21/07/2021 09:31 GMT+7

Phương Tây 'vạch trần' Trung Quốc 'nuôi' tin tặc tấn công các nước và doanh nghiệp

DUY LINH
DUY LINH

TTO - 'Một nhóm đồng minh và đối tác chưa từng có - gồm Liên minh châu Âu, Anh và NATO - đang cùng Mỹ vạch trần và chỉ trích các hoạt động độc hại của Trung Quốc' - thông cáo ngày 19-7 của Nhà Trắng nhấn mạnh.

Phương Tây vạch trần Trung Quốc nuôi tin tặc tấn công các nước và doanh nghiệp - Ảnh 1.

Các nhóm tin tặc phương Tây được cho là do Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn Nguồn: Bộ Ngoại giao Anh - Dữ liệu: DUY LINH - Đồ họa: T.ĐẠT

Trung Quốc, như mọi lần, phủ nhận mọi thứ và phản pháo bằng các cáo buộc riêng. Các cơ quan đại diện ngoại giao của Trung Quốc tại 5 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) đã cùng đáp trả những cáo buộc của Mỹ và đồng minh trong ngày 20-7. 

Phái đoàn ngoại giao Trung Quốc tại Brussels (Bỉ) ám chỉ Mỹ là trùm tấn công mạng và nghe lén nhưng lại hay nói đạo lý. "Đây thực sự là những hành vi thể hiện cái gọi là đạo đức giả và tiêu chuẩn kép của họ" - cơ quan này chỉ trích.

"Trung Quốc nuôi dưỡng tập đoàn tin tặc"

"Những hành vi vô trách nhiệm của CHND Trung Hoa trong không gian mạng không phù hợp với mục tiêu đã nêu của nước này là muốn được coi như một lãnh đạo có trách nhiệm của thế giới" - thông cáo Nhà Trắng viết. 

"Chúng tôi lo ngại sâu sắc Trung Quốc đã nuôi dưỡng một tập đoàn tình báo gồm các tin tặc làm theo hợp đồng và tiến hành các hoạt động không gian mạng trên toàn cầu".

Anh và một số nước khác cũng ra tuyên bố riêng, cùng cáo buộc chính quyền Bắc Kinh hỗ trợ các nhóm tin tặc khét tiếng đã tấn công mạng các doanh nghiệp và chính phủ phương Tây. "Hôm nay, chúng tôi chính thức quy kết Bộ An ninh quốc gia (MSS) Trung Quốc đứng sau hoạt động của các nhóm APT40 và APT31" - Bộ Ngoại giao Anh nêu trong thông cáo cùng ngày 19-7.

"Trong một số trường hợp, chúng tôi biết những kẻ tấn công mạng có liên kết với Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành các chiến dịch tấn công bằng mã độc tống tiền nhằm vào các công ty tư nhân, trong đó bao gồm những yêu sách đòi tiền chuộc hàng triệu USD" - Mỹ nêu cáo buộc. Vụ tấn công lợi dụng lỗ hổng zero-day trong Microsoft Exchange, gây ảnh hưởng 250.000 máy chủ toàn cầu hồi đầu năm nay, cũng bị quy cho tin tặc Trung Quốc.

Hãng tin AFP của Pháp gọi các tuyên bố của Mỹ và đồng minh là "bản cáo trạng" vì liệt kê chi tiết cách thức cũng như các vụ tấn công mạng do Trung Quốc tiến hành. Nếu đã có "cáo trạng", hẳn sẽ có "trừng phạt", tuy nhiên Úc, Nhật Bản, Canada và EU lên án các hành vi của Trung Quốc nhưng tỏ ra thận trọng khi kêu gọi Bắc Kinh "thay đổi hành vi" và né tránh cảnh báo sẽ trừng phạt nếu tái diễn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Washington vẫn đang "hoàn tất cuộc điều tra" trước khi đưa ra biện pháp đối phó nào. "Không giống Nga, Chính phủ Trung Quốc không chỉ tự mình thực hiện các cuộc tấn công mạng mà còn bảo vệ những kẻ đang làm điều đó và hỗ trợ, khuyến khích chúng" - ông Biden nêu quan điểm.

Dù không áp đặt biện pháp trừng phạt nào, hành động tập thể của Mỹ và đồng minh ngày 19-7 là sự thay đổi đáng chú ý so với các động thái riêng lẻ của mỗi nước trước đây. Việc các nước cùng lên tiếng "vạch trần" tạo cảm giác hoạt động mạng độc hại của Trung Quốc đã tới mức độ toàn cầu, lớn hơn nhiều người nghĩ. 

Ông Frank Cilluffo - giám đốc Viện McCrary của Đại học Auburn (Mỹ) về an ninh cơ sở hạ tầng mạng - nhận định nếu muốn Trung Quốc thay đổi hành vi, Mỹ và đồng minh cần buộc Bắc Kinh "lãnh hậu quả".

Trung Quốc: Mỹ đạo đức giả

Tuyên bố đáp trả của các đại sứ quán Trung Quốc đã tránh nhắc đích danh Mỹ nhưng nêu một loạt dẫn chứng đủ để người nghe biết nước nào được gọi tên. Từ Brussels (Bỉ), Đại sứ quán Trung Quốc ám chỉ Mỹ là nước đứng đầu về các hoạt động bất hảo trên không gian mạng, bao gồm cả "nghe lén" các đồng minh của mình. 

"Nhưng họ lại đồng thời tự hào là người bảo vệ an ninh mạng và cố gắng thao túng, thúc đẩy các đồng minh để tạo thành một nhóm liên tục bôi nhọ và tấn công các quốc gia khác về vấn đề an ninh mạng" - cơ quan này lên án.

Có thể thấy Trung Quốc đang cố gắng gợi lại bê bối cơ quan tình báo Mỹ nghe lén lãnh đạo các đồng minh châu Âu và châu Á bị trang Wikileaks tiết lộ năm 2015. Mục đích nhắc lại là quá rõ: chia rẽ Mỹ và các đồng minh, đồng thời khiến người nghe tin rằng Washington đã "làm bậy" thì những gì họ nói phải coi chừng.

Tuy nhiên, theo một nhà quan sát, việc Mỹ đã từng sai trong quá khứ không có nghĩa nước này không có quyền chỉ ra cái không đúng của Trung Quốc (nếu có).

Trong tuyên bố ngày 19-7, cơ quan đại diện ngoại giao Trung Quốc tại Brussels cho biết bản thân Trung Quốc cũng là nạn nhân chính của các cuộc tấn công mạng. Còn tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ nêu: "Chính phủ Trung Quốc và các nhân viên liên quan không bao giờ tham gia vào các cuộc tấn công mạng hoặc ăn cắp qua mạng. Chúng tôi kêu gọi Mỹ chấm dứt chiến dịch "đế chế hacker" và ngừng gây tổn hại bất hợp pháp đến lợi ích, an ninh của các nước khác".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 20-7 phản bác những cáo buộc của Mỹ và đồng minh với Trung Quốc. "Trung Quốc nhất định sẽ không chấp nhận điều này" - Hãng tin Reuters dẫn lời ông Triệu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh.

Ông Triệu cho rằng sự cáo buộc đó "đã được thêu dệt từ không có gì" nhằm phục vụ các mục tiêu chính trị. Khẳng định Trung Quốc không tham gia các cuộc tấn công mạng, ông Triệu cũng nói các chi tiết kỹ thuật Washington đã cung cấp "chưa cấu thành một chuỗi bằng chứng đầy đủ".

Trung Quốc phủ nhận tấn công mạng, phản đối Đài Loan mở văn phòng đại diện tại Lithuania Trung Quốc phủ nhận tấn công mạng, phản đối Đài Loan mở văn phòng đại diện tại Lithuania

TTO - Trung Quốc bác bỏ cáo buộc tấn công mạng toàn cầu do Mỹ và đồng minh đưa ra, khẳng định phía Washington không có bằng chứng hoàn chỉnh cho các tuyên bố của mình. Và Trung Quốc cũng phản đối Đài Loan mở văn phòng đại diện tại Lithuania.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp