15/04/2022 06:00 GMT+7

Phương Tây cấp thêm vũ khí 'to hơn, mạnh hơn' cho Ukraine

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Gói viện trợ vũ khí trị giá 800 triệu USD mà Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố ngày 13-4 được kỳ vọng mở đường cho các loại vũ khí tấn công của phương Tây vào Ukraine sau nhiều tuần tranh luận nên chuyển gì cho Kiev.

Phương Tây cấp thêm vũ khí to hơn, mạnh hơn cho Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) và tổng thống các nước Litva, Ba Lan, Latvia và Estonia đặt tay lên nhau bày tỏ tinh thần đoàn kết trước cuộc họp ngày 13-4 tại Kiev (Ukraine) - Ảnh: REUTERS

Với trực thăng Mi-17 và lựu pháo 155mm, người Mỹ đã đáp ứng 2 trong số 3 thứ mà Ukraine luôn đề nghị phương Tây cung cấp là máy bay, xe tăng và pháo binh. 

Đây là lần đầu tiên phương Tây chuyển vũ khí tấn công như lựu pháo cho Kiev, trong bối cảnh chiến trường đã chuyển từ các thành phố sang địa hình bằng phẳng và trống trải ở miền đông Ukraine.

"Vũ khí to hơn, mạnh hơn"

Gói viện trợ mới của Mỹ sẽ nâng tổng giá trị viện trợ vũ khí của nước này cho Ukraine lên 2,5 tỉ USD tính từ khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ngày 24-2. 

Theo Hãng tin Reuters, ông Biden đã sử dụng đặc quyền của tổng thống cho phép nhanh chóng huy động nguồn lực hỗ trợ Ukraine mà không cần sự đồng ý của Quốc hội (vốn đang trong thời gian nghỉ 2 tuần tính từ ngày 7-4).

Ngoài 18 khẩu lựu pháo 155mm và 40.000 viên đạn, phía Mỹ cũng chuyển thêm 11 trực thăng Mi-17 do Nga sản xuất và có thể hoán cải thành trực thăng hỗ trợ tấn công khi cần. Số trực thăng này nằm trong gói vũ khí Mỹ mua và định chuyển cho Afghanistan nhưng hoãn lại khi Taliban lên nắm quyền.

Trong gói viện trợ còn có 300 máy bay không người lái "cảm tử" Switchblade, 500 tên lửa chống tăng Javelin, 200 xe bọc thép chở quân M113, 100 xe đa dụng Humvee, tàu phòng thủ bờ biển không người lái, thiết bị phòng độc hóa học, sinh học và hạt nhân cùng 10 xe rađa AN/TPQ-36.

Việc trang bị cho Ukraine cả lựu pháo lẫn rađa AN/TPQ-36 là điểm đáng chú ý bởi đây là rađa xác định vị trí đạn pháo bắn ra để từ đó cho phép mở một cuộc phản công vào vị trí đối phương. Nói cách khác, đây là kết hợp cả tấn công lẫn phòng thủ.

Tổng thống Biden gọi những vũ khí đợt này là "rất quan trọng" trong việc giúp Ukraine chống lại các đợt tấn công của Nga. Ông cam kết nước Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh cùng nhân dân Ukraine.

Cựu thiếu tá lục quân Mỹ John Spencer, người hiện là chuyên gia về chiến tranh đô thị tại Diễn đàn chính sách Madison, nhận định việc Mỹ gởi lựu pháo và hàng chục ngàn đạn pháo cho Ukraine là rất đáng chú ý. "Họ cần những vũ khí lớn hơn, mạnh hơn như vậy mới tương xứng với những gì Nga đang mang đến để chiếm miền đông Ukraine", ông Spencer nhận xét với Reuters.

Phương Tây cấp thêm vũ khí to hơn, mạnh hơn cho Ukraine - Ảnh 2.

Dữ liệu: DUY LINH. Nguồn: Politico, Bộ Quốc phòng Mỹ, The Guardian - Đồ họa: TUẤN ANH

Khoảng lặng trước cơn bão

"Trận chiến ở vùng Donbass sẽ khiến các vị liên tưởng đến Thế chiến thứ II với những cuộc hành quân lớn, hàng ngàn xe tăng, thiết giáp, máy bay và pháo binh" - Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cảnh báo về mức độ khốc liệt trong giai đoạn mới của cuộc chiến khi Nga tập trung về miền đông Ukraine. 

Donbass nằm giáp biên giới Nga, gồm hai nhà nước cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng.

Với địa hình bằng phẳng và trống trải, quân đội Ukraine sẽ gặp không ít khó khăn nếu tiếp tục chiến thuật đánh du kích và tác chiến đô thị như 6 tuần đầu của cuộc chiến. 

Mặt khác, sau nhiều tuần chiến đấu với các đoàn xe bọc thép và xe tăng Nga, quân đội Ukraine dường như đã cạn kiệt đạn dược với chỉ dấu rõ nhất là họ không đẩy lùi được quân Nga ở các mặt trận phía nam và phía đông, theo báo Guardian.

Ở phía bên kia, Nga được cho đã sở hữu các bàn đạp vững chắc tại Donbass sau 8 năm hậu thuẫn phe ly khai, cho phép họ vượt qua những khó khăn hậu cần đã gặp phải khi đưa quân vào miền bắc và đông bắc Ukraine.

Cho đến thời điểm hiện tại, theo tình báo Mỹ và Anh, chưa có dấu hiệu cho thấy Matxcơva sắp sửa phát động một chiến dịch quân sự lớn tại Donbass. Giới quan sát quân sự lo ngại đây có thể là "khoảng lặng trước cơn bão" khi cả Kiev lẫn Matxcơva đều đang tranh thủ hồi sức sau giai đoạn 1, tích lũy vũ khí và chuẩn bị cho đợt tấn công mới.

Theo báo Washington Post (Mỹ), cuộc tranh luận trong các nước NATO về việc chuyển vũ khí tấn công hay phòng thủ cho Ukraine đang dần chuyển sang chuyển vũ khí tấn công ở mức độ nào cho Kiev và đảm bảo nguồn cung đến đâu nếu chiến sự leo thang.

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đại tướng Mark Milley, dự đoán chiến sự có thể "tính bằng năm" và đó là viễn cảnh không mấy dễ chịu với NATO, đặc biệt những nước có ngân sách quốc phòng khiêm tốn.

Các nước phương Tây vẫn miễn cưỡng trước yêu cầu cung cấp xe tăng cho Ukraine, dù đã có một số thông tin trên truyền thông cho thấy vài nước trong NATO đã chuyển xe tăng T-72 và xe bọc thép chiến đấu cho Ukraine.

Tuy nhiên, các thông tin này đều chưa được công bố hay xác nhận công khai.

Mỹ muốn tăng áp lực với Nga, thêm lệnh trừng phạt, thêm vũ khí cho Ukraine Mỹ muốn tăng áp lực với Nga, thêm lệnh trừng phạt, thêm vũ khí cho Ukraine

TTO - Các quan chức Mỹ cho biết Mỹ đang gia tăng áp lực để chống lại Tổng thống Vladimir Putin, bao gồm thêm các biện pháp trừng phạt với Nga, cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine và điều tra về cáo buộc tội ác chiến tranh của binh sĩ Nga.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp