Việc Việt Nam năm nào cũng kiếm được vài giải nhỏ từ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (HANIFF) từ lâu đã gây ì xèo, vì phim quốc tế có nhiều tác phẩm tốt hơn hẳn.
Nhưng khó ai có thể nói được gì vì liên hoan chỉ diễn ra trong năm ngày, lại chiếu hàng trăm bộ phim. Sức mấy khán giả xem hết cả hạng mục phim ngắn, phim dài để phân biệt ban giám khảo có chấm công tâm?
Bế mạc 2018 diễn ra vào 20h ngày 31-10-2018 tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Nhưng với hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc năm nay thì khán giả có thể phân định dễ dàng. Trong năm ngày, một khán giả hoàn toàn có đủ thời gian để xem hết 12 phim thuộc hạng mục Phim truyện dự thi. Xem xong, ai cũng dễ nhận thấy không có cửa nào cho nữ diễn viên Việt Nam.
Ba nữ diễn viên Elizaveta Boyaskaya (Nga), Isabelle Huppert (Pháp), Sareh Bayat (Iran) không chỉ đẹp nổi tiếng mà còn là những tài năng diễn xuất. Trong đó Isabelle Huppert là minh tinh của điện ảnh Pháp và Sareh Bayat là minh tinh của điện ảnh Iran.
Isabelle Huppert, ngôi sao của những bộ phim nghệ thuật Pháp.
Isabelle Huppert là "nàng Thơ" của những đạo diễn theo đuổi dòng phim nghệ thuật. Bộ phim Eva dự thi HANIFF 2018, với Isabelle Huppert đóng vai nữ chính từng được đề cử Gấu vàng hạng mục Phim xuất sắc tại Liên hoan phim Berlin 2018.
Diễn xuất của Isabelle Huppert trong Eva không có sức nặng bằng vai những bà đã đóng trong phim Cô giáo dương cầm, hay Things to come nhưng không thể nói là tầm thường. Isabelle Huppert luôn có một sức hấp dẫn kì lạ với vẻ lạnh lùng, tưng tửng của bà.
Còn nữ diễn viên Nga Elizaveta Boyaskaya đúng là một tuyệt thế giai nhân. Cô đẹp lộng lẫy, hút hồn trong từng cảnh quay phim Anna Karenina: Vronsky’s story. Và cô đủ sức để gánh vai Anna Karenina, một nhân vật kinh điển trong thế giới văn học. Vai diễn Anna Karenina luôn là thách thức với các nữ diễn viên và không dành cho "tay mơ".
Elizaveta Boyaskaya đã thể hiện được tâm trạng phức tạp của người đàn bà Anna Karenina, giằng xé giữa những ham muốn cá nhân và bổn phận, trách nhiệm với gia đình, đối mặt với những định kiến mà xã hội áp đặt trên vai phụ nữ.
Không thể phủ nhận Sareh Bayat đã góp phần đưa bộ phim The dark room của Iran đăng quang Phim truyện xuất sắc nhất tại HANIFF 2018. Nữ diễn viên nổi tiếng của điện ảnh Iran đã hóa thân rất tuyệt vào vai một phụ nữ gia đình đầy hoang mang, lo sợ khi biết tin cậu con trai nhỏ bé của mình có thể đã bị quấy rối tình dục trong một lần đi lạc ở khu đất trống trước cửa nhà.
Sareh Bayat thể hiện rất chân thật, tinh tế tâm trạng của một phụ nữ lấy chồng trẻ, bị áp lực về mặt tuổi tác, gánh nặng kinh tế, lúc nào cũng chực chờ bùng nổ. Cách cô tương tác với nam diễn viên trẻ đóng vai chồng tốt đến mức bất cứ khán giả nào cũng có thể cảm thấy sự căng thẳng thường trực giữa hai vợ chồng.
Minh tinh của điện ảnh Iran Sareh Bayat.
Còn diễn xuất của trong Nhắm mắt thấy mùa hè nếu so với các ví dụ ở trên thì chỉ ở mức rất bình thường. Vẻ đẹp cũng như trang phục của cô cộng hưởng với vẻ đẹp phong cảnh nước Nhật, kết hợp cách quay phim, dàn dựng đã tạo góp phần tôn lên gương mặt của Anh Đào.
Nhưng không khó để nhận thấy sự non nớt trong diễn xuất của nữ diễn viên trẻ, những đoạn cô phải gồng để bộc lộ cảm xúc đến mất tự nhiên.
So với màn trình diễn của ba minh tinh nêu trên, diễn xuất của Phương Anh Đào quá mờ nhạt. Do đó quyết định trao giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất của Ban giám khảo HANIFF 2018 cho Phương Anh Đào đã gây ngỡ ngàng cho những người theo dõi HANIFF. Đây là quyết định vô cùng khó hiểu, bởi sự cách biệt giữa diễn viên Việt và diễn viên nước ngoài quá xa.
Phương Anh Đào lên nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại HANIFF 2018 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Khó có thể trách diễn viên bởi họ chỉ là người được trao giải. Giải thưởng rơi vào tay ai, người đó có danh, sau đó có thể kèm theo lợi. Nhưng vấn đề là đoạt giải xong, những nghệ sĩ trẻ có đủ sức giữ nổi chiếc vương miện quá rộng so với đầu của họ không?
Việc trao giải không đúng người còn dẫn tới hệ lụy lớn hơn là loạn giá trị. Khi một bộ phim tầm tầm được đưa lên tầm cao, khi một diễn xuất tầm tầm được tung hô, thì những người làm nghề thực thụ sẽ rất chán nản.
Công chúng sẽ khó lòng phân biệt được đâu là phim tốt, đâu là phim tồi, đâu là nghệ sĩ thực thụ, đâu là những diễn viên trung bình.
Một Liên hoan phim muốn vươn đến tiệc phim quốc tế sao có thể vẫn giữ lệ đi ăn cỗ về phải có phần?
Những hạt sạn gây ngượng ở HANIFF 2018
Dù đã có 10 năm kinh nghiệm, nhưng khâu MC biết nói tiếng Anh vẫn là vấn đề của HANIFF. Năm nay MC thảm đỏ đêm khai mạc bất lực với tiếng Anh. Những gì khán giả nghe thấy chỉ có "This is..." (Đây là...), sau đó không thấy giới thiệu gì nữa. Đến đoạn phỏng vấn, MC chỉ đọc câu hỏi tiếng Anh đã chuẩn bị sẵn dành cho các vị khách nước ngoài, rồi bỏ lửng, không dịch (hay không có khả năng dịch) cho khán giả Việt nghe.
Khâu phụ đề cho phim của HANIFF 2018 như mọi năm khá ẩu. Có nhiều phim phụ đề bị dịch sai gây ảnh hưởng đến việc thưởng thức phim của khán giả. Ví dụ phim Dân quê có nhắc đến tổ chức Góa phụ đen (Black widow) thì bị dịch nhầm là "Cửa sổ đen". Phim Delia và Sammy, có nhân vật là người chuyển giới lại bị dịch thành "đồng tính". Phim Muối đang xa rời biển, từ "lie" (lừa dối) bị dịch thành "life" (cuộc sống). Một lỗi sai phổ biến nhất trong phụ đề là nhầm cách xưng hô, nhân vật nam thì xưng là "em", nhân vật nữ xưng là "anh" khi thoại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận