06/07/2023 06:36 GMT+7

'Quả bom hạt nhân trên cạn' ở Ukraine

Những đe dọa từ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine ngày càng hiện hữu khi gần đây các bên lên tiếng tố giác lẫn nhau về khả năng phá hoại. Nơi này chẳng khác 'quả bom hạt nhân nổ chậm' trên cạn.

Lính Nga tại một điểm kiểm soát gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh chụp ngày 15-6 vừa qua - Ảnh: REUTERS

Lính Nga tại một điểm kiểm soát gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh chụp ngày 15-6 vừa qua - Ảnh: REUTERS

Nguy cơ an toàn của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia tại Ukraine đã được cảnh báo không ít lần từ khi chiến sự nổ ra gần cuối tháng 2-2022, đặc biệt từ khi Nga chiếm giữ nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra cáo buộc hôm 22-6: "Các điệp viên Ukraine nhận được thông tin cho thấy Nga đang cân nhắc thực hiện một cuộc tấn công tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nhằm làm thất thoát phóng xạ". 

Những cảnh báo nguy cơ hạt nhân dồn dập ở Ukraine

Thêm vào đó, báo cáo của lực lượng vũ trang Ukraine hôm 4-7 vừa qua cũng cảnh báo rằng "các thiết bị nổ" đã được đặt trên nóc lò phản ứng thứ ba và thứ tư của nhà máy vào cùng ngày. Một cuộc tấn công có thể xảy ra "trong tương lai gần".

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Điện Kremlin bác bỏ cáo buộc của ông Zelensky, gọi đó là "thêm một lời nói dối nữa", đồng thời vào ngày 5-7, ông Renat Karchaa - cố vấn của người đứng đầu Rosenergoatom (công ty điều hành mạng lưới hạt nhân của Nga), tố ngược Ukraine đã lên kế hoạch thả đạn có tẩm chất thải hạt nhân xuống Zaporizhzhia.

Cũng như vụ việc ngày 6-6-2023, đập nước Kakhovka bị vỡ, lũ lụt xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại lớn cho cả một vùng bao gồm phần lãnh thổ Ukraine và cả khu vực Nga chiếm đóng. 

Cả Nga và Ukraine đều cáo buộc nhau đã gây nên thảm họa. Lũ lụt sẽ ngăn bước phản công của Ukraine, trong khi đó nó cũng phá hoại các cơ sở hạ tầng và tuyến phòng thủ của Nga trong khu vực. 

Chiến tranh là vậy, cho đến nay vẫn chưa thể xác định cụ thể nguyên nhân vụ bể đập, đấu pháp "cả hai bên đều thua" đôi khi cũng được lựa chọn để tạo một điểm dừng tạm thời, gây bất ngờ cho đối phương, nhằm triển khai những kế hoạch mới, tạo bước ngoặt cho cuộc chiến.

Thế nhưng nếu nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị phá hủy, kịch bản sẽ không chỉ là "cả hai bên đều thua", mà là cả châu Âu đều thua, thậm chí cả thế giới đều thua.

Chính Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres từng đưa ra cảnh báo ngày 18-8-2022: "Bất kỳ thiệt hại tiềm tàng nào đối với nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đều là tự sát".

Nguy cơ thảm họa hạt nhân của Zaporizhzhia sẽ "gấp 10 lần Chernobyl", ngoại trưởng Ukraine từng đưa ra tính toán như thế với nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.

Nếu một trong những tố cáo qua lại gần đây giữa Ukraine và Nga trở thành hiện thực thì đây sẽ là một cuộc khủng bố hạt nhân, điều chưa từng xảy ra đối với nhân loại.

Phát đoàn của IAEA kiểm tra gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh chụp ngày 15-6 vừa qua - Ảnh: REUTERS

Phát đoàn của IAEA kiểm tra gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh chụp ngày 15-6 vừa qua - Ảnh: REUTERS

Thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới Chernobyl ở miền bắc Ukraine đã xảy ra vào năm 1986. Hơn 350.000 người phải di tản, và đám mây phóng xạ đã lan khắp châu Âu.

Một bản báo cáo năm 2005 tại Hội nghị Chernobyl, dưới quyền lãnh đạo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thống kê có 56 người chết ngay lập tức; 47 công nhân và 9 trẻ em bị ung thư tuyến giáp, và ước tính rằng có khoảng 9.000 người, trong số gần 6,6 triệu, cuối cùng sẽ chết vì một loại bệnh ung thư nào đó.

Riêng tổ chức Hòa bình xanh ước tính tổng số người chết là 93.000, nhưng đã ghi chú thêm trong bản báo cáo của họ rằng: "Những con số được đưa ra gần đây nhất cho thấy chỉ riêng ở Belarus, Nga và Ukraine, vụ tai nạn có thể đã dẫn tới cái chết thêm của khoảng 200.000 người trong giai đoạn từ 1990 - 2004".

Nếu Zaporizhzhia bị tấn công và phát nổ

Nằm trên bờ sông Dnipro, cách thủ đô Kiev của Ukraine khoảng 550km về phía đông nam và cách nhà máy hạt nhân Chernobyl khoảng 525km về phía nam, Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu và là một trong 10 nhà máy lớn nhất thế giới. 

Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), nhà máy Zaporizhzhia có 6 lò phản ứng làm mát bằng nước trước đây do Liên Xô thiết kế. Nhà máy có tổng công suất khoảng 6.000MW, chiếm 1/4 sản lượng điện của Ukraine và cung cấp điện cho khoảng 4 triệu hộ gia đình.

Kể từ tháng 3-2022, Nga đã kiểm soát nhà máy điện hạt nhân này, tuy nhiên các kỹ thuật viên của Energoatom, tập đoàn năng lượng hạt nhân quốc gia Ukraine, vẫn đang làm việc và vận hành nhà máy.

Zaporizhzhia được thiết kế hiện đại và an toàn hơn Chernobyl, đồng thời cũng được bảo vệ bởi một hệ thống ngăn chặn thứ cấp bằng bê tông vững chắc, được thiết kế để có thể chịu được động đất, các vụ nổ hoặc một chiếc máy bay cỡ nhỏ đâm vào. 

Thế nhưng nếu bị tấn công một cách cố ý bằng các loại vũ khí hiện đại như tên lửa, thì chuyện cho nó nổ tung là điều hết sức đơn giản, và không ai có thể tưởng tượng nổi 1.200 tấn nhiên liệu hạt nhân hiện đang lưu trữ ở đây sẽ phát tán đi đâu về đâu. 

Và khi phóng xạ phát tán ra, nó là nỗi sợ hãi, ám ảnh cho rất nhiều người, cho toàn thể châu Âu và các vùng Trung Đông, Bắc Phi. 

Thiệt hại về nhân mạng, kinh tế, môi trường là không thể tưởng tượng nổi, đồng thời nó sẽ ảnh hưởng kéo dài trong rất nhiều thập kỷ.

Nếu nhà máy điện Zaporizhzhia bị tấn công, chất phóng xạ sẽ phát tán theo hai con đường chính là nước và không khí.

Do vị trí ở cạnh sông Dnipro nên toàn bộ lưu vực sông và hồ chứa Kakhovka có thể bị nhiễm xạ, đe dọa về lâu dài tính mạng con người và nền nông nghiệp địa phương hàng 100km lân cận.

Đáng sợ hơn chính là đường phát tán bằng không khí, Ukraine, Nga, Belarus chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. 

Thế nhưng, do vị trí địa lý Zaporizhzhia nằm giữa lục địa, nên tùy thuộc vào hướng gió lúc phát nổ mà khu vực lân cận nào của châu Âu, Bắc Phi hay Trung Đông sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Điều này thì không ai có thể đoán định được, và bất kể gió có thổi theo hướng nào thì cũng có khu vực bị ảnh hưởng.

Cuộc diễn tập quy mô lớn của Ukraine về khả năng xảy ra tấn công nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Cuộc diễn tập diễn ra ngày 29-6 vừa qua ở nhiều địa điểm gần khu vực - Ảnh: REUTERS

Cuộc diễn tập quy mô lớn của Ukraine về khả năng xảy ra tấn công nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Cuộc diễn tập diễn ra ngày 29-6 vừa qua ở nhiều địa điểm gần khu vực - Ảnh: REUTERS

Khả năng hạ nhiệt có không?

Trong mấy tháng gần đây, theo tuần báo Express của Pháp đưa tin, chính quyền Ukraine không ngừng nhắc nhở người dân cách phòng tránh phóng xạ như "bít kín cửa ra vào và cửa sổ, cởi bỏ quần áo đã tiếp xúc với không khí, làm sạch da với nước và đợi các hướng dẫn trên đài phát thanh coi nếu phải di tản hoặc uống i ốt".

Và gần đây nhất ngày 29-6, chính quyền Kiev đã tiến hành một cuộc diễn tập quy mô lớn đầu tiên dành cho công chức, nhân viên cứu hộ, cảnh sát và bệnh viện ở các khu vực Kherson, Mykolaiv, Dnipro và Zaporizhzhia với tình huống giả định là nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị tấn công.

Về phía Ukraine, hơn ai hết họ hiểu thảm họa phóng xạ hạt nhân là gì qua sự cố Chernobyl năm 1986, cho nên nếu những lời Nga tố là đúng thì rõ ràng Kiev đang chơi một ván bài quá nguy hiểm. 

Hoặc là Tổng thống Zelensky và cộng sự đang muốn dùng con át chủ bài, tạo một áp lực đối với hội nghị thượng đỉnh NATO 2023, dự kiến diễn ra trong hai ngày 11 và 12-7 tới ở Vilnius (Litva), để có thể chấp nhận kết nạp Ukraine vào NATO.

Còn về phía Nga, năm 1986 thì Ukraine vẫn nằm trong Liên bang Xô viết, họ cũng nắm được toàn bộ thông tin về thảm họa Chernobyl, nên nếu Nga cho nổ Zaporizhzhia thì kịch bản "trạng chết chúa cũng băng hà" là điều không thể tránh khỏi. 

Và với những cáo buộc "khủng bố hạt nhân" sẽ đẩy cuộc chiến leo thang không chỉ với Ukraine mà gần như với toàn bộ khối NATO, vì những ảnh hưởng của phóng xạ lên các nước này là chắc chắn không thể bàn cãi. 

Cho nên những cáo buộc của Ukraine cũng cần được xem xét lại một cách nghiêm túc.

Thật ra, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia từng là điểm nóng từ năm ngoái và cũng có những cáo buộc của hai bên tương tự. 

Cho nên sự chuẩn bị đối phó với tình huống xấu nhất chắc chắn sẽ không thừa, và các nhà lãnh đạo quốc gia trên thế giới có lẽ cũng đang làm việc hết công suất để hạ nhiệt các bên. 

Bởi vì, một khi chiêu "lưỡng bại câu thương" được tung ra, thế giới sẽ lần đầu nếm trải cái gọi là tội ác khủng bố hạt nhân, khởi đầu cho một bi kịch, thảm họa không tài nào đong đếm hết được.

Tổng thống Putin xác nhận đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở BelarusTổng thống Putin xác nhận đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus

Ông Putin xác nhận đã triển khai lô vũ khí hạt nhân chiến thuật đầu tiên tại Belarus, đồng thời nói sẽ tiêu diệt mọi máy bay F-16 viện trợ cho Ukraine.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp