Một con đường nông thôn mới ở xã Vĩnh Phú Tây - Ảnh: V.S.
Ông là người đầu tiên hiến hơn 1.000m2 đất để làm đường và xây dựng nhà văn hóa ấp, và đặc biệt là không nhận bất kỳ một khoản tiền nào của Nhà nước hỗ trợ nên có người gọi ông là Phương "khùng".
Đảng viên đi trước
Nhà ông Trần Văn Phương ở xóm Nhà Dài, ấp Bình Lễ, vùng quê trước đây là cánh đồng cỏ năn hoang hóa, được người dân đến đây khai hoang dựng nhà, lập ấp dài theo triền sông thành xóm Nhà Dài. Sinh năm 1960 trong một gia đình nghèo ở ấp Bình Lễ, tuổi thơ của ông Phương đến khi lớn lên chỉ biết vùng quê nghèo với cánh đồng năn bạt ngàn, sông ngòi chằng chịt, đường đi cách trở thiếu thốn mọi thứ.
Năm 1986, dù đã có gia đình một con nhưng ông vẫn đăng ký nhập ngũ. "Ngày liên hoan lên đường, nhìn mẹ già, vợ trẻ, con thơ, tôi rưng rưng nước mắt nhưng phải bóp bụng chịu đựng vì làm trai thì phải cống hiến cho đất nước" - ông Phương nhớ lại. Sau ba năm làm chuyên gia Đoàn 9907 trên đất bạn Kô Kông (Campuchia), ông được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Năm 1989, khi hoàn thành nghĩa vụ trở về, ông tiếp tục gánh vác với cuộc sống gia đình ngay trên cánh đồng năn. Cũng vì cuộc sống quá khó khăn của gia đình, ông phải tha phương cầu thực để rồi mất đi danh giá quý nhất của cuộc đời sau bao năm phấn đấu, đó là bị xóa tên khỏi Đảng. Năm 1998, khi kinh tế gia đình ổn định, ông quyết định trụ lại quê hương và tiếp tục tham gia công tác ở ấp Bình Lễ.
Sau bao năm miệt mài với các phong trào ở địa phương, ông vinh dự được kết nạp Đảng lần thứ hai và giữ chức bí thư chi bộ ấp Bình Lễ. Năm 2012, ông được xã Vĩnh Phú Tây đề bạt lên làm phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh.
Vào năm 2010, khi huyện Phước Long được chọn là huyện điểm để xây dựng nông thôn mới, xã Vĩnh Phú Tây phát động nhân dân hiến đất để làm đường, làm nhà văn hóa ấp thì gần như không ai chung tay khi nhìn đến thành quả mà họ tạo dựng nên.
Ông Phương bộc bạch: "Ngay từ ban đầu đích thân tôi và các đoàn thể đi vận động từng hộ gia đình trong ấp gần một tháng trời để bà con hiến đất làm cầu, đường, nhà văn hóa ấp để xây dựng nông thôn mới với chủ trương chung là Nhà nước và nhân dân cùng làm nhưng không ai thực hiện".
"Tôi cứ suy nghĩ mãi làm thế nào cho người dân tin vào chủ trương của Nhà nước để họ sẵn lòng góp công sức, của cải vật chất xây dựng nông thôn mới?" - câu hỏi cứ lớn dần trong tâm thức của ông. Thế rồi ông mạnh dạn bàn bạc với vợ và các con hiến hơn 1.000m2 đất của gia đình mình để làm đường giao thông và xây dựng nhà văn hóa ấp, dù gia đình chỉ có vỏn vẹn 1ha đất vườn và đất sản xuất với 5 nhân khẩu.
"Sau khi hiến đất, có người cho rằng tôi là "thằng khùng" vì không nhận một đồng hỗ trợ nào của Nhà nước trong lúc cuộc sống chưa phải là khấm khá hơn những người xung quanh" - ông Phương nhớ lại.
"Chúng tôi làm theo ông Phương"
Ngồi trong căn nhà tường khang trang của mình nhìn ra cánh đồng năn năm xưa bây giờ là cánh đồng hai vụ lúa, ông Phương kể về những tháng ngày mà vùng đất này chỉ là nơi len trâu, người dân len trâu thuê chứ chẳng trồng cấy gì được. Cuộc sống ở đây rất cơ cực, nhà này muốn đến nhà kia chỉ dùng xuồng ghe. Đến năm 1998, khi chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau được thực hiện thì ở đây mới sản xuất được cây lúa, mới có đường đi lại nhưng chỉ là đường đất, mùa mưa lội bì bõm, sình lầy ngập ngang ống chân. Con em trong xóm đi học thì lấm lem áo quần... "Mình là cán bộ đảng viên phải gương mẫu tiên phong trong các phong trào thì người dân mới noi theo" - ông Phương tự nhủ.
Sau việc tiên phong hiến đất của ông Phương, nhiều người dân trong ấp mở lòng hiến đất cho các công trình cầu, đường. Ông Trần Văn Đời, ấp Bình Lễ, kể lại: "Ban đầu tôi không đồng ý vì nghĩ cán bộ làm gương thì dân mới làm theo. Khi ông Phương tiên phong làm việc ấy thì bà con hưởng ứng rất mạnh mẽ, gia đình tôi sẵn sàng hiến 400m2 và cũng không đòi nhận khoản hỗ trợ nào. Chúng tôi làm theo ông Phương". Nhiều hộ trước đây khi xã, ấp vận động hiến đất một mực đòi bồi hoàn thì hôm nay họ tự giác đốn cây, phát hoang bụi rậm, dành phần đất để cho địa phương sử dụng làm đường. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, riêng ấp Bình Lễ người dân đã hiến đất làm đường bêtông cho xe 4 bánh liên thông trong ấp hơn 13.000m2, đây là một con số biết nói đối với vùng quê nghèo Bình Lễ trong điều kiện địa hình kênh rạch chằng chịt.
Năm 2016, xã Vĩnh Phú Tây đã được chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, và trong năm 2019 xã Vĩnh Phú Tây tiếp tục được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ấp Bình Lễ là ấp được điển hình trong số 11 ấp của xã về các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, được chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen. "Chính quyền địa phương rất trân trọng những việc làm thiện nguyện của ông Phương đã cống hiến hết mình cho việc xây dựng nông thôn mới" - ông Võ Đức Truyện, bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐND xã Vĩnh Phú Tây, nói.
Ông Võ Đức Truyện chia sẻ rằng chính ông Phương là người khơi dậy phong trào hiến đất trong nhân dân để xây dựng nông thôn mới và cũng chính ông là người huy động sức dân. Chỉ có những người gần gũi với dân, hiểu được lòng dân, được dân tin tưởng thì mới làm được việc này.
Một vùng quê xa xôi hẻo lánh như ấp Bình Lễ chỉ cách nay không lâu là cánh đồng năn hoang hóa thì giờ đây đã trở thành ấp nông thôn mới kiểu mẫu, bao ước mơ của người dân về điện, đường, trường, trạm, nước sạch, CNTT... đều trở thành hiện thực. Có được thành quả này là sự đồng thuận của người dân, trong đó không thể không kể đến người tiên phong: Phương "khùng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận