Quân ly khai thân Nga đi qua một chiếc xe tăng của quân đội Ukraine bị phá hủy ở Debaltseve Ảnh: Reuters |
Ngay sau khi lãnh đạo Đức, Pháp, Nga và Ukraine đạt thỏa thuận ngừng bắn tại Minsk (thủ đô Belarus), quân ly khai thân Nga tiếp tục tấn công dồn dập và xâm chiếm thị trấn chiến lược Debaltseve, buộc quân đội Ukraine phải rút lui trong sự nhục nhã.
“Thủ tướng Đức Angela Merkel thấy tình hình miền đông Ukraine xấu đi và Mỹ bắt đầu đề cập đến việc cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine, khiến xung đột leo thang. Bà ấy cảm thấy cần phải hành động. Nhưng bà ấy không có kế hoạch B khi thỏa thuận ngừng bắn sụp đổ” - AFP dẫn lời chuyên gia Ievgen Vorobiov của Viện Các đề quốc tế Ba Lan bình luận.
“Bà Merkel cũng không có biện pháp nào để thực hiện thỏa thuận hòa bình Minsk, dù là quân sự hay các đòn cấm vận” - chuyên gia Vorobiov nhấn mạnh. Khi giao tranh tiếp diễn ở Debaltseve, phương Tây cũng không đưa ra được phản ứng mạnh mẽ nào. Sau cuộc họp ở Paris hôm qua 20-2, bà Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande chỉ kêu gọi các bên tôn trọng thỏa thuận Minsk.
Một số nhà phân tích cho rằng cuộc chiến Debaltseve là không thể tránh khỏi, bởi quân ly khai thân Nga quyết chiếm thêm nhiều lãnh thổ và tài nguyên ở miền đông Ukraine để thành lập một nhà nước độc lập ở miền đông dưới sự ủng hộ của Nga. Chuyên gia Jorg Forbrig của Quỹ Marshall Đức cho rằng có thể bà Merkel và ông Hollande âm thầm chấp nhận việc Debaltseve sụp đổ và coi đó là cái giá của hòa bình.
“Họ không ngây thơ. Có lẽ giờ họ cho rằng câu hỏi đặt ra là liệu kết quả cuộc chiến Debaltseve có dẫn tới một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài hay không” - ông Forbrig đánh giá. Vấn đề là phe ly khai với khí tài hùng hậu hơn hẳn quân đội Ukraine sẽ dừng lại ở Debaltseve hay sẽ tấn công vào thành phố cảng Mariupol có hơn 1 triệu dân, phần lớn là người nói tiếng Nga.
Nhà phân tích Balazs Jarabik của Tổ chức Hòa bình quốc tế Carnegie dự báo quân ly khai sẽ ngần ngại không muốn tấn công Mariupol. “Quân ly khai càng tấn công đẫm máu thì điều đó càng chứng tỏ rằng phương Tây cần phải ngăn chặn Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đạt được mục tiêu là lấy Crimea và tạo ra một cuộc xung đột đóng băng ở miền đông Ukraine. Giờ ông ấy cần chấm dứt giao tranh để giảm sức ép quốc tế lên Nga” - ông Jarabik cho biết.
“Xung đột đóng băng” là cụm từ phương Tây dùng để mô tả các phong trào ly khai do Nga hỗ trợ ở Gruzia và Moldova. Các cuộc xung đột này khiến Gruzia và Moldova trở nên bất ổn trong con mắt các đối tác phương Tây. Và xung đột từ trạng thái đóng băng sẽ lập tức nóng lên khi các nước này có ý định xích lại gần hơn với châu Âu.
Nhiều chuyên gia đánh giá kể cả thỏa thuận ngừng bắn Minsk có hiệu lực sau trận chiến Debaltseve thì lợi thế đã nghiêng hẳn về phía Nga và quân ly khai. “Mọi lá bài đều nằm trong tay quân ly khai và Nga. Thỏa thuận Minsk đầu tiên (tháng 9-2014) mở đường cho cuộc xung đột đóng băng, thỏa thuận thứ hai trao cho Nga lợi thế mà họ tìm kiếm” - chuyên gia Kadri Liik của Hội đồng Đối ngoại châu Âu nhận định.
Theo thỏa thuận Minsk, Ukraine chỉ giành lại quyền kiểm soát biên giới với Nga vào cuối năm, sau khi đã cải tổ hiến pháp trao quyền tự trị cho miền đông. Khi đó Nga đã hoàn tất việc khẳng định vai trò ảnh hưởng đối với Donetsk và Luhansk trong mọi vấn đề. Một thách thức nữa là liệu Kiev có đủ sức bước vào cuộc đàm phán đầy khó khăn khi mà nền kinh tế đang suy sụp.
“Rõ ràng là phương Tây không huy động đủ tiền cho Ukraine. Chính quyền Kiev không thể hoạt động một cách hiệu quả” - bà Liik nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận