Chuyển mùa là lúc thời tiết thay đổi nhiều: đông sang xuân (lạnh sang ấm, gió mùa đông bắc lạnh và khô sang gió nồm ấm và ẩm), xuân sang hè (ấm sang nóng), hè sang thu (nóng sang mát), thu sang đông (mát sang lạnh, chủ yếu là gió đông bắc) nên có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhất là người già và trẻ nhỏ. Biểu hiện thường gặp là ho, cảm, cúm, chảy nước mũi, hắt hơi, gây khó chịu trong người.
Người dân thường dùng một số thức ăn, gia vị có trong vườn nhà để chữa ho như: cho người lớn hoặc trẻ trên 7 tuổi sử dụng quả chanh hoặc quả quất chín, quả khế thái lát trộn với muối hoặc chút mật ong để ngậm rồi nuốt nước; ngậm một lát gừng tươi hoặc nghệ tươi thỉnh thoảng nhấm nhẹ, nuốt nước; hoặc dùng thuốc ho Đông y có bán ở các nhà thuốc. Trẻ em dưới 2 tuổi thì dùng hoa đu đủ đực hoặc hoa hồng bạch, lá hẹ trộn với đường phèn hấp chín cho ăn.
Lưu ý là tuyệt đối không dùng quả quất làm cảnh, hoa hồng bạch mua ở chợ (do nhiễm lượng lớn hóa chất bảo vệ thực vật) để trị ho.
Để phòng tránh những cơn ho lúc chuyển mùa, mọi người cần giữ gìn sức khỏe, bằng các cách sau:
- Thường xuyên vệ sinh răng miệng ngay sau khi ăn hoặc uống nước ngọt, súc họng trước khi đi ngủ bằng nước muối (Nacl 0,9%).
- Hàng ngày cần tập luyện, vận động cơ thể, trong đó có phần luyện thở ít nhất là 10 phút/ngày. Cần hướng dẫn tập thở cho trẻ ngay từ 7 tuổi để trẻ luyện tập thành thói quen để tăng khả năng miễn dịch ở phổi và hỗ trợ cơ thể chống tác nhân gây bệnh.
- Giữ ấm cổ ngực và đôi chân khi trời lạnh dưới 20 độ C (nhất là người già, trẻ nhỏ).
- Tránh xa nicotin (thuốc lá, thuốc lào) và ethanol (bia, rượu các loại).
- Nâng cao sức đề kháng của cơ thể và đặc biệt ở màng phổi bằng cách bổ sung vitamin A (hoặc beta-caroten), vitamin D3, vitamin C, vitamin B2, đặc biệt là người đang điều trị ho do vi khuẩn, virut.
- Thông gió, tránh ô nhiễm cho phòng ngủ, đặc biệt trong những ngày có độ ẩm cao. Khi trong nhà có người nhiễm bệnh cảm cúm, cần xông khói bồ kết để diệt virut (đốt quả bồ kết khô trong bát rồi luân chuyển khắp nơi trong buồng có người bệnh).
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận