31/10/2011 07:10 GMT+7

Qantas phải bay lại

HẠNH NGUYÊN
HẠNH NGUYÊN

TT - Theo BBC, ngày 30-10 Tòa án lao động ở Úc đã ra lệnh phải chấm dứt vĩnh viễn tranh chấp giữa ban điều hành Hãng Qantas và ba tổ chức công đoàn. Giám đốc điều hành Qantas Alan Joyce cho biết sẽ cho bay lại trong vòng vài giờ sau khi có lệnh của tòa án.

l4bmYUIG.jpgPhóng to
Một máy bay của Qantas tại sân bay quốc tế Sydney ngày 30-10 - Ảnh: AFP

Trước đó, Hãng hàng không quốc gia Úc Qantas ngừng toàn bộ các chuyến bay từ ngày 29-10 đã ảnh hưởng không chỉ tới ngành hàng không mà còn cả nền kinh tế Úc cùng sự nghiệp chính trị của bà thủ tướng. Qantas đã quyết định ngừng lập tức các chuyến bay quốc nội và quốc tế cho đến khi tranh chấp xã hội vốn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của hãng từ nhiều tuần qua còn chưa được giải quyết.

Chết dần chết mòn

Theo luật sư phiên điều trần giảng hòa tại tòa án lao động được tổ chức khẩn cấp ngày 30-10 nhằm giải quyết tranh chấp giữa ban điều hành và nghiệp đoàn của Hãng Qantas, mỗi giờ Qantas ngừng bay là nền kinh tế Úc bị thiệt hại hàng chục triệu USD. Nhưng Hãng Qantas cho biết các cuộc đình công từ nhiều tuần qua đã gây thiệt hại cho Qantas mỗi tuần khoảng 16 triệu USD và hãng muốn tòa án yêu cầu các nhân viên ngừng đình công mãi mãi.

Từ nhiều tuần qua, các kỹ sư, nhân viên điều hành dưới mặt đất và các phi công đã lãn công, đình công để đòi tăng lương và phản đối kế hoạch tái cấu trúc của Qantas. Từ tháng 8-2011, do những khó khăn nghiêm trọng, Qantas đã thông báo ý định cắt giảm 1.000 nhân viên trong số 35.000 người và thành lập hai hãng hàng không mới ở châu Á. Tình trạng lãn công, đình công, từ chối không làm thêm giờ phụ trội đã khiến khoảng 600 chuyến bay bị chậm trễ hay bị hoãn và 70.000 hành khách bị ảnh hưởng trong những tuần qua.

Ông Alan Joyce, 45 tuổi, nắm quyền ở Qantas từ năm 2008, sau khi thành lập Hãng hàng không giá rẻ Jetstar năm 2003. Quyết định dừng toàn bộ đội bay là một canh bạc lớn của ông. “Chúng tôi đang chết dần chết mòn, vì vậy cần phải hành động một cách cực đoan” - ông nói với kênh Sky News ngày 30-10.

Ông Alan Joyce cho rằng chính vì những yêu cầu phi lý từ các nghiệp đoàn đã buộc ông phải có hành động cực đoan như vậy. “Họ thực hiện những kế hoạch rất gây hại, ảnh hưởng tới chiến lược và thương hiệu của hãng”.

Các nghiệp đoàn đều tỏ ra thất vọng trước quyết định của ông Alan Joyce. Phi công trưởng Richard Woodward, phó chủ tịch Hiệp hội phi công Úc và quốc tế, nói: “Alan Joyce đang cầm con dao gí vào cổ họng của cả quốc gia”. Steve Purvinas, thư ký liên bang của Hiệp hội các kỹ sư máy bay Úc - một trong ba nghiệp đoàn liên quan tới cuộc tranh chấp hiện nay ở Qantas, nhận định: “Tôi nghĩ đó là một giải pháp cực đoan đối với bản thân tổng giám đốc điều hành và hãng hàng không, nếu chúng ta phải hoãn toàn bộ các hoạt động hàng không trong ba tuần tới”.

Tuy nhiên, Geoffrey Thomas, phóng viên phụ trách lĩnh vực hàng không của tờ West Australian, lại cho rằng ban giám đốc Qantas đã hành động trong sự tuyệt vọng. “Đây là một bước ngoặt đáng sửng sốt, cho dù tôi không tin hãng này có lựa chọn nào khác, ngoài việc phải hành động như vậy, vì với những yêu cầu mà các nghiệp đoàn đưa ra thì ban giám đốc của Qantas không thể thực hiện được”. Vì vậy, quyết định dừng bay là “rất khủng khiếp cho khách hàng”, nhưng đằng nào rồi cũng sẽ khủng khiếp, vì nếu không hành động hãng sẽ tiếp tục “chảy máu đến chết”.

Ảnh hưởng tới cả quốc gia

Danh tiếng về độ tin cậy và an toàn trong 90 năm qua của Qantar - hãng hàng không lớn thứ 10 thế giới và chiếm 65% thị phần Úc - đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi 400 chuyến bay bất ngờ bị hủy. Tờ Adelaide Advertiser bình luận vụ này là “một cú đấm vào niềm tự hào dân tộc, một nỗi đau cho những hành khách bị ảnh hưởng và một thách thức cho quan hệ lao động”.

Việc ngưng các chuyến bay đe dọa ngành du lịch Úc trị giá 35 tỉ USD mỗi năm. Cổ phiếu của Qantas đã giảm giá 1,59% vào phiên đóng cửa ngày 28-10. Nhà kinh tế tài chính của CommSec Craig James nhận định nhiều cổ đông Qantas sẽ bán cổ phiếu của mình vào hôm nay 31-10. “Chắc sẽ không có nhiều người muốn mua, mà lại có nhiều người muốn bán, hoặc ít ra giảm số cổ phiếu mà họ đang giữ” - ông nói.

Thủ tướng Úc Julia Gillard đang chịu áp lực chính trị lớn do ảnh hưởng về kinh tế từ việc Qantas quyết định dừng bay. Bà bị chỉ trích đã không hành động sớm để giải quyết từ đầu. Tony Abott, thủ lĩnh đảng Bảo thủ, cho rằng vì chính phủ không hành động nên hành khách đã chịu hậu quả. “Chính phủ có quyền để giải quyết. Thủ tướng nên sử dụng quyền này và đưa máy bay trở lại bầu trời càng sớm càng tốt”.

HẠNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp