Tiêm kích F-35A Lightning II của không quân Mỹ tiếp dầu từ máy bay tiếp liệu KC-135 tại một địa điểm không xác định ở phía tây Nam Á ngày 12-5 - Ảnh: Reuters
Tưởng như sau khi và nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận về vấn đề hạt nhân Iran năm 2015 (JCPOA), vấn đề này sẽ được gạt ra khỏi chương trình nghị sự và quan hệ Mỹ - Iran có thể được khởi động trở lại. Nhưng chỉ sau hơn một năm lên nắm quyền, tháng 5-2018, ông Trump đã tuyên bố rút khỏi JCPOA.
Không chỉ dừng lại ở đó, với một loạt động thái liên tục từ đầu tháng 4-2019 đến nay, dường như Tổng thống Trump đang áp dụng chiến thuật "sức ép tối đa" đối với Iran.
Ngày 8-4, Mỹ đưa lực lượng Vệ binh cách mạng Iran vào danh sách khủng bố; ngày 22-4, chấm dứt việc miễn các biện pháp trừng phạt đối với 5 nước còn nhập khẩu dầu từ Iran; ngày 6-5 đưa tàu sân bay và máy bay ném bom tuần tiễu ở vịnh Ba Tư; ngày 9-5, có thông tin về kế hoạch điều động 120.000 binh lính đến khu vực trong trường hợp Iran tấn công hoặc khởi động lại chương trình hạt nhân; ngày 12-5, cáo buộc Iran liên quan đến vụ bốn tàu chở dầu của Saudi Arabia, các tiểu vương quốc Ả Rập và Na Uy bị "tấn công phá hoại"...
Không chỉ thế, Mỹ cũng tiến hành một loạt hoạt động ngoại giao nhằm tập hợp lực lượng gây sức ép với Iran. Ngoại trưởng Pompeo tuần trước vừa có chuyến thăm không báo trước đến Iraq để thảo luận về việc "bảo vệ công dân Mỹ".
Tiếp sau chuyến thăm, ngày 15-5 Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra lệnh sơ tán một phần Đại sứ quán Mỹ và các cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ tại Iraq do mối đe dọa từ các lực lượng thân Iran ở khu vực, theo đó các nhân viên ngoại giao "không khẩn cấp" phải rời Iraq ngay lập tức.
Nhưng ngay trong nội bộ Mỹ và giữa Mỹ và các đồng minh cũng không hoàn toàn bị thuyết phục về mối đe dọa của Iran đối với Mỹ.
Ngoài Ngoại trưởng Pompeo và đặc biệt là Cố vấn an ninh quốc gia Bolton ủng hộ mạnh việc áp dụng một chính sách cứng rắn với Iran, cũng có nhiều quan chức Mỹ khác cho rằng cần có cách tiếp cận thận trọng hơn với quốc gia vùng Vịnh này.
Nhiều đồng minh của Mỹ cũng hoài nghi về tính nghiêm trọng của mối đe dọa của Iran đối với Mỹ. Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Pompeo trong chuyến đi để vận động các nước châu Âu ủng hộ lập trường của Mỹ, đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại và an ninh của EU Mogherini đã kêu gọi "kiềm chế tối đa".
Các quan chức Iraq cũng bày tỏ sự nghi ngờ đối với những thông tin tình báo của Mỹ về mối đe dọa của Iran. Tuy nhiên, lập trường cứng rắn của Mỹ với Iran lại được các nước khác trong khu vực như Israel, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập... ủng hộ.
Những động thái quân sự và ngoại giao dồn dập những ngày qua đang gợi lại những gì diễn ra trước cuộc chiến Iraq năm 2003. Tình hình vùng Vịnh đang nóng lên và trong bối cảnh như vậy, bất kỳ tính toán sai lầm nào cũng có thể dẫn đến nguy cơ một cuộc xung đột ngoài dự tính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận