Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4:
Phóng to |
Nghệ sĩ Phùng Há (phải) tại buổi họp mặt nghệ sĩ với bạn đọc báo Tuổi Trẻ thập niên 1980 - Ảnh: N.C.Thành |
Ngày xưa, người nghệ sĩ, công nhân sân khấu quanh năm suốt tháng ở luôn trong đoàn hát, lấy gánh hát làm nhà. Ðến lúc mãn phần, đoàn hát diễn ở đâu thì chôn cất tại đó. Ðến khi quay lại có khi mộ phần đã thất lạc...
Qua nhiều tháng năm trằn trọc suy nghĩ, cuối cùng vào năm 1957 bà Phùng Há xin được một số tiền rất lớn của trường đua ngựa Phú Thọ trao cho Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế để cùng nhau tìm mua một miếng đất ở Gò Vấp, TP.HCM - trên 6.000m2 - thành lập nghĩa trang nghệ sĩ.
Xây dựng nghĩa trang nghệ sĩ
Ngày ngày, từng đoàn nghệ sĩ, công nhân sân khấu khuân từng đống gạch, đẩy từng xe cát cùng với thợ xây dựng nghĩa trang nghệ sĩ.
Trợ giúp đồng bào khó khăn Bà Phùng Há và ông bầu Xuân thành lập ban trợ giúp bà con cô bác gặp nhiều khó khăn ở những nơi xa xôi. Mỗi năm bốn lần, với sự kêu gọi của bà Phùng Há và sự vận động của ông bầu Xuân, các mạnh thường quân và anh chị em nghệ sĩ cùng góp một số tiền để mua thuốc men, gạo, mì... đem đến cho bà con cô bác nghèo, sau đó các nghệ sĩ biểu diễn văn nghệ đem đến chút niềm vui cho bà con. Thư ở nhiều nơi gửi về tấp nập mong đoàn trợ giúp của chùa Nghệ sĩ đến cứu trợ. Mỗi lần đi và về từ một trăm đến vài trăm cây số, có những lần phải băng đồng lội suối hết sức gian khổ. Có người đề nghị nên để bà Phùng Há ở lại nhà, bà nhất định không chịu và nói rằng: “Ngày xưa bà con cô bác nuôi sống nghệ sĩ, nay bà con gặp khó khăn mình phải đền đáp lại. Có đi đến nơi mới thấy bà con mình còn khó khăn, thiếu thốn nhiều lắm”. Có lần vì sức khỏe của bà, đoàn cứu trợ lén đi, ở nhà bà giận dỗi, bỏ ăn, thôi thì tất cả đành chiều theo ý bà. Từ trước tới nay, đoàn đã đi giúp đỡ bà con trên 40 lần ở khắp mọi nơi, nay tính lại thì bà Phùng Há đã có mặt 40 lần. |
Sau giải phóng, Nhà nước giao cho hai soạn giả Mai Quân, Việt Thường thành lập ban ái hữu (thuộc Hội Sân khấu TP.HCM) và mời cho được nghệ sĩ Phùng Há làm cố vấn. Bà đã kêu gọi nhiều anh chị em nghệ sĩ, tác giả, nhạc sĩ cùng với bà vào ban ái hữu chung tay góp sức để lo cho nghệ sĩ nghèo. Trong thời gian này, Nam Hùng đã được ban ái hữu cho phép đi vận động thành lập quỹ giúp nghệ sĩ già yếu, bệnh tật, neo đơn và quỹ ấy tồn tại cho đến ngày nay.
Thành lập khu dưỡng lão nghệ sĩ
Qua nhiều lần thảo luận, bà Phùng Há và tất cả thành viên trong ban ái hữu đều mong mỏi có được một khu dưỡng lão dành cho những nghệ sĩ già yếu, bệnh tật, neo đơn nhưng không thực hiện được vì chưa có đất. Có một dịp, chúng tôi gồm Mai Quân, Việt Thường, Trường Sinh, Nam Hùng và ký giả Kiên Giang đến thăm bác sĩ Trường Sơn - giám đốc khu an dưỡng quận 8. Nghe ý nguyện của chúng tôi, bác sĩ Trường Sơn đã chỉ cho chúng tôi khu đất rộng 4.000m2 mà từ lâu vẫn còn bỏ trống của nhà an dưỡng quận 8. Như bắt được vàng, ban ái hữu đã đệ đơn lên UBND TP và đã được cấp đất sau hơn một năm làm thủ tục giấy tờ. Nhưng qua gần hai năm sau, chúng tôi vẫn chưa xin được giấy phép xây dựng. Biết có một số bệnh viện cần miếng đất, anh chị em trong ban ái hữu đều nghĩ khó mà giữ được miếng đất này, hi vọng thành lập khu dưỡng lão quá mỏng manh. Bà Phùng Há bảo: “Không thể ngồi đó mà nhìn bao nhiêu công lao qua mấy năm đeo đuổi bây giờ lại vuột khỏi tầm tay”, bà quyết định gửi thơ lên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhờ thủ tướng giúp đỡ.
Bà Phùng Há, Nam Hùng và có khi ông Mai Quân, Việt Thường và ông bầu Xuân nhiều lần cùng đến gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt để trình bày những khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ của Thủ tướng, UBND TP đã cấp phép cho xây dựng khu dưỡng lão nghệ sĩ và còn cấp cho kinh phí xây cất. Ngày 7-3-1998, khu dưỡng lão nghệ sĩ được khánh thành tại đường Âu Dương Lân, P.3, Q.8, TP.HCM. Khu dưỡng lão có 25 phòng dành cho nghệ sĩ, công nhân sân khấu già yếu, trong đó có một phòng dành cho người làm tạp vụ, một phòng cho người làm vệ sinh.
Công trình khu dưỡng lão nghệ sĩ đã hoàn thành nhưng còn thiếu thốn trăm bề, tất cả anh chị em nghệ sĩ đã vận động khắp nơi. Nam Hùng vận động được một số mạnh thường quân mua trên 2.000 cây kiểng và hoa tô điểm màu xanh cho khu dưỡng lão - trên mỗi cây có tấm bảng ghi tên người đóng góp mua cây, đặc biệt có ba cây tùng mang tên ông Võ Văn Kiệt, bà Phùng Há, ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp để nhớ ơn những vị ân nhân.
Sống chết cạnh những người nghệ sĩ
Sau ngày giải phóng, bà Phùng Há rất cần tiền nên đành phải bán căn nhà kỷ niệm của con gái - chị Bửu Chánh. Bà ở đậu trong nhà của người bạn thân cùng xóm, mấy năm sau người bạn xuất ngoại bán lại căn nhà cho bà. Năm tháng trôi nhanh, tuổi già sức yếu lại bị nhiều căn bệnh hành hạ, có những tháng bà ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, bà cũng phải dùng thêm nhiều loại thuốc ngoài luồng vì bệnh viện không có.
Lúc này, bà còn nuôi bảy đứa cháu vì mẹ của chúng - cháu ruột của bà - không đủ sức để nuôi bảy đứa con mồ côi cha. Bà đưa tất cả, cả mẹ và bảy đứa con về chung sống.
Nhiều năm sau, tình hình kinh tế lại khó khăn thiếu thốn, bà Phùng Há phải bán nhà một lần nữa. Với số tiền bán nhà, bà có thể mua một căn nhà nhỏ để ở nhưng bà muốn về ở tại chùa và nghĩa trang nghệ sĩ. Nhiều người khuyên can bà không nên về đó vì không khí và nguồn nước độc hại. Ai khuyên bà cũng không nghe vì bà muốn cuối đời được sống cạnh những người nghệ sĩ, công nhân mà suốt mấy mươi năm đã gắn bó với bà qua bao thăng trầm của sân khấu.
Ở chùa Nghệ sĩ, ban quản trị chùa dành cho bà một căn phòng 4m2 sau lưng chùa. Bà xin phép ban ái hữu, ban quản trị chùa cho phép bà được mở rộng căn phòng thành ngôi nhà nhỏ để gia đình tá túc. Căn phòng được phá ra để sửa chữa vào ngày 13-10-1997. Bà Phùng Há đã bỏ ra 18 lượng vàng để xây cất.
Có những buổi chiều mặt trời khuất bóng, bà Phùng Há một mình chầm chậm rảo quanh các ngôi mộ. Mỗi ngày bà đều tụng kinh hai hồi lúc 4 giờ sáng và 7 giờ tối. Bà cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu nguyện ơn trên cho cha mẹ được siêu thoát, cầu nguyện trời Phật xá tội cho người và cho mình.
Và ngày 5-7-2009, tiếng mõ hồi chuông và lời tụng niệm của bà Phùng Há không còn vang lên nữa... Bà đã trút hơi thở cuối cùng lúc 0g30 ngày 5-7-2009, nhằm ngày 13-5 Kỷ Sửu tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, thọ 99 tuổi. Mộ phần của bà được đặt ở nghĩa trang nghệ sĩ, cạnh những con người đã cùng bà có biết bao nhiêu là kỷ niệm...
Người xây chùa Nghệ sĩ
Đó là ông Năm Công, tên thật là Lê Minh Công (pháp danh: tỳ kheo Thích Quảng An). Trước khi đi tu, ông là quản lý cho một số đoàn hát, bây giờ người ta gọi là “ngoại vụ”. Năm 1969, ông đến nghĩa trang nghệ sĩ gặp bà Phùng Há, đề nghị xin cấp một cái am nhỏ để tu và để nghệ sĩ có một nơi lạy Phật. Bà Phùng Há ủng hộ và thầy Thích Quảng An đã đi quyên góp khắp nơi để xây dựng am. Từ một cái am nhỏ của năm 1972, nhờ công của thầy Thích Quảng An, bà Phùng Há, ban quản trị chùa, thiện nam tín nữ nghệ sĩ trong và ngoài nước, nay cái am nhỏ đã trở thành ngôi chùa mang tên Nhật Quang tự khang trang đẹp đẽ. Trong nhiều năm qua, khách tham quan từ Bắc, Trung, Nam và nước ngoài đến viếng chùa và nghĩa trang nghệ sĩ rất đông, tất cả đều có nhận xét: “Thật không thể tưởng tượng nổi lại có nhiều thế hệ nghệ sĩ tài danh nổi tiếng trên 70 năm khắp Nam, Trung, Bắc được an nghỉ tại nghĩa trang nghệ sĩ. Mô hình này thật không có nước nào trên thế giới có được. Quả thật là hiếm có!”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận