13/04/2018 19:10 GMT+7

Phút nói thật lý do đưa con vào nội trú của cha mẹ 'đại gia'

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Rất nhiều cha mẹ tin rằng giáo dục tốt là phải "kỷ luật sắt" và trường tốt là trường có "kỷ luật sắt" nên đã chọn nội trú như giải pháp cho đứa con khó dạy của mình.

Phút nói thật lý do đưa con vào nội trú của cha mẹ đại gia - Ảnh 1.

Học sinh một trường nội trú tại TPHCM trong giờ ôn tập, tự học - Ảnh: NHƯ HÙNG

Không ít gia đình có điều kiện hoặc có con cái khó dạy bảo nên đã chọn nội trú như một giải pháp, lấy nhà trường để thay gia đình chăm sóc giáo dục con mình. 

Liệu 'kỷ luật sắt' trong trường nội trú có giáo dục trẻ nên người?

Nội trú - giải pháp cuối

Ông N.T.M. là một công chức ở tỉnh Quảng Ngãi, gia đình có điều kiện và có một con trai duy nhất là em N.T.H. Khi H. vào cấp II trường huyện cũng là lúc em bắt đầu mê game và bị bạn bè lôi kéo.

Áp dụng nhiều biện pháp con vẫn không chịu học, vợ chồng ông M. nhiều lần cãi nhau vì con. 

Ông cho biết: "Khi đó tôi không biết cách nào cho con chịu học, nó đã có dấu hiệu sẽ hư, tiếp tục thế này thì hỏng mất. Tôi chuyển trường để cách ly con với bạn bè, nhưng sang trường mới con cũng không thay đổi".

Ráng giữ đến năm lớp 9, sang lớp 10, được bạn bè giới thiệu, ông M. cho con vào Sài Gòn học nội trú tại Trường THPT Nguyễn Khuyến. Vợ chồng ông bớt lo nghĩ nhưng sau khi tốt nghiệp ra trường, con ông... vẫn vậy. 

"Bây giờ tôi phải nhờ người thân bảo lãnh sang nước ngoài để may đâu sang đó nó có thay đổi gì không" - ông M nói.

Anh Đ.B.G. - thuộc một gia đình có bề thế kinh tế ở một huyện biển thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cũng rơi vào cảnh tương tự. Những năm tiểu học, con trai Đ.H.H. của anh ngoan ngoãn, chăm học, nhưng đến lúc lên cấp II, em gây sốc cho gia đình.

"Nào đánh nhau và công an phải vào cuộc, nào dùng điện thoại, nào chểnh mảng học, đủ các vi phạm... Thế là vợ chồng buộc lòng bàn nhau tìm giải pháp, hoặc vợ tôi bỏ việc ở công ty để theo sát con 24/24, hoặc tìm phương án là "nhốt" vô nội trú, tuyệt giao hẳn bên ngoài.

Chúng tôi đã tìm trường nội trú ở Sài Gòn cho con. Khi vào họp , từ thầy quản nhiệm nội trú cho đến cô quản nhiệm bán trú đều phàn nàn và phản ánh con tôi cứ lầm lì, học không tiến bộ", anh G. than thở.

Ảo tưởng sức mạnh… nội trú

Chuyên gia tư vấn tâm lý Ngô Minh Uy, tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý và giáo dục TP.HCM, phân tích: "Thường thì theo lối tiếp cận hiện nay, rất nhiều cha mẹ tin rằng giáo dục tốt là phải kỷ luật sắt, và trường tốt là trường có kỷ luật sắt. 

Nhưng tiếc là kỷ luật tốt là có cấu trúc hợp lý và phù hợp với học sinh chứ kỷ luật tốt không bao giờ là kỷ luật sắt. Kỷ luật sắt có vẻ là trừng phạt hơn là kỷ luật. 

Trường học có lý do để xây dựng kỷ luật sắt: đáp ứng nhu cầu của cha mẹ và được đánh giá là trường tốt, và kéo theo đó là kỷ luật để đảm bảo trẻ tốt nghiệp tốt. 

Tôi không nói là mọi đứa trẻ đều có vấn đề với chuyện kỷ luật như thế, nhưng trong cộng đồng nào cũng sẽ luôn có những đứa trẻ không hợp với kỷ luật căng thẳng như trường hợp này. 

Và chúng ta những người lớn so sánh: là do con thôi, chứ như thằng A con B kia nó vào trường và giờ rất thành công".

"Và để nhìn một trường hợp, chúng ta phải chú tâm đến cả hai ba phía: gia đình thường là điều kiện cần; trường học là điều kiện đủ; và các yếu tố khác là điều kiện kích hoạt, là "ngòi nổ". 

Trường học tin rằng mấy đứa trẻ đó vào kỷ luật của trường là thay đổi hết. Thật ra sự thay đổi hành vi phải từ cả hai phía, và trường học nghĩ thế là dạng ảo tưởng sức mạnh", chuyên gia Ngô Minh Uy nhấn mạnh thêm

Trong khi đó TS giáo dục học Võ Văn Nam (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) khuyên: "Nguyên lý giáo dục là phối hợp ba môi trường: gia đình, nhà trường, xã hội, nên phụ huynh đừng giao "khoán" theo kiểu trăm sự nhờ thầy. 

Cha mẹ có 1-2 đứa con nhưng thầy cô có đến mấy chục đứa con thì làm sao quan tâm xử lý hết được. Giáo dục không thể hoàn toàn nhờ thầy cô theo mô hình nội trú mà phải có trực tiếp dạy dỗ của cha mẹ, tình huyết thống không thể thay thế bằng tình cảm nào khác. 

Đừng ỷ lại nhà trường dù trường có vì và quan tâm học sinh nhiều đi nữa. Tuổi trẻ bên cạnh học còn vui chơi, vui mà học không phải lo mà học, sau này đuối sức không còn năng lượng học tập. Nhà trường nội trú cũng phải làm sao có tiềm lực để dạy đường dài chứ đừng vì lấy tú tài là xong".

TTO - 'Có thể nói trường nội trú như... lò rèn. Tôi phải chuyển trường cho con vì không muốn con bị rèn như thế', phụ huynh chia sẻ sau vụ nam sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến tự tử vì áp lực.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp