08/07/2015 06:00 GMT+7

Thảm sát ở Bình Phước: "Quá man rợ"!

V.HƯƠNG - Đ.TRONG T.MY - T.PHONG
V.HƯƠNG - Đ.TRONG T.MY - T.PHONG

TTO - "Quá dã man”, "quá man rợ" là điều mà hàng triệu người trên khắp cả nước phải thốt lên trên các trang mạng khi đọc tin về vụ cắt cổ sáu người trong một gia đình tại Bình Phước.

Bộ phận điều tra hình sự khám nghiệm tử thi nạn nhân - Ảnh: V.Lan

Trước đó, một gia đình bốn người tại Nghệ An cũng đã bị tàn sát.

Sáu người gồm hai vợ chồng ông Lê Văn Mỹ (sinh năm 1968, ngụ tại Bình Phước) và bà Nguyễn Lê Thị Ánh Nga (sinh năm 1973), hai con của vợ chồng ông Mỹ là Lê Quốc Anh (sinh năm 2000) và Lê Thị Ánh Linh (sinh năm 1993) cùng hai người cháu Dư Ngọc Tố Như (sinh năm 1997), Dư Minh Vỹ (sinh năm 2001) đều bị giết hại bằng cách cắt cổ.

Trước đó, bốn người trong gia đình anh Lô Văn Thọ (huyện Tương Dương, Nghệ An) cũng bị thảm sát. Anh Thọ, bà Viêng Thị Chương (mẹ anh), chị Lê Thị Yên (vợ anh), cùng con trai khoảng 1 tuổi đều bị giết chết với nhiều vết chém trên người.

Ngoài sự thương cảm đối với gia đình người bị hại, nhiều người gay gắt lên án hành vi giết người dã man, hung tợn. Nhiều người dân đặt ra câu hỏi tại sao ngày càng có nhiều vụ thảm sát...

Kinh hoàng tột độ

Bên trong căn nhà của nạn nhân - Ảnh: Bùi Liêm

Trên Facebook cá nhân, một bạn có tên Minh Đạt đã viết "kinh hoàng tột độ".

Chị Nguyên Trang (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng những cảnh tượng trước giờ chỉ thấy trong phim, nay lại hiển hiện ngoài đời thực. “Đọc đến đâu tôi lạnh người, rùng mình đến đấy. Cảm giác như đang xem phim sát nhân máu lạnh chứ không thể tin đây lại là chuyện thật, người ta dám làm ngoài đời thực” - chị Trang nói.

Bạn đọc Vũ Đức Hiệp xót xa: “Đứa bé mới 22 tháng tuổi thì làm sao đây? Thương các nạn nhân quá. Cháu bé mới lẫm chẫm biết đi mà đã mất ba, mất mẹ, mất cả anh và chị! Quá tàn ác!”.

Nhiều người dân bày tỏ sự bất an trước tình trạng ngày càng xuất hiện nhiều vụ giết người với thủ đoạn tàn ác. Bên cạnh đó là nỗi lo lắng về sự xuống cấp đạo đức và nhân cách. Nhiều ý kiến từ bạn đọc đề nghị các cơ quan chức năng phải mạnh tay hơn trong công tác trấn áp và ngăn ngừa tội phạm.

“Rất mong chờ các lực lượng điều tra tinh nhuệ ở Bộ Công an và địa phương sớm tìm ra thủ phạm để sớm có bản án trừng trị thủ phạm đích đáng, làm an lòng dân” - nhiều bạn đọc viết.

Ông Mỹ, bà Nga sống rất bình dân

Ông Thạch Sơn, một người làm công lâu năm cho xưởng gỗ của nhà ông Mỹ, bà Nga, cho biết gia đình này sống rất giản dị và không bao giờ xem thường công nhân.

“Ổng nhậu với tụi tui thường xuyên luôn mà” - ông Sơn kể.

Ông Sơn cho biết công nhân trong xưởng chủ yếu là người dân tộc, đến từ các tỉnh như Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau. Mỗi tháng ông Mỹ, bà Nga đều phát lương đúng ngày cho công nhân.

“Mình coi ông Mỹ, bà Nga như ông già, bà già mình. Nay họ mất thì công nhân giống như đàn con bơ vơ đi kiếm ăn” - ông Sơn nói.

Bạn Thanh Thảo bày tỏ quan điểm: "Phải thực tâm nhìn nhận xã hội ta còn đầy rẫy cái xấu, cái ác, thủ đoạn giết người ngày càng tàn bạo, ghê rợn. Nhìn nhận rõ thực trạng để thấy rằng có lẽ chúng ta chưa nên chạy theo các nước tiến bộ giảm và tiến tới bỏ án tử hình".

Hiện tượng không bình thường

Chiều 7-7, trong buổi họp báo đầu tin thông tin về vụ việc này, thiếu tá Đào Văn Thêm, phó trưởng phòng tham mưu - tổng hợp Công an tỉnh Bình Phước, cho biết theo nhận định ban đầu của cơ quan điều tra, đây là một vụ giết người, cướp tài sản, các nạn nhân bị giết vào khoảng 3-4 giờ sáng ngày 7-7-2015.

Thiếu tá Thêm cho biết công an đã kiểm tra các camera trong nhà nhưng tất cả đều không hoạt động do trước đó hệ thống điện đã bị cắt để phục vụ việc sửa chữa một căn nhà trong khu biệt thự.

Trao đổi với TTO, đại tá, tiến sĩ (TS) Đỗ Cảnh Thìn, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, cho rằng những vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như sát hại nhiều người cùng lúc xảy ra trong những năm qua, đặc biệt chỉ trong mấy ngày gần đây đã xảy ra hai vụ, tước đoạt mạng sống của 10 người ở hai gia đình tại Nghệ An và Bình Phước, trong đó có cả trẻ em, đã phản ánh một hiện tượng không bình thường trong đời sống xã hội hiện nay.

 

Cơ quan công an khám nghiệm hiện trường - Ảnh: Xuân An

Những vụ giết người ghê rợn, lạnh lùng chủ yếu là hệ quả của sự tác động từ nhiều yếu tố tiêu cực mà không phải là hiện tượng mang tính đột xuất, bất ngờ, TS Đỗ Cảnh Thìn đánh giá.

Lý giải về hiện tượng này, theo TS Đỗ Cảnh Thìn, cần phải nhìn nhận trên nhiều bình diện từ tâm lý, nhận thức, giáo dục, môi trường xã hội, ảnh hưởng của truyền thông…

“Một điều cần lưu ý là trong môi trường cuộc sống nhiều cạnh tranh, nhiều sức ép từ việc làm, những khó khăn về kinh tế, vướng mắc trong đời sống, sự phân tầng xã hội diễn ra gay gắt, những mặt tiêu cực của “yếu tố thị trường”, những mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống hằng ngày… đã làm  một bộ phận dân chúng, nhất là những người trẻ tuổi, không thích nghi được.

Họ bị chấn thương tinh thần, chạy theo giá trị ảo, thiếu kỹ năng sống, quan niệm lệch lạc về giá trị cuộc sống… nên khi không thỏa mãn được nhu cầu cá nhân họ mất phương hướng, tiêu cực trong suy nghĩ và hành động, đặc biệt là những hành động cực đoan”, TS Đỗ Cảnh Thìn nói.

Theo TS Đỗ Cảnh Thìn, những hình ảnh bạo lực, lạnh lùng, vô cảm; lối sống nặng về tranh đoạt vật chất, ăn chơi sa đọa, lười biếng, thích hưởng thụ, chạy theo đồng tiền bằng mọi giá hay những phương thức, thủ đoạn tàn bạo, dã man, phi nhân tính của tội phạm lan tràn trên sách báo, phim ảnh, Internet, mạng xã hội đang hằng ngày, hằng giờ tác động, “thẩm thấu” vào nhận thức, lối sống, hành vi của không ít người, nhất là những người trẻ tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm sống và kỹ năng sống.

Người nhà nạn nhân tập trung trong khu vực xảy ra án mạng - Ảnh: Xuân An

Ở góc độ tâm lý tội phạm, TS Đỗ Cảnh Thìn nhìn nhận thường những tên tội phạm lạnh lùng sát hại nhiều người như vậy phần lớn đều đã chai sạn cảm xúc, hành động cẩn thận theo sự thúc đẩy vì mục đích tối thượng là thỏa mãn nhu cầu của bản thân một cách bản năng, không suy nghĩ đến những hậu quả đối với nạn nhân, xã hội và cho chính đối tượng.

Khoảng 57% nạn nhân biết mặt các kẻ sát nhân

Trang USA Today dẫn lại số liệu do FBI công bố cho thấy khoảng 57% các nạn nhân biết mặt các kẻ sát nhân. Số vụ thảm sát xảy ra do trộm hoặc cướp chỉ chiếm 11% trong số các nguyên nhân.

Hồi tháng 12-2014 tại Mỹ, Bradley William Stone (35 tuổi) bị tình nghi là đã bắn chết 6 người trong gia đình gồm người vợ cũ Nicole Hill, mẹ ruột, bà ngoại, em gái ruột của Hill là Patricia Flick và chồng Flick cùng đứa con gái 14 tuổi. 

Tháng 7-2014, Ronald Lee Haskell, 33 tuổi, giả dạng một nhân viên chuyển phát nhanh và xông vào một ngôi nhà ở Texas lúc chiều tối.

Tại đây, Haskell đã bắt giữ 5 đứa trẻ ở độ tuổi 4-14, chờ cha mẹ bọn trẻ quay về rồi nhốt tất cả nạn nhân vào một căn phòng, bắn vào đầu họ và châm lửa đốt. Cassidy Stay là nạn nhân duy nhất may mắn sống sót.

BÌNH MINH

Nghe các phát biểu trong bài:

>> Thiếu tá Đào Văn Thêm

>> Ông Thạch Sơn

 

 

V.HƯƠNG - Đ.TRONG T.MY - T.PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp