04/05/2020 12:49 GMT+7

Phương án 'đi học an toàn' ở các trường ra sao?

HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ
HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ

TTO - Hôm nay (4-5), học sinh lớp 9 và lớp 12 ở TP.HCM, Hà Nội chính thức trở lại trường sau hơn 3 tháng nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19. Các trường đã sẵn sàng nhiều phương án để bảo đảm học sinh đi học an toàn.

Phương án đi học an toàn ở các trường ra sao? - Ảnh 1.

Giáo viên Trường THCS Lê Văn Hưu, huyện Nhà Bè, TP.HCM dán tên lớp học, chuẩn bị đón học sinh trở lại trường - Ảnh: NHƯ HÙNG

Rất nhiều trường tại Hà Nội, TP.HCM - nơi có sĩ số học sinh/lớp đông - đã áp dụng việc tách lớp thành nhóm nhỏ và xếp thời khóa biểu cách nhật, lệch giờ vào học, tan học để đảm bảo giãn cách trong tuần đầu tiên học sinh đi học trở lại.

Tách lớp, lệch ca

"Để thực hiện giãn cách học sinh theo quy định, trường chúng tôi bắt buộc phải tách lớp ra làm đôi. Nửa lớp sẽ học buổi sáng và nửa lớp còn lại sẽ học vào buổi chiều. Như vậy học sinh chỉ học 1 buổi/ngày chứ không học 2 buổi/ngày như trước" - thầy Nguyễn Vạn Phúc, hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM, cho biết.

Ở Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), số học sinh đông ở cả hai cấp học nên việc giãn cách phải tính toán kỹ. Cô Nguyễn Thị Thu Anh, hiệu trưởng trường này, cho biết trong tuần đầu tiên, tạm thời bố trí mỗi lớp chỉ học 3 buổi. 

Trong một buổi sáng/chiều chỉ có 6-7 lớp học. Mỗi lớp sẽ được tách đôi, bố trí ở hai phòng học cạnh nhau. Giờ vào học, tan học, giờ giải lao của các khối lớp cũng được bố trí lệch nhau để tránh tập trung đông học sinh.

"Các thầy cô giáo và cán bộ, nhân viên của trường đều được huy động vào đầu giờ học và giờ tan học để hướng dẫn học sinh ra vào trường đảm bảo giãn cách. Các lối đi đều có dán dấu bước chân để học sinh đi đúng khoảng cách. 

Học sinh sẽ được đo thân nhiệt vào đầu và cuối giờ học. Trong quá trình ở trường, đội ngũ giám sát sẽ thường xuyên kiểm tra đảm bảo học sinh tuân thủ đúng quy định phòng dịch" - cô Thu Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 9 Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, cho biết.

Theo thầy Hà Xuân Nhâm - hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), với sĩ số trung bình 36 học sinh/lớp, nhà trường vẫn tách đôi thành các lớp nhỏ ở các phòng học liền kề. Nhưng tuần đầu tiên chỉ có lớp 12 đi học đầy đủ các buổi sáng trong tuần, mỗi buổi 4 tiết để có thời gian hoàn thành chương trình kết hợp với ôn tập. 

Các lớp 10, 11 chỉ đến học trực tiếp 1 buổi/tuần để học các môn tin học, tiếng Anh với chuyên gia nước ngoài. Còn lại học sinh vẫn học trực tuyến như trước.

Tương tự, tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), khối 12 học tất cả các buổi sáng và được tách đôi lớp. Các lớp 11 và 10 sẽ đi học cách nhật 3 buổi/tuần, thời gian còn lại tiếp tục học trực tuyến tại nhà. 

Bà Bùi Thị Minh Tâm - hiệu trưởng Trường THCS Âu Lạc, Q.Tân Bình, TP.HCM - thông tin: "Trường tôi tiến hành việc tách lớp nhưng vẫn phải kết hợp dạy trực tiếp với dạy trực tuyến mới có thể hoàn thành chương trình đúng tiến độ".

Phương án đi học an toàn ở các trường ra sao? - Ảnh 2.

Nhân viên y tế và giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải, Q.11, TP.HCM chiết dung dịch sát khuẩn vào chai nhỏ để học sinh rửa tay, chuẩn bị cho ngày học sinh đi học lại - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đội mũ chống giọt bắn

"Nhận thấy việc làm vách ngăn quá tốn kém nhưng nếu tách lớp cũng không khả thi vì liên quan đến phòng ốc, giáo viên, nhà trường kêu gọi phụ huynh và các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí để mua 2.400 cái mũ có tấm che trong suốt chống giọt bắn. Khi đến trường, học sinh vừa đeo khẩu trang vừa đội mũ này thì cũng không đáng lo lắm" - bà Đặng Thị Thúy Ái, hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Khải, Q.11, TP.HCM, bộc bạch.

Tương tự, ở Trường THCS Collette (Q.3, TP.HCM), phụ huynh tặng trường 2.000 cái mũ có tấm che trong suốt để chống giọt bắn, bảo đảm mỗi học sinh sẽ được phát 1 cái ngay trong ngày đầu quay lại trường. Ban giám hiệu trường quyết định không tách lớp vì đã có loại mũ trên. "Vấn đề còn lại bây giờ là chờ thời gian xem học sinh có cảm thấy ngộp, khó chịu với cái mũ này hay không. Nếu các em cảm thấy thoải mái khi vừa mang khẩu trang, vừa đội mũ chống giọt bắn thì quá tốt rồi" - ông Phan Huy, hiệu trưởng Trường THCS Collette, chia sẻ.

Tận dụng cả sân trường

"Sân chơi, sân bóng của trường chúng tôi hiện đều có mái che. Vì thế, nhà trường kê bàn ghế ra ngoài sân để thực hiện việc tách lớp và giãn cách học sinh. Đối với một số môn phù hợp cộng với những tiết làm bài tập, tự học, dò bài... học sinh sẽ ra ngoài sân học cho thoải mái. Số còn lại sẽ học trong lớp như cũ. Dĩ nhiên, nhà trường sẽ phải bố trí giám thị, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên trống tiết giám sát và hỗ trợ học sinh khi các em học ở ngoài trời".

Cô Phạm Thị Thúy Vĩnh (hiệu trưởng Trường THPT Ngô Thời Nhiệm, TP.HCM)

Hào hứng, nôn nao

Lê Hoàng Minh (học sinh lớp 12A6 Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM):

Tôi thấy rất hào hứng và có phần nôn nao khi chờ đến ngày được trở lại trường, gặp lại thầy cô, bạn bè sau hơn 3 tháng nghỉ học. Cảm giác mong chờ giây phút được bước vào sân trường lần này rất khác so với cảm giác quay lại trường sau khi nghỉ hè. Bởi vì trước đây dù nghỉ hè nhưng chúng tôi vẫn có thể hẹn thầy cô, bạn bè để gặp mặt, chuyện trò. Còn đợt nghỉ vì dịch bệnh lần này quá đặc biệt: tôi ở nhà suốt, không được ra ngoài; thầy cô, bạn bè cũng chỉ được nói chuyện qua mạng mà thôi.

Em Lê Quang Thạch Anh (lớp 9/7 Trường THCS Lê Văn Tám):

Em vui lắm, cảm xúc như sắp được gặp một điều gì mà mình mong đợi quá lâu. Ngày mai chắc chắn chúng em sẽ có vô vàn chuyện để nói. Lớp em có nhóm trên Facebook, gặp nhau, thông báo tình hình qua nhóm nhưng đến trường, trở lại lớp, ngồi trên chiếc ghế mà mình xa quá lâu, em rất háo hức. Em là học sinh cuối cấp, nên nghĩ cảm giác sắp chia tay bạn cấp II, em lại càng nôn nao muốn đi học sớm hơn.

Cô Vũ Thị Bắc (giáo viên Trường phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM):

Thực sự, lần trở lại trường này tôi có cảm xúc rất khó tả. Bởi kỳ nghỉ lần này quá đặc biệt và quá dài. Năm nay tôi làm chủ nhiệm lớp 12 - năm cuối cùng học sinh học ở trường phổ thông. Vì vậy, cả cô và trò đều muốn có nhiều thời gian bên nhau. Việc cô được đi dạy lại, trò được đi học lại là có thể thực hiện được điều đó rồi. Mong lắm ngày gặp lại học sinh.

Cô Phạm Thị Xuân Oanh (giáo viên tiếng Anh Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM):

Tôi háo hức và nóng lòng chờ đợi ngày đi học trở lại này, thậm chí tôi đếm từng ngày. Nhớ trường, nhớ lớp, nhớ học trò, nhớ môi trường giảng dạy học tập là tâm lý và cảm xúc không chỉ riêng tôi, mà tôi nghĩ tất cả giáo viên cũng chung suy nghĩ này. Mặc dù dạy trực tuyến, có điểm danh, có gặp các em trên Internet, gặp online nhưng làm sao bằng được gặp trực tiếp chính học trò của mình sau một kỳ nghỉ quá dài. Đi học trở lại, ngày đầu cô thầy gặp được học trò sẽ có nhiều chuyện sau bao ngày xa cách.

H.HG. - ĐẶNG THẢO THƯƠNG (ghi)

Sáng nay 4-5, học sinh 63 tỉnh thành trở lại trường Sáng nay 4-5, học sinh 63 tỉnh thành trở lại trường

TTO - Sáng nay 4-5, học sinh 63 tỉnh thành trong cả nước sẽ trở lại trường học sau thời gian dài nghỉ phòng dịch COVID-19. Trong số những địa phương cho học sinh trở lại học tuần này có Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ...

HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp