Đồng hồ đo áp suất trên cổ bình dạng bột
Chương trình được sản xuất với mục tiêu đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các quy định pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành của người dân về phòng cháy, chữa cháy; Tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng để cán bộ, Đảng viên và nhân dân làm tốt việc phòng chống cháy nổ, kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm, chủ động phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại, hậu quả do cháy nổ gây ra; Kịp thời phát hiện và phản ánh về những vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy.
Với mong muốn mang đến cho khán giả những thông tin hữu ích, Ban biên tập Thời sự - Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội luôn cập nhật nóng hổi nhất những thông tin về các vụ việc hỏa hoạn, về công tác đảm bảo an toàn trong phòng cháy, chữa cháy trong địa bàn thành phố cũng như chia sẻ những thông tin hữu ích về kỹ năng phòng cháy chữa cháy.
Số phát sóng mới đây của chương trình đã ôn lại cho khán giả xem Đài một số kiến thức về phòng cháy chữa cháy cần ghi nhớ trong việc sử dụng bình chữa cháy để đảm bảo an toàn cho bản thân và cho mọi người.
Hiện nay, các cơ sở, hộ dân thường trang bị hai loại bình chữa cháy xách tay để sử dụng trong thời điểm ban đầu nếu bất ngờ có hỏa hoạn xảy ra, đó là bình bột và bình khí.
Để phân biệt hai loại bình này thì có một cách rất đơn giản mà chuyên gia có hướng dẫn là chúng ta có thể phân biệt thông qua cấu tạo của bình: có đồng hồ đo áp suất trên cổ bình đó là dạng bình bột; còn không có đồng hồ đó là dạng bình khí.
Bình bột là dạng bột muối nhẹ có gốc hóa học là NaHCo3; còn bình khí là CO2 được nén áp suất cao dưới dạng lỏng và có nhiệt độ rất lạnh ở trong bình. Hai loại bình này có cách sử dụng khác nhau và chúng ta cần phải nắm được để phòng có trường hợp hỏa hoạn xảy ra tại cơ sở hay nơi ở của mình.
Để sử dụng dạng bình bột ta cần lưu ý: vì là dạng bột muối nhẹ nên khi để lâu trong bình nó sẽ bị vón cục, do đó trước khi sử dụng cần phải xóc lắc bình để làm tơi bột. Cách sử dụng: một tay giữ cổ bình, một tay rút chốt bình theo phương ngang với một lực rút nhẹ nhàng là đủ.
Rút chốt bình bột trước khi sử dụng
Sau khi rút chốt, hướng loa phun vào đám cháy và bóp van, bóp dứt khoát để bột ra liên tục tới khi nào đám cháy được dập hoặc tới khi bột hết. Chỉ cần đứng cách đám cháy 3-4m khi sử dụng bình bột để dập lửa.
Đối với bình khí CO2, cách rút chốt cũng tương tự như bình bột. Lưu ý, đối với bình dạng khí này áp suất trong bình rất cao nên khi thực hiện phun không được cầm tay trực tiếp vào loa phun mà cần cố định loa bằng một ốc vít ở cổ bình. Khi sử dụng bình khí để dập lửa thì cần đứng ở vị trí càng gần đám cháy càng tốt.
Cố định loa phun bình khí bằng ốc vít ở cổ bình
Hãy nắm rõ những kỹ năng này cho bản thân và chia sẻ cho người thân trong gia đình để tự cứu lấy mình và cứu người khác trong tình huống bất trắc xảy ra.
Hãy thường xuyên đón xem chương trình "An toàn phòng cháy, chữa cháy" vào lúc 07h20 thứ 7 hàng tuần và phát lại vào 14h50 thứ 3 và 07h40 thứ 4 tuần kế tiếp trên Kênh 1 - Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội với sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) để cập nhật cùng chúng tôi những tin tức và nâng cao kỹ năng trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận