* Hơn một tháng qua, trên trang báo này, chúng ta đã bàn luận cùng nhau câu chuyện về lòng quả cảm, thái độ dũng cảm của người đàn ông. Mỗi bài viết, ý kiến tham gia diễn đàn đã chia sẻ nhiều góc nhìn khác nhau, song tựu trung không gì khác chính là để khẳng định rằng xã hội lúc nào cũng cần những nghĩa cử hào hiệp, lòng quả cảm của con người.
Phóng to |
Làm những việc có ích cho cộng đồng là hành vi quả cảm của các bạn trẻ. Trong ảnh: các sinh viên tình nguyện tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn tại các vùng quê nghèo trong chiến dịch Mùa hè xanh - Ảnh: Q.L. |
Xưa nay từ đứa trẻ con đến cụ già, từ nam đến nữ, không ai thích bị chê là hèn nhát và ai cũng thích được khen là gan dạ, quả cảm. Nhưng tinh thần quả cảm là thế nào, biểu hiện ra ngoài như thế nào? Nhiều người, nhất là trong nam nữ thanh niên - lứa tuổi rất muốn “thể hiện mình” để được người khác chú ý, thán phục - còn hiểu khác nhau về khái niệm này do vậy mà thể hiện rất khác nhau, có khi là một trời một vực.
Có thanh niên hiểu quả cảm là dám chơi trội nên đua xe bạt mạng trên đường, ngang nhiên móc thuốc ra hút ngay dưới biển cấm hút thuốc lá, nói mỗi câu mỗi chửi thề, ăn mặc lố lăng, dị hợm, ra đường hoặc khoe “của”, khoe “chiến tích” trên mạng... Lầm rồi, đó là ngỗ ngược.
Có thanh niên hiểu quả cảm là thể hiện được ta mạnh hơn người nên không ngần ngại “ăn thua” với người yếu hơn mình dù đó là phụ nữ, trẻ em, người già. Lầm rồi, đó là hèn nhát.
Có thanh niên hiểu quả cảm là “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” nên hành động liều lĩnh, hung hãn, bất chấp sinh mạng của người khác. Lầm rồi, đó là lưu manh.
Những thanh niên kể trên khi thấy người gặp nạn cần được cứu giúp, lúc cộng đồng gặp bất bình cần người ra tay can thiệp, khi đất nước lâm nguy cần người cầm súng thì hiếm khi dám “thể hiện” mình mà thường... lủi trốn.
Vậy quả cảm là gì, thể hiện ra sao? Quả cảm là dám thực hiện một hành vi ít người dám làm, hành vi đó phải hợp đạo lý và pháp luật, phải đem lại lợi ích cho cộng đồng dù khi làm như vậy mình phải hi sinh ít nhiều quyền lợi cá nhân. Để thể hiện được lòng quả cảm không nhất thiết chờ gặp dịp ra tay cứu người, không nhất thiết phải xông pha dưới mưa bom bão đạn.
Người bán ve chai trả lại của bị bỏ quên là người quả cảm. Bạn thanh niên căng băngrôn ven đường để xin lỗi công khai cộng đồng về hành động “hôi bia” đáng xấu hổ, đó là người quả cảm. Ở Việt Nam người lãnh đạo từ chức vì một vụ bê bối lớn trong lĩnh vực mình phụ trách là quả cảm. Người học sinh thà bị điểm kém chứ không bắt chước mọi người trong lớp đi quay cóp là học sinh quả cảm. Cậu sinh viên tốt nghiệp đại học chịu dấn bước vào đời để khởi nghiệp chứ không tiếp tục ăn bám cha mẹ, có khi ăn bám dưới chiêu bài học lên cao học, là quả cảm.
Người cha cho con “đi học để về chăn bò”, cả hai cha con đều quả cảm. Những bệnh nhân bị ung thư mà vẫn sống lạc quan là quả cảm. Và đặc biệt quả cảm là những ai nhận thấy số đông đang nhận thức và hành động sai lầm mà dám đứng ra phản đối, nhằm bảo vệ hay đưa ra một chân lý mới.
Người chiến sĩ lỗi lạc đấu tranh kiên cường vì sự nghiệp chống phân biệt chủng tộc Nelson Mandela từng nói: “Người quả cảm không phải là người không biết sợ mà là người chế ngự được nỗi sợ”. Do vậy ai cũng có thể tùy hoàn cảnh của mình, cương vị của mình mà thể hiện lòng quả cảm ở những cung bậc khác nhau. Dịp để biểu hiện tinh thần quả cảm không bao giờ là hiếm hoi, cả cho phái mạnh lẫn phái đẹp, cho già lẫn trẻ. Và cần nhớ: người thực hiện hành vi quả cảm nhằm được thán phục thì không phải là người quả cảm.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận