm tù với ông Đinh Văn Chính là nặng, có phần quá nghiêm khắc. Vì hậu quả chưa xảy ra, vụ án không có thiệt hại. Ông Chính nên kháng cáo lên cấp phúc thẩm. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần chấn chỉnh, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp để không xảy ra những sai sót đáng tiếc làm mất lòng tin của người dân.

Không xem xét nguyên nhân dẫn tới phản ứng của dân

Lẽ ra sau khi có kết luận như vậy, quyền lợi của người dân phải được tôn trọng và giải quyết thỏa đáng nhưng ngược lại, khi tiến hành thu hồi đất để thực hiện dự án tuyến đường du lịch từ Hương Sơn (Hà Nội) đến khu du lịch Tam Trúc, Khả Phong (Hà Nam), UBND huyện Mỹ Đức vẫn không ban hành các quyết định thu hồi đến từng hộ dân và cũng không đền bù, hỗ trợ về đất. Người dân thực hiện quyền khiếu nại thì không được giải quyết thỏa đáng. UBND huyện Mỹ Đức vẫn tiến hành bàn giao đất cho chủ đầu tư, tổ chức các lực lượng công an và ban ngành của huyện ra công trường để bảo vệ thi công mà không hề có quy trình cưỡng chế, giải phóng mặt bằng là vi phạm nghiêm trọng đến các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai.

Xuất phát từ nguyên nhân nêu trên, những người dân thôn Đục Khê, trong đó có ông Đinh Văn Chính, đã có lời nói: “Đất chưa có quyết định thu hồi bà con giữ đất đến cùng, nếu tôi chết chở tôi ra Văn phòng Chính phủ” là thông điệp, là sự cảnh báo của người dân khi họ bế tắc. Những người có trách nhiệm thay vì giải quyết những khiếu nại chính đáng của dân thì lại làm ngược lại, dùng quyền lực để hình sự hóa.

Mắc bệnh ung thư máu vẫn không được tại ngoại

Ông Đinh Văn Chính bị cơ quan cảnh sát điều tra và Viện KSND huyện Mỹ Đức căn cứ vào điểm b, khoản 1, điều 81 Bộ luật tố tụng hình sự là không đúng pháp luật. Bởi lẽ, thứ nhất lúc xảy ra sự việc không ai nhìn thấy ông Chính có mặt tại hiện trường. Thứ hai, không có căn cứ để cho rằng nếu không bắt, ông Chính sẽ bỏ trốn. Thứ ba, ông Chính đang bị bệnh ung thư máu (leucemie) là loại bệnh hiểm nghèo cần uống thuốc và điều trị thường xuyên. Vợ ông cũng bị bắt trong vụ án. Vì thế không cần thiết phải áp dụng biện pháp tạm giam mà có thể áp dụng bằng các biện pháp ngăn chặn khác.

Vụ án này có tới mười bị cáo. Theo tôi được biết thì bị cáo Đinh Thị Hà đã ly hôn chồng, con nhỏ 4 tuổi bị bệnh u máu bẩm sinh. Từ lúc bị bắt giam đến khi vụ án được đưa ra xét xử đã 10 tháng nhưng hai cơ quan cảnh sát điều tra và Viện KSND huyện Mỹ Đức không giao cháu cho người giám hộ để chăm sóc, nuôi dưỡng cháu là vi phạm nghiêm trọng vào khoản 1, điều 90 Bộ luật tố tụng hình sự và Luật chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Nhận thức sai lầm về khái niệm công vụ

Theo quy định tại khoản 1, điều 3 Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước thì “người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án”. Công ty Xuân Trường là một doanh nghiệp tư nhân trúng thầu dự án của Nhà nước và tổ chức thi công xây dựng là một loại hình sản xuất kinh doanh, chứ không phải được cơ quan “có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án”. Vì vậy, mọi hoạt động của công nhân và doanh nghiệp đều không được coi là thi hành công vụ. Việc Viện KSND huyện Mỹ Đức cho rằng hai tài xế chở đất đá thi công san nền của Công ty Xuân Trường là người thi hành công vụ là một nhận thức sai lầm về khái niệm công vụ.

Dư luận xã hội và người dân mong muốn các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cần có biện pháp kiểm tra, giám sát các hoạt động điều tra, truy tố và xét xử về vụ án này để có một bản án hợp lòng dân, trả lại sự công bằng cho người dân.

Có con nhỏ vẫn không được tại ngoại

Bị cáo Lê Thị Thu và bị cáo Đinh Thị Hà bị bắt khi có con nhỏ nhưng cơ quan điều tra không giao ai là người giám hộ con cho họ khiến con cái nheo nhóc, bỏ học đi lang thang. Hai vợ chồng ông Đinh Văn Chính đều bị bắt, hành vi phạm tội không nghiêm trọng nhưng một trong hai người không được tại ngoại.

Tại tòa, đại diện Viện kiểm sát thừa nhận việc cơ quan công an ra lệnh bắt tạm giam các bị cáo mà không giao con các bị cáo cho người giám hộ là thiếu sót của cơ quan điều tra. Viện kiểm sát đã kiến nghị đến cơ quan điều tra làm đúng quy định của pháp luật.

Nhân chứng phải xin vào tòa

Sáng 25-4, tại phần thủ tục phiên tòa, thẩm phán thông báo đã triệu tập hợp lệ 13 nhân chứng - chủ yếu là người dân Hương Sơn - nhưng không có mặt nên sẽ xử vắng mặt. Trong khi đó, theo chúng tôi ghi nhận, nhiều người trong số này đã đứng trước cổng tòa từ sáng sớm nhưng không vào được vì... không có giấy triệu tập. Luật sư bào chữa cho bị cáo Chính đã kiến nghị hoãn phiên tòa vì cho rằng các nhân chứng này đều là người dân, lời khai của họ có lợi cho các bị cáo thì đều vắng mặt, trong khi các nhân chứng là cán bộ ủy ban xã, cán bộ dự án thì đều có mặt. Chiều 25-4, khi chín nhân chứng là người dân Hương Sơn làm đơn kiến nghị cho biết họ không nhận được giấy triệu tập, đang đứng trước cổng tòa và xin vào dự tòa thì hội đồng xét xử mới cho vào.

Không phải vụ án “chống người thi hành công vụ”

Nghị định 208/2013/NĐ-CP ngày 17-12-2013 của Chính phủ đã đưa ra khái niệm: “Người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật...”.

Theo Luật cán bộ, công chức năm 2008, những công dân VN đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại điều 4 của luật này mới được xem là “cán bộ, công chức” và “viên chức” cũng phải là công dân VN được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật (điều 2 Luật viên chức năm 2010).

Như vậy, hai tài xế của Công ty Xuân Trường (đơn vị thi công dự án) không phải là người thi hành công vụ. Mặt khác, hoạt động của những người thuộc Công ty Xuân Trường là hoạt động sản xuất kinh doanh, không phải là hoạt động công vụ do đó đương nhiên hành vi của các ông bà Đinh Văn Chính, Lê Thị Thu và những người đã dùng quan tài và các chướng ngại vật ngăn cản, chống đối không cho người và các phương tiện vào thi công dự án không phải là hành vi chống người thi hành công vụ.

THS NGUYỄN MINH SƠN(Viện KSND tỉnh Kiên Giang)

95 ý kiến bạn đọc phản ứng

Trong ngày 28-4, trang Pháp luật đã nhận được 95 ý kiến phản hồi từ bạn đọc cho bài “1 câu nói, 5 năm tù”. Đến 99% phản ứng bản án của TAND huyện Mỹ Đức, bức xúc với những hành vi sai trái của chính quyền địa phương và thông cảm, chia sẻ với “các bị cáo”.

Bạn đọc Nguyễn Thành Vương (HV123@...) viết: “Bà con nông dân yêu cầu UBND huyện Mỹ Đức lập phương án bồi thường tại thời điểm có quyết định thu hồi đất để áp giá bồi thường là đúng với pháp luật; nếu các thông tin ở bài viết này là đúng sự thật thì phải xem lại trách nhiệm và thái độ của các vị đại diện kiểm sát và quan tòa là người cầm cân công lý liệu có công tâm không?”.

“Tôi quá bức xúc với cách làm của tòa án”, “thật quá bất công cho người dân”, “đọc lập luận của Viện kiểm sát cùng với bản án của TAND huyện Mỹ Đức dù không phải việc liên quan đến mình mà vẫn thấy uất nghẹn...” là ý kiến của nhiều bạn đọc.

Bạn đọc Trần Đông (tranbinh.dong@...) còn than: “Không thể tin nổi, phải chăng người viết tin có nhầm lẫn?”.

T.C.tổng hợp

TÂM LỤA ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp