BSR tiến hành xét nghiệm PCR cho nhân sự trực tiếp sản xuất 2
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh thế giới, trong nước xuất hiện chùm ca bệnh lây nhiễm COVID-19 bùng phát trong cộng đồng, PVN cho hay các đơn vị đã tập trung theo dõi rất chặt chẽ, kích hoạt các giải pháp ứng phó theo các kịch bản khác nhau, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
Theo đó, PVN đã tổ chức họp giao ban trực tuyến tại 8 điểm cầu trong cả nước doTổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chủ trì. Cuộc họp đã đánh giá diễn biến mới tình hình dịch bệnh, rủi ro, biến động để triển khai các giải pháp ứng phó, nỗ lực nhiều hơn nữa duy trì nhịp độ SXKD.
Chủ động phương án, kết hợp nhiều biện pháp
Với các chỉ thị được ban hành, Tập đoàn yêu cầu các đơn vị rà soát cơ sở vật chất, nhân lực, điều kiện, trang thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh tại cơ sở, những điểm tập trung đông người như giàn khoan, nhà máy, công trường. Có phương án chống dịch, sẵn sàng ứng phó các tình huống, kết hợp làm việc, họp trực tuyến, thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, ứng trực 24/7 để chủ động tình huống.
Petrovietnam phối hợp với bộ y tế tiêm vắc xin covid cho người lao động
Đơn cử tại Vietsovpetro đã siết chặt khai báo y tế, xét nghiệm sàng lọc với người đến từ vùng dịch. Hay tại PVEP rà soát, kiểm tra, đảm bảo ngăn ngừa dịch bệnh lây lan tại nơi làm việc và các công trình dầu khí ngoài khơi, có gói dịch vụ tư vấn/hỗ trợ y tế và an ninh an toàn cho cán bộ biệt phái tại dự án Algeria, thực hiện lập các đội phản ứng nhanh…
Đối với các dự án, công trình khí của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), tuân thủ nghiêm ngặt, đảm bảo nhịp độ lao động, phòng để giảm bớt hậu quả.
Tại địa phương có ca nhiễm, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) kích hoạt Tình huống khẩn cấp cấp 1, lấy mẫu xét nghiệm để sàng lọc cho kết quả âm tính. Bố trí nơi ở cho nhân sự để ứng phó trường hợp khẩn cấp, đảm bảo lương thực cho ít nhất 30 ngày.
CBCNV nhà máy đạm Phú Mỹ đeo khẩu trang trong suốt quá trình tiến hành bảo dưỡng tổng
Đối với Nhà máy Đạm Phú Mỹ (Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - PVFCCo) đang trong quá trình bảo dưỡng tổng thể, có sự tham gia của một số chuyên gia đến từ nước ngoài, các biện pháp phòng chống dịch "nhiều vòng, nhiều lớp" được thực hiện. Đơn cử như bố trí phòng làm việc riêng cho chuyên gia, theo dõi y tế hàng ngày, hạn chế tiếp xúc, chủ yếu giao tiếp qua bộ đàm, điện thoại…
Tại PV Power, PVDrilling, PTSC, PVCFC, BIENDONG POC, Sông Hậu 01… cũng đưa ra nguyên tắc "nhiều vòng, nhiều lớp" để có thể kiểm soát chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn, hạn chế thấp nhất các nguy cơ. Các công xưởng do hoạt động sản xuất ngày đêm, nhân sự ra vào liên tục nên các biện pháp phòng chống dịch càng được thực hiện nghiêm ngặt…
Tiên phong tiêm phòng cho cán bộ, nhân viên
PVN cho hay, người lao động dầu khí hiện diện trên khắp các lục địa, vùng biển, từ sa mạc Sahara, Qatar đến Nga, Peru, Malaysia, Camphuchia… việc đổi ca rất khó khăn, Ban lãnh đạo PVN đặc biệt chú trọng bảo đảm gìn giữ an toàn lao động, tránh để yếu tố tâm lý.
Người lao động trên các công trình khí
Trong năm 2020, những tháng đầu năm 2021, hàng nghìn người lao động dầu khí đã và đang bị kẹt lại ở nước ngoài như cán bộ biệt phái PVEP. Nhiều cán bộ kẹt giữa sa mạc Sahara đầy khắc nghiệt, những thuyền viên trên các con tàu của PVTrans kẹt trên các vùng biển quốc tế, tàu PTSC Hải Phòng bị kẹt lại nhiều tháng trời tại Malaysia khi đất nước này đóng cửa biên giới...
Lãnh đạo PVN cho hay không ít hoàn cảnh mang những nỗi niềm xa gia đình, thậm chí có những người con không kịp về nhìn cha mẹ già lần cuối. Họ đã phải nén đau thương, tự mình vượt qua những ngày tháng khó khăn nơi xứ người xa lạ. Do đó, việc động viên, cổ vũ tinh thần, ưu tiên chế độ tiền lương và phụ cấp để tiếp thêm tinh thần, nghị lực…
Trong bối cảnh ứng phó đại dịch, tập đoàn vẫn tổ chức chương trình nghĩa tình
Đến nay, mặc dù cơ bản "kiểm soát được tình hình", nhưng Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, nguy cơ dịch bệnh rất cao, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Dịch bệnh lần sau khó khăn, phức tạp, diễn biến khó lường hơn lần trước, hậu quả nặng nề hơn, cách xử lý khó khăn hơn, tác động xấu hơn. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu chuyển trạng thái chống dịch từ "phòng ngự sang chủ động tấn công".
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tiêm vắc xin phòng chống COVID-19, PVN đã làm việc với Bộ Y tế tiến hành triển khai tiêm vắc xin cho cán bộ công nhân viên, trở thành một trong những đơn vị kinh tế đầu tiên trên cả nước triển khai tiêm vắc xin cho cán bộ, nhân viên.
Hi sinh chỗ ngồi, nhường chỗ cho anh em trẻ trong chuyến giải cứu
Anh Lê Bá Tuấn, hiện đang làm việc cho dự án khai thác dầu khí của Tập đoàn/PVEP tại Algeria, là một trường hợp điển hình. Anh đã không thể trở về Việt Nam kể từ tháng 2-2020, ngày đi cũng là thời điểm bùng phát dịch COVID đợt 1, anh hy vọng chậm vài ca làm việc rồi sẽ được về thăm nhà.
Thế nhưng, diễn biến nghiêm trọng tại châu Âu và một số nước Bắc Phi, trong đó có Algeria, đã khiến tình hình thay đổi, các nước dừng bay quốc tế, một số nước đóng cửa biên giới. Anh Tuấn và tất cả anh em Việt Nam tại dự án đều không về được.
Bế tắc kéo dài cho đến tháng 7-2020, Chính phủ bố trí được chuyến bay giải cứu công dân xuất phát từ Pháp, vì vậy anh em dự án mới có cơ hội trở về. Ngặt nỗi, số chỗ ngồi có hạn, là lãnh đạo, lại nhiều tuổi nhất, từng nhiều năm công tác xa nhà, anh Tuấn đã ở lại, nhường cơ hội cho anh em trẻ hơn dù lòng anh đau đáu khi nghĩ đến gia đình vợ ốm, cha già đã gần đất xa trời.
Đó cũng là cơ hội duy nhất để đưa người Việt ở Algeria trở về trong cuộc giải cứu công dân của Chính phủ. Đó cũng là sự hy sinh thầm lặng của rất nhiều người Dầu khí trong đại dịch!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận