23/02/2020 09:01 GMT+7

Qua miền khô hạn - Kỳ 3: Một vụ mùa 'bỏ đi'

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TTO - "Không có nước cũng chết mà có nước cũng chết", nhiều đồng ruộng miền Tây Nam Bộ đang chết khát và chết mặn ngay giữa vùng sông nước.

Qua miền khô hạn - Kỳ 3: Một vụ mùa bỏ đi - Ảnh 1.

Chị Thị Sà Rinh bên vườn hành chết khô do không còn nước ngọt tưới - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Bỏ vườn

Từ đường liên ấp, nhìn đồng dưa hấu Lâm Phiên bên bờ kinh Hưng Thạnh - Tổng Cán (xã Viên Bình, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) chen chúc quả. Nhưng chẳng tìm đâu được người chủ ruộng dưa giữa cái nắng hạn thiêu đốt. Anh Phan Hữu Ngân, phó bí thư ấp Lau Dên, nói ruộng rẫy người ta bỏ rồi, không trông coi nữa. Đến gần tôi mới thấy rõ cảnh đồng dưa chết héo lộ ra. Trái mới to bằng cái chén nhưng dây lá đã vàng xác xơ.

Anh Ngân giải thích do đồng bị dính nước mặn nên chủ bất lực, bỏ phế luôn. "Quanh ấp tui còn nhiều lắm, nào hành, nào đậu, khổ qua... Bên đây bị nhiễm mặn. Bên kia, gần sông Mỹ Thanh còn bị nhiễm mặn dữ hơn", anh Ngân kể.

Cặp theo những con kênh dẫn nước vào ruộng lúa ở Viên Bình, những nông dân chí thú đã phủ xanh rau màu nhiều năm qua. Lâu nay họ miệt mài với ruộng vườn cũng nhờ con kênh dẫn nguồn nước giàu phù sa từ sông Hậu mà rau quả ở đây tốt tươi, được giá.

Nhưng năm nay, dòng sông âm thầm mang nước mặn về đến chân ruộng. Nhiều nông dân trở tay không kịp, đành buông bỏ cả một vụ mùa là sinh kế bấy lâu. Nói bỏ thì dễ, nhưng khi người nông dân nhìn liếp hành đã cháy khô trong nắng hạn thì không khỏi chạnh lòng. Không phải họ bỏ mặc mà họ đã làm hết những gì có thể.

Anh Trà Sướng, phó chủ tịch xã Viên Bình, kể chúng tôi nghe dân trồng màu phải chở từng thùng phuy nước từ rất xa về tưới tiêu cứu rẫy màu. Họ cố gắng đến khi không còn đủ điều kiện để cố gắng.

Chị Sơn Thị Sà Phép, chị Thạch Thị Sà Rinh, anh Lâm Tuấn, Lâm Quốc Bộ... vẫn còn rướm nước mắt nhìn rẫy hành khô gốc của mình. Sà Rinh bới những gốc hành khô cháy nằm lẫn vào đất và nói đó là mồ hôi, hi vọng và giờ là nợ nần của mình. Thằng con đi học nội trú ngoài tỉnh cũng về giúp mẹ. Nhưng khô hạn kiểu này thì thằng bé chẳng có gì để làm. Trên bờ thì hành khô héo, dưới đồng 18 công ruộng của Sà Rinh cũng nhiễm nước mặn.

Sà Rinh rầu rĩ nói nhà Thạch Sen, Thạch Lai, Sơn Quen... lúa cũng dính nước mặn. Thất thu là cái chắc. "Mọi năm đầu mùa này người dân tủa ra trồng đủ loại. Nào dưa hấu, đậu bắp, đậu xanh, bắp... Nhưng năm nay tết chưa qua, nước mặn đã tới, xác xơ hết rồi!", anh Lâm Quốc Bộ, nhà có 2 công hành lá bị nắng thiêu chết, nói thêm dân xứ này siêng năng, không cho đất ở không nhưng hạn mặn cỡ này cũng đành bó tay.

"Hôm qua, độ mặn nước sông Tiếp Nhật lên sáu, bảy phần ngàn. Nước tưới tiêu mặn cỡ đó thì rau màu chết hết", ông Nguyễn Văn Tánh, bí thư xã Viên Bình, nói mọi năm phải ăn tết xong thì nước sông mới bắt đầu chớm lợ. Nhưng năm nay mới tháng 11 âm lịch, nước mặn đã len lỏi vào. Xã có ba ấp trồng màu là Lau Dên, Trà Ông, Đào Viên, tất cả đều phụ thuộc vào nguồn nước sông.

Mấy ngày trước, rau màu đang tươi tốt bỗng dưng rũ lá. Kinh nghiệm nông dân đoán biết đã tưới phải nước mặn từ sông. Ông Tánh nói thấy nông dân ở đây bị thiệt thòi do nước mặn xâm nhập, chính quyền đã cố gắng tìm nguồn nước khác. Nhưng nước ngầm ở đây cũng nhiễm phèn, mặn, phải khoan sâu đến mấy trăm mét mới hi vọng có nước đủ xài, điều này ngoài tầm với của nhiều nông dân.

Năm nay, nước sông Mekong từ thượng nguồn về ít. Lượng mưa thấp và kết thúc sớm. Nước mặn từ biển đã theo các nhánh sông len lỏi vào sâu nội đồng. Người dân miền Tây vài năm gần đây không lạ với nước mặn, nhưng khi nó đến quá nhanh thì họ chỉ biết kêu trời!

Qua miền khô hạn - Kỳ 3: Một vụ mùa bỏ đi - Ảnh 2.

Nông dân miền Tây rầu rĩ với ruộng lúa chết khô vì thiếu nước - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Chảy nước mắt nhìn lúa... chết dần!

Tình trạng thiếu nước ngọt đang rất nghiêm trọng tại các tỉnh ven biển ĐBSCL. Không chỉ tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng "đứng mũi chịu sào" với thiệt hại từ nhiều phía, Bạc Liêu cũng đang oằn mình chịu hạn: mặn. Hàng ngàn hecta lúa, vùng trồng rau màu Bạc Liêu bị ảnh hưởng nặng.

Ông Nguyễn Văn Việt (ấp 19, xã Phong Tân, Giá Rai, Bạc Liêu) xuống giống 100 công lúa. Gần một tháng, lúa nhìn có vẻ phát triển tốt, nhưng trong lòng người nông dân lại rầu rĩ, bởi cái nắng chói chan đã rút hết nước ruộng lẫn nước dưới kênh thủy lợi. Ông Việt nói ruộng mình chỉ có thể cầm cự ít hôm nữa. Đến khi đó, nếu không có nguồn nước tưới thì đám lúa của ông và nhiều nông dân trong vùng phải chịu chung cảnh ngộ.

Trong hoàn cảnh đó, nhiều nông dân Bạc Liêu chỉ hi vọng có nguồn nước từ tỉnh Sóc Trăng lân cận để về giải cứu cho đồng đất qua cơn hạn, mặn. Nhưng một lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng chia sẻ rằng tỉnh ông rất lo nguồn nước nhiễm mặn từ Bạc Liêu lấn sang làm ảnh hưởng đến nguồn nước vùng ngọt của tỉnh. Nỗi lo nhiễm mặn do những con sông chảy từ vùng nhiễm mặn qua vùng ngọt.

Một số nơi lo nguồn nước bị nhiễm mặn, nhưng ít ra những nơi này còn nước để mà lo ngày cạn. Nhiều nơi trong vùng "ngọt hóa" mà chúng tôi đi qua, nông dân đã sớm phơi đồng vì thiếu nước.

Cùng chúng tôi ra ruộng đang chuẩn bị trổ bông nhìn có vẻ xanh tốt, lão nông Bùi Quang Khánh (72 tuổi, ấp Kinh 8, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) chua xót: "Coi xanh lè vậy chứ nó sắp chết hết rồi chú ơi". Nói đoạn ông vẹt từng gốc lúa, dưới chân lộ ra những thớ đất đang nứt nẻ: "Khô cứng vầy thì làm sao mà lúa sống nổi. Nhìn xanh vậy chứ nó đang chết dần".

Con kênh 8 nối vào xóm đã "thất thủ" nhiều ngày nay. Kênh phơi đáy. Ruộng rẫy phía trên chỉ dựa vào nguồn nước duy nhất này cũng đang trong cơn hấp hối. Tiếc của, một vài gia đình cố vét sâu đáy kênh để mong mót chút nước "trụ sinh" cho đồng đất. Nhưng họ cũng bất lực khi bản thân con kênh cũng không thể cứu nổi mình.

Nhà ở cuối kênh. Gia đình ông Khánh có 6ha trồng lúa thơm và hàng trăm triệu đã đổ ra đồng, thậm chí phải vét những đồng cuối cùng để bơm nước cứu lúa. Ông Khánh bơm nước vào đồng. Nhiều gia đình khác cũng bơm. Cho đến khi dòng kênh kiệt nước thì tất cả đành bất lực.

"Thà lúa bị sâu rầy, mình còn ít buồn hơn. Đằng này nhìn nó xanh tốt lại đợi ngày chết, xót quá chú ơi!". Lão nông nói nợ nần cũng chấp nhận, nhưng chăm sóc đồng áng mà nhìn lúa chết dần thì thiệt không cam. Giọt nước mắt lén lăn trên nếp mặt nhăn sạm khi ông không dám nhìn đồng lúa. Lúc này ai cũng mong trời cho một trận mưa.

Những ruộng lúa chết đứng giữa đồng là điều không hiếm thấy tại nhiều nơi ở vựa lúa miền Tây. Nơi thì do thiếu nước, lúa chết khát. Nơi thì nước nhiễm mặn, lúa cũng chết. Có nước mà không ai dám bơm tưới.

"Bỏ rồi", người nông dân phải dùng từ "bỏ" để tự an ủi mình rằng đã rất cố gắng mà không thể vượt qua được cơn hạn, mặn khốc liệt...

Lo thắt ruột

Thầy giáo Nguyễn Xuân Thiệu, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, Long An, rầu rĩ tâm sự mình đang lo thắt ruột vì nước mặn đe dọa tận nội đồng cách rất xa biển này. "Tui trồng ớt xen canh với lúa, hễ nước bị mặn là lãnh đủ. Mùa này tui đành bỏ ruộng ớt trống trơ, mất hẳn thu nhập vì không dám mạo hiểm bỏ vốn ra cho ông trời quyết định".

Ở nhiều vùng nội đồng của tỉnh Long An, nông dân vừa lo thiếu nước ngọt canh tác lại vừa sợ nước mặn phá hư ruộng đồng. Đây là tình trạng mới xuất hiện vài năm gần đây ở miệt ruộng xa biển và đặc biệt là đang có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn.

Q.M.

______________________________

Để bảo vệ ruộng vườn trước mối đe dọa của nước mặn xâm nhập, nhiều nông dân đã phải thức canh nước như... canh trộm.

Kỳ tới: Canh nước cho đồng

Qua miền khô hạn - Kỳ 2: Miền đất gãy Qua miền khô hạn - Kỳ 2: Miền đất gãy

TTO - Ngày đẹp trời, người nông dân thức dậy bỗng thấy mảnh sân, con đường trước nhà tự dưng đổ sụp. Họ chỉ biết ngước mặt than trời!


TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp