15/09/2024 08:55 GMT+7

Phương Tây đo lường các cảnh báo từ Nga

Hôm 13-9, Thủ tướng Anh Keir Starmer tới Mỹ để hội đàm với Tổng thống Joe Biden với hy vọng thuyết phục Washington cho phép Ukraine sử dụng các vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Phương Tây đo lường các cảnh báo từ Nga - Ảnh 1.

Thủ tướng Anh Keir Starmer (phải) và Ngoại trưởng Anh David Lammy bước ra khỏi khu vực Cánh Tây (Nhà Trắng), sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 13-9 - Ảnh: AFP

Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Zelensky đã liên tục xin các nước đồng minh cho phép Ukraine bắn các tên lửa như ATACMS của Mỹ và Storm Shadows của Anh (có tầm bắn khoảng 300km) vào sâu trong lãnh thổ Nga, nhưng phương Tây chưa đồng ý. Trong khi nước Anh có vẻ sẵn lòng hơn với Ukraine thì phía Mỹ còn do dự.

Mỹ không muốn tuyên chiến với Nga

Cuộc gặp thượng đỉnh Biden - Starmer diễn ra chỉ một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kết thúc chuyến công du châu Âu, nơi ông đã nghe nhiều lời kêu gọi không chỉ từ Ukraine mà từ các đồng minh châu Âu trong khối NATO về việc dỡ bỏ các hạn chế với Kiev.

Lo ngại chủ yếu của chính quyền ông Biden là phản ứng từ phía Nga. Washington luôn e ngại việc cho phép Kiev sử dụng vũ khí Mỹ cung cấp tấn công sâu vào lãnh thổ Nga sẽ bị Nga coi là Mỹ "tuyên chiến với Nga", mà Mỹ thì luôn muốn tránh đụng độ trực tiếp với Nga - một cường quốc vũ khí hạt nhân.

Lo lắng đó không phải không có cơ sở. Hôm 12-9, Tổng thống Nga Putin nói với các phóng viên nếu các nước phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của họ, "điều này có nghĩa các nước NATO - Mỹ và các nước châu Âu - đang chiến tranh với Nga".

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên Matxcơva đưa ra những "cảnh báo" với Mỹ và phương Tây trong gần ba năm qua, liên quan đến xung đột Ukraine. Do đó, câu hỏi là liệu Nga có thực sự làm những gì họ cảnh báo không?

Hôm 11-9, khi được hỏi về những lo ngại leo thang căng thẳng với Nga, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho rằng đó là một yếu tố nhưng "chắc chắn không phải là yếu tố duy nhất".

Ông Blinken nói thêm: "Chúng tôi đã điều chỉnh và thích nghi khi nhu cầu thay đổi, khi chiến trường thay đổi và tôi không nghi ngờ gì rằng chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó khi điều này phát triển".

Mặc dù Mỹ đã thay đổi chính sách cho phép tấn công hạn chế xuyên biên giới vào Nga bằng vũ khí do Mỹ cấp, nhưng Washington vẫn chưa cho phép tấn công tầm xa hơn.

Nội bộ Mỹ chia rẽ quan điểm

Các cuộc thảo luận chuyên sâu đã diễn ra tại Nhà Trắng về một sự thay đổi lớn khi Mỹ ngày càng quan ngại về việc Iran có thể cung cấp tên lửa đạn đạo cho Nga. Do đó cuộc thảo luận về vũ khí tầm xa đang diễn ra là một dấu hiệu cho thấy động lực chiến trường của Ukraine đang bị đình trệ khiến các nhà lãnh đạo phương Tây phải suy nghĩ lại.

Quan chức chính quyền Tổng thống Biden trong nhánh hành pháp thì có vẻ chưa hào hứng lắm về việc dỡ bỏ hạn chế sử dụng vũ khí tầm xa cho Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 6-9 cho biết không có loại vũ khí quân sự nào có thể giúp Ukraine đánh bại Nga, và việc sử dụng vũ khí Mỹ viện trợ để tấn công tầm xa vào Nga sẽ không làm thay đổi cục diện cuộc chiến.

Tuy nhiên, giới lập pháp từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang gây áp lực lên ông Biden nhằm nới lỏng các hạn chế sử dụng vũ khí đối với Ukraine.

Các thành viên cấp cao của Đảng Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, bao gồm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Ben Cardin và thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen, đã nhấn mạnh các hạn chế nên được giảm bớt để mang lại cho Ukraine cơ hội thành công cao hơn.

Hồi đầu tuần, một cuộc họp của các thành viên lưỡng đảng ở Hạ viện cũng đã kêu gọi Tổng thống Biden cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga bằng vũ khí tầm xa.

Washington sẽ tìm cách "lách"?

Có lẽ phía Mỹ cũng đang thay đổi từng bước một và tránh việc chọc giận Nga. Tờ New York Times dẫn lời các quan chức châu Âu cho biết Mỹ có vẻ sẽ chấp thuận việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa chống lại các mục tiêu ở Nga với điều kiện vũ khí đó không phải do Mỹ cấp. Điều này đồng nghĩa vũ khí của Mỹ nhưng do một nước châu Âu thuộc NATO cấp cho Ukraine, hay vũ khí tầm xa của Anh hoặc Pháp thì chấp nhận được.

Nếu điều này là đúng thì chính quyền của ông Biden hy vọng "một mũi tên trúng hai con chim" khi vừa làm hài lòng giới lập pháp của lưỡng đảng và các đồng minh châu Âu trong NATO, vừa tránh leo thang căng thẳng với Nga.

Đồng thời, bằng cách nâng mức độ căng thẳng từ từ, phương Tây cũng muốn thử xem độ khả tín của Nga trong việc thực hiện những "cảnh báo" của họ.

Phương Tây đo lường các cảnh báo từ Nga - Ảnh 2.Nga tin phương Tây đã cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa tấn công Nga

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết phương Tây đã ra quyết định về việc có cho phép Ukraine tấn công tầm xa vào Nga hay không và đã thông báo cho Kiev. Ông Dmitry Medvedev dọa biến Kiev thành 'điểm nóng chảy khổng lồ'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp