Mới đây, ngày 12-12-2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ (bổ sung lần 3) cho Công ty CP tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) với quy trình tích hợp BIM - GIS trong hoạt động xây dựng và cơ sở hạ tầng.
"Đi đầu" chuyển đổi số
Portcoast cũng là đơn vị đầu tiên đến nay được Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận với các sản phẩm công nghệ hiện đại sau như: Quy trình xây dựng bình đồ khảo sát địa hình cho dự án khảo sát ứng dụng công nghệ 3D Laser Scanning; quy trình xây dựng mô hình số 3D cho hiện trạng công trình ứng dụng công nghệ 3D Laser Scanning.
Ngoài ra, Portcoast cũng thành công ứng dụng quy trình xây dựng mô hình thông tin BIM và H-BIM cho công trình và công tác bảo tồn di sản; quy trình ứng dụng công nghệ trực quan hóa (VR, AR, MR) giám sát chất lượng công trình. Đặc biệt là quy trình công nghệ Mobile Mapping trong công tác số hóa hiện trạng công trình, cơ sở hạ tầng và quy trình tích hợp BIM - GIS trong hoạt động xây dựng và cơ sở hạ tầng...
Trước đó, từ năm 2016, Portcoast đã bắt đầu triển khai chuyển đổi số và ứng dụng BIM-GIS từ yêu cầu của các dự án quốc tế.
Ông Phạm Anh Tuấn - tổng giám đốc Portcoast - chia sẻ mới đây tại hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhắc đến việc phát minh trong đời sống (3D, robot và tự động hóa, công nghệ thực tế ảo - VR và thực tế tăng cường - AR); công nghệ Blockchain, Internet vạn vật (IoT); thông tin địa lý.
"Ở Portcoast đang có các sản phẩm công nghệ tiên tiến là minh chứng cho sự quyết tâm trong việc ứng dụng khoa học công nghệ để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Riêng việc kết hợp mô hình thông tin công trình trên nền tảng GIS đã được Portcoast áp dụng cho các dự án tại Ai Cập, UAE, Pakistan, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và rất nhiều dự án trải khắp Việt Nam. Những năm gần đây, các công nghệ này đã được áp dụng hiệu quả vào nhiều dự án tại TP.HCM", ông Tuấn nói.
Quản lý đô thị thông minh
Theo ông Tuấn, các quy trình được công ty áp dụng nói trên đặc biệt cần thiết cho các dự án trọng điểm như cảng biển, đường sắt quốc gia và phòng chống ngập lụt.
Thời gian qua, công ty thực hiện số hóa dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là một trong những công trình tiêu biểu trong quản lý đô thị thông minh và đây cũng là công trình hạ tầng đô thị đầu tiên của TP.HCM thực hiện mô hình số hóa ngang tầm với thế giới.
Portcoast thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (HURC1). Hai đơn vị phối hợp khảo sát, xây dựng mô hình số các nhà ga, đường hầm, depot... của tuyến metro số 1. Mô hình số đảm bảo phản ánh đúng 1:1 công trình thực tế cả về kích thước, thông tin, vị trí, độ sâu.
Ông Tuấn cho biết phát triển hệ thống quản lý theo hướng áp dụng BIM, GIS trong lĩnh vực vận hành, khai thác và bảo trì công trình, thiết bị của tuyến đường sắt đô thị sẽ giúp tối ưu hóa công tác vận hành, khai thác và đặc biệt là việc bảo trì, quản lý "sức khỏe" công trình.
"Số hóa còn giúp dự phòng tất cả các rủi ro có thể xảy ra qua việc mô phỏng, đưa ra các kịch bản để xử lý, bởi mô hình BIM thực chất là quản lý toàn bộ vòng đời của dự án.
Ngoài ra, BIM còn có việc tích hợp trên nền tảng GIS để sau này kết hợp tuyến metro số 1 với các tuyến metro khác cũng như với quy hoạch đô thị, quy hoạch không gian ngầm TP.HCM tiến tới xây dựng thành phố thông minh đúng nghĩa", ông Tuấn nói thêm.
Số hóa giúp dự báo thiên tai
Một lĩnh vực khác mà thiết bị công nghệ số có thể hỗ trợ đắc lực cho các nhà quản lý, đó là phòng chống thiên tai, đặc biệt là ở những khu vực có địa lý và môi trường đa dạng như Việt Nam.
Sự phát triển hiện đại của hệ thống GIS kết hợp với tàu không người lái (USV), máy bay không người lái (UAV) gắn các thiết bị kỹ thuật như photogrammetry hoặc LIDAR, cung cấp các giải pháp mạnh mẽ để hiểu, mô phỏng và giảm thiểu tác động của thiên tai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận