Nhóm các bị cáo liên quan "đại án" OceanBank Hải Phòng tại phiên tòa phúc thẩm chiều 31-3 - Ảnh: TIẾN THẮNG
Chiều 31-3, TAND cấp cao Hà Nội đã mở phiên phúc thẩm vụ án “tham ô tài sản”, xảy ra tại chi nhánh Ngân hàng Đại dương (OceanBank) Hải Phòng.
Tại phiên sơ thẩm ngày 4-9-2020, TAND TP Hải Phòng tuyên bị cáo Trần Thị Kim Chi - cựu giám đốc OceanBank chi nhánh Hải Phòng - mức án tử hình về tội "tham ô tài sản".
Cùng tội trên, các bị cáo Lê Vương Hoàng (kiểm soát viên), Nguyễn Thị Minh Huệ (kế toán) lĩnh án tù chung thân; bị cáo Chu Văn Nha (thủ quỹ) nhận mức án 20 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc Công ty TNHH MTV Đại Dương phải bồi thường toàn bộ số tiền cho 27 khách hàng cùng số tiền lãi phát sinh.
Bị cáo Trần Thị Kim Chi phải bồi thường 353,3 tỉ đồng và 2,7 triệu USD cùng số tiền lãi phát sinh cho OceanBank, và các bị cáo còn lại bồi thường tiền lãi phát sinh cho OceanBank.
Bản cáo trạng xác định, từ năm 2012 đến tháng 8-2017, bà Chi đã chỉ đạo Hoàng, Huệ, Nha tạo 109 phôi sổ tiết kiệm khống, tất toán khống, lập khống các hồ sơ vay cầm cố sổ tiết kiệm... để chiếm đoạt khoản tiền gửi gần 414 tỉ đồng sử dụng mục đích cá nhân.
Cụ thể bà Chi trực tiếp giả mạo chữ ký của 10 cá nhân trên chứng từ mở 75 sổ tiết kiệm, ký với tư cách "trưởng đơn vị kinh doanh" trên 66 sổ tiết kiệm và ký duyệt 2 hồ sơ vay cầm cố sổ tiết kiệm của khách hàng.
Cơ quan tố tụng xác định bà Chi là người phải chịu trách nhiệm chính về số tiền đã chiếm đoạt, gây thiệt hại cho ngân hàng, các bị cáo còn lại chịu trách nhiệm liên đới.
Khi được xét hỏi tại phiên phúc thẩm, bị cáo Chi cho rằng mức án với mình là quá nghiêm khắc khi bản thân không chiếm đoạt tiền của ngân hàng cũng như khách hàng để tư lợi cá nhân.
Số tiền thất thoát bản thân bị cáo này thực tâm không rõ hiện nay đang ở đâu và việc cáo buộc bị cáo sử dụng vào mục đích cá nhân là không có căn cứ.
Bị cáo Chi - cựu giám đốc chi nhánh OceanBank Hải Phòng - tiếp tục khẳng định bản thân không chỉ đạo chiếm đoạt tiền và đề nghị hội đồng xét xử xem xét kỹ lưỡng toàn bộ nội dung vụ án
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trước khi bào chữa cho thân chủ, luật sư Trương Anh Tú (bào chữa cho bị cáo Chi) cho rằng để xác định chính xác tội danh của các bị cáo trong vụ án này, ngoài việc xác định những yếu tố cấu thành tội phạm, thì việc xác định thời điểm chuyển giao quyền sở hữu tài sản (tiền), thời điểm chiếm đoạt, xác định bị hại (ngân hàng hay người gửi tiền)… là những yếu tố mang tính chất bản lề của án, quyết định khi đưa ra phán quyết cuối cùng.
Theo luật sư Tú, mối quan hệ giữa bà Trần Thị Kim Chi và "OceanBank chi nhánh Hải Phòng" là quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Thời điểm bà Chi được tuyển dụng vào năm 2010, giai đoạn Oceanbank là ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh và bị cáo Chi vào làm việc tại ngân hàng với tư cách là người lao động trong một doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa hai bên là Bộ luật lao động dân sự chứ không phải Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức và cũng không thuộc đối tượng người lao động theo hợp đồng nhưng được tuyển dụng bởi các cơ quan nhà nước, tổ chức Đảng.
Ở giai đoạn sau khi "quốc hữu hóa", tài sản của "OceanBank Hải Phòng" có thể được coi là tài sản của Nhà nước nhưng phải đánh giá khách quan rằng OceanBank được "mua lại với giá 0 đồng", đồng nghĩa với việc Nhà nước không phải sử dụng tiền ngân sách để mua ngân hàng này nên không thể gây thiệt hại đối với tài sản nhà nước.
Do đó, không có căn cứ để cho rằng bà Chi chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, để từ đó quy kết tội danh "tham ô tài sản".
Phiên tòa hiện vẫn đang tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận