Ulyses, người trở về từ Nhật Bản để đưa gia đình mình ra khỏi Tacloban - Ảnh: T.Tuấn |
Hướng về Tacloban
Bầu trời xám xịt, trũng nước. Khung cảnh tan hoang điêu tàn trông thật bi thảm. Mọi người đang hướng về Tacloban với cả niềm khổ đau lẫn hy vọng nhỏ nhoi…
Ở thành phố biển đổ nát Ormoc, anh Ramon, người cha của hai đứa trẻ cũng đang tuyệt vọng. “Mới tuần trước, tôi còn gặp hai người anh của mình trong này. Nhưng giờ không biết họ có còn sống hay không. Chuyện gì đã xảy ra? Chuyện gì đã xảy ra?” - người đàn ông đau khổ nói chuyện với tôi mà đôi mắt đỏ hoe ngước nhìn lên trời. Anh đang hòa cùng dòng người tìm đường đến nơi tâm bão vừa gieo rắc sự hủy diệt kinh hoàng.
Hai anh trai của Ramon vào làm du lịch ở Tacloban. Còn người em thì chở hàng hóa từ Ormoc vào. Tuần nào họ cũng gặp nhau ít nhất một lần, thế mà...
Suốt mấy ngày qua, Ramon đã tính vào nơi tâm bão đi qua bằng đường bộ nhưng được khuyên nên cẩn thận, cha mẹ anh cũng khuyên như thế. Tình hình phức tạp và nguy hiểm ở Tacloban có thể làm họ mất thêm đứa con trai cuối cùng. Quay mặt đi để giấu đôi mắt đỏ đẫm nước, Ramon nói dù gì hôm nay mình cũng sẽ vào Tacloban bằng mọi giá. Hai anh và cả những người khác đang rất cần những chai nước, thức ăn và thuốc men.
Ở bến cảng Cebu và Ormoc, chúng tôi cũng bắt gặp nhiều gương mặt trĩu nặng nỗi lo lắng, đau khổ hướng về Tacloban. Nhiều người đang ngóng đợi tin tức người thân. Nhiều người như Ramon cố tìm cách vào nơi tâm bão hủy diệt. Họ bàn nhau cách đi nhóm đông, hóa trang thành những người như cũng vừa hứng chịu bão, chẳng có gì để cướp cả. Tuy nhiên, điều lúng túng là những túi đồ tiếp tế cho người thân (nếu may mắn còn sống) chẳng biết giấu vào đâu. Bởi chúng mới chính là những thứ người dân ởTacloban đang tuyệt vọng trông đợi. Và đó cũng là nguyên nhân hiểm nguy!
Phóng to |
Xót xa vào vùng Tacloban tìm người thân - Ảnh: T.Tuấn |
May mắn hơn Ramon, Ulyses C. Villasin nhớ mãi cuộc gọi cuối cùng của vợ anh lúc 7g58 sáng 8-11 khi Yolanda (tên của cơn bão Haiyan ở Philippines) vừa đổ bộ vào Tacloban. “Bão đến rồi. Gió lớn quá, em tưởng đang ngồi sau động cơ phản lực vậy", đó là lời cuối cùng vợ Villasin nói với anh. Rồi điện thoại đứt liên lạc và anh không biết thêm gì nữa.
“Tôi gọi vô số lần nhưng không thể nào liên lạc với nhà kể từ đó,” Villasin nói với phóng viên Tuổi Trẻ khi đang trên đường tìm đường đến Tacloban. Villasin, người đang làm cho Mitsubishi tại Nagasaki, nói những ngày sau đó là chuỗi địa ngục. “Mỗi ngày tôi chỉ ngủ chừng một tiếng. Tôi gọi liên tục mà không liên lạc được, tôi không hiểu tình hình vợ và cậu con trai 7 tuổi của mình thế nào”.
Chỉ đến 2g sáng 10-11, anh mới nghe được thông tin từ một người bạn làm cảnh sát gọi điện thoại bằng vệ tinh báo với anh là “vợ con anh an toàn, họ vẫn còn sống". Đến lúc đó, Villasin đang trên đường ra sân bay để về Tacloban. “Tôi muốn đưa gia đình ra khỏi đó. Có thể ngay hôm nay khi tôi về đến nhà. Đó là điều duy nhất có thể giúp tôi yên lòng".
Villasin đi cùng một cô em họ Dinah Lyn Whate, người mới rời Tacloban được hai tháng để làm nghề dược tại Iloilo. “Tôi sống ở đó 22 năm nhưng nhìn video thành phố, tôi không còn nhận ra nó nữa" - Whate, 23 tuổi, nói. “Đó không còn là thành phố mà tôi có cả ký ức tuổi trẻ của mình. Người thân vừa gọi cho tôi. Họ nói họ an toàn nhưng có thể sẽ chết đói” - Whate nói. “Tôi rất lo cho đứa cháu 9 tuổi của mình. Người lớn còn nhịn đói được, đứa bé thì kiếm đâu ra sữa mà sống". Tacloban trong ký ức của Whate là thành phố ven biển nhỏ, luôn luôn thanh bình và lặng lẽ, thế mà...
Phóng to |
Ở trạm bán vé - Ảnh: T.Tuấn |
Nghẹn buồn trên bến cảng, Alipio Felipe M.Garrado khàn giọng kể với chúng tôi rằng mình vừa về Cebu sau chuyến bay 15 tiếng từ Doha, Qatar. Mắt đỏ ngấn nước, anh nói chỉ muốn sớm về nhà. “Tôi có vợ và bốn đứa con nhỏ. Tôi sẽ chỉ yên tâm khi thấy được mặt chúng. Không nghe tin tức gì khiến tôi rất bức bối". Còn Jerry Ligutan, 27 tuổi, cũng đang cố trở về để xem cậu con trai mới 3-4 tuổi của mình có bình yên không. Cô đã gần như không thể ăn ngủ được gì suốt mấy ngày qua. Mỗi lần có màn ảnh ti vi, cô đau khổ dán mắt tìm kiếm hình ảnh đứa con yêu thương của mình trong bão tố.
Tacloban hoàn toàn thành bình địa
“Chúng tôi cả đời sống với bão lũ, nhưng cơn bão này vượt quá mọi tưởng tượng của mọi người,” Villasin buồn rầu tâm sự. Tacloban, thủ phủ của tỉnh Leyte giờ hoàn toàn thành bình địa. Cả thành phố giờ chỉ còn là những khu phố vô hình dạng, những tòa nhà bị kéo đổ, nát vụn. Tất cả tang hoang, chết chóc như bãi chiến trường với nỗi khổ đau và tuyệt vọng. “Chúng tôi có sân vận động trong nhà mà chính quyền khuyên mọi người tới đó để trú ẩn. Cuối cùng thì tòa nhà đổ sụp và mọi người trong đó đều thiệt mạng. Nếu sân vận động mà còn sụp đổ thì cái gì có thể sống sót?” Whate đau đớn nói.
Tacloban không còn thanh bình nữa. Các khu phố đang trở thành địa điểm của nhiều nhóm hôi của cướp bóc. “Thị trưởng thành phố đã chạy bão thì còn ai đảm bảo được tình hình?". Người dân may mắn còn sống kể lại rằng chính vợ chồng ông thị trưởng cũng phải mặc những thứ đồ vơ lượm được, vì nhà họ chẳng còn gì sau bão. Nhiều người cũng đang lục tìm những đồ hộp còn sót lại từ đống đổ nát và cả từ những thi hài với ruồi bu đầy người.
Ở nhiều nơi khác, dân Tacloban sử dụng các biện pháp quyết liệt hơn để kiếm đồ ăn khi hầu hết lực lượng an ninh không còn đó. Rất nhiều người thừa nhận họ đã không ăn kể từ khi cơn bão ập vào thứ 6 tuần trước, còn chính quyền thì nói họ không chuyển đủ đồ cứu trợ tới thành phố. Một số người đột nhập vào cửa hàng bằng cách đập phá cửa kính, một số khác bẻ hàng rào thép gai để đột nhập.
Thành phố có hơn 3.000 cảnh sát nhưng chỉ có chưa đầy 10% đến làm việc, số còn lại đều bận tìm kiếm người thân mất tích hay lo cho những người thương vong. Chính quyền ban đầu gửi 120 lính và đến giờ tăng thêm là 300 lính nhưng tình hình không hề cải thiện. Ngay lực lượng cứu trợ khi vào thành phố cũng bị cướp và tấn công. Thành phố hầu như đã biến mất sự trật tự của con người văn minh.
Các chủ ngân hàng, cửa tiệm may mắn còn sống sót đang cố gắng “tử thủ” với súng ống lăm lăm trong tay để không bị cướp. Họ chưa thể rời đi vì một lần nữa sẽ lại mất trắng. Rồi nhiều người cũng đành bất lực. Có chủ cửa hàng giương súng cản những người hôi của. Nhưng chỉ chốc lát, ông không thể làm gì trước làn sóng người xông vào hôi của. Nước ở đó giống như vàng. Thực phẩm thì dù có tiền cũng không thể mua được nữa. “Tacloban sẽ không bao giờ trở lại được. Dù họ có sống thì cũng không bao giờ xây lại được thành phố như xưa. Các trường học có 1-2 năm nữa cũng chẳng thể hoạt động trở lại"- Whate tuyệt vọng tâm sự.
Trong dòng người vào Tacloban với chúng tôi chỉ có một số ít hy vọng gặp được người thân còn sống, còn nhiều người chỉ để tìm kiếm thi hài ruột thịt của mình. “Tôi đã khóc khi nhìn thấy xác của cô bạn học trên truyền hình hôm chủ nhật. Người em của cô đang gục khóc đau đớn” - Whate nghẹn giọng.
Cùng hành trình đau đáu lo âu, tuyệt vọng lẫn tia hy vọng nhỏ nhoi với các bạn Philippines, tim chúng tôi cũng trĩu nặng nỗi buồn. Cũng như các bạn, những người đến từ đất nước hình cánh chim trước biển, chúng tôi đã quá thấu cảm thế nào là bão tố và sự đau khổ nó gieo xuống cho con người.
Mây đen trên trời vẫn đang vần vũ kéo tới, trút nước xuống những mặt người khổ đau đang đầm đìa nước mắt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận