15/07/2024 21:15 GMT+7

Phục dựng ảnh 10 cô gái dân quân Lam Hạ hy sinh trên mâm pháo những ngày bom Mỹ

10 nữ dân quân đã hy sinh bởi bom Mỹ trút xuống quê hương Lam Hạ khi tuổi đời còn rất trẻ, Lam Hạ được ví như Đồng Lộc thứ hai. Nhưng hiện nay câu chuyện về các cô vẫn chưa được biết tới nhiều.

Chân dung 10 cô gái Lam Hạ được nhóm họa sĩ trẻ phục dựng bằng AI

Chân dung 10 cô gái Lam Hạ được nhóm họa sĩ trẻ phục dựng bằng AI

Nhóm họa sĩ trẻ của Tổ chức Trái tim người lính Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ Mãi mãi tuổi 20 vừa phục dựng màu cho di ảnh chân dung của 10 cô gái Lam Hạ

Trong đó có liệt sĩ Nguyễn Thị Thi hy sinh rất trẻ, 16 tuổi, không để lại di ảnh nào, phải phục dựng từ tranh vẽ có tại đền thờ 10 cô ở phường Lam Hạ.

Những bức ảnh này sẽ tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vào ngày 23-7, nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7.

10 cô gái Lam Hạ - một Đồng Lộc thứ 2

Những năm Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, xã Lam Hạ (nay là phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) là một trọng điểm giao thông quan trọng, trên tuyến đường huyết mạch từ hậu phương miền Bắc, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam, đã trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của kẻ địch.

Để bảo vệ thị xã Phủ Lý và những vùng lân cận, ngày 5-8-1965, Đại đội dân quân phòng không xã Lam Hạ được thành lập, gồm 87 người, là những thiếu nữ dân quân tuổi đời rất trẻ.

Trận địa pháo Lam Hạ năm xưa là tuyến phòng thủ vô cùng quan trọng, giữ cho giao thông thông suốt bởi cây cầu sắt bắc ngang sông Châu và một ga tàu lửa ở giữa thị xã Phủ Lý ngày ấy.

Ngoài nhiệm vụ hậu cần, tiếp đạn, tải thương, chị em dân quân Lam Hạ còn trực tiếp sát cánh chiến đấu cùng bộ đội.

Chỉ trong vòng gần một năm từ 1966 - 1967, 10 nữ dân quân tuổi đời từ 16 đến 24 của hai thôn Đình Tràng, Đường Ấm của xã Lam Hạ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh ngay trên mâm pháo hoặc trong bệnh xá.

Ở vùng đất Lam Hạ bây giờ, 10 cô gái anh hùng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, là "10 bông hoa thép" bất tử trong lòng người dân.

Họ không hy sinh cùng ngày, cùng địa điểm như 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc mà hy sinh trong ba trận đánh ở những trận địa khác nhau trong xã.

Di  ảnh 10 nữ dân quân Lam Hạ tại đền thờ các cô ở phường Lam Hạ - Ảnh: Cổng thông tin điện tử TP Phủ Lý, Hà Nam

Di ảnh 10 nữ dân quân Lam Hạ tại đền thờ các cô ở phường Lam Hạ - Ảnh: Cổng thông tin điện tử TP Phủ Lý, Hà Nam

Đầu tiên là trận ngày 1-10-1966, tại trận địa pháo cao xạ đặt cách cầu Phủ Lý khoảng 300m. Sáu nữ pháo thủ dân quân là Đinh Thị Tâm, Phan Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Phương đã anh dũng hy sinh.

Tám ngày sau, ngày 9-10-1966, máy bay Mỹ điên cuồng tấn công trận địa phòng không đặt tại thôn Đường Ấm. Trong trận chiến này có ba nữ pháo thủ dân quân là Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thẹp, Nguyễn Thị Oánh đã anh dũng hy sinh.

Gần một năm sau, ngày 7-7-1967, tại trận địa pháo đặt ở thôn Hòa Mạc, nữ dân quân Đặng Thị Chung đã chiến đấu dũng cảm đến hơi thở cuối cùng.

Hai chị em ruột cùng hy sinh một ngày và những huyền thoại đẹp

Trong 10 bông hoa thép Lam Hạ có Nguyễn Thị Thu và Nguyễn Thị Thi là hai chị em ruột.

Chuyện kể rằng sáng 1-10-1966, khi đã bước chân lên thuyền ra trận địa pháo, hai chị còn ngoái đầu lại nói với mẹ: 

"Mẹ ở nhà nhớ trú bom cẩn thận, các con đi chiến đấu, nhỡ có mệnh hệ gì xin mẹ đừng quá buồn đau".

Chị Thu đã hy sinh ngay tại trận địa. Chị Thi bị mảnh bom phạt vào bụng và chân rất nặng. 

Người anh trai của các chị tên là Thái, chiến đấu ở trận địa gần đó, biết tin khẩu đội của các em gái mình trúng bom đã vội chạy sang, vuốt mắt cho Thu và bế Thi về trạm xá.

Tỉnh lại sau cơn choáng váng, Thi bảo với anh trai hãy nhanh chóng trở về vị trí tiếp tục chiến đấu. 

Khi bác sĩ chuẩn bị làm phẫu thuật, chị Thi nói hãy để thuốc mê dành cho thương binh khác, rồi thiếp đi và lặng lẽ ra đi. Lúc ấy chị mới 16 tuổi, chưa kịp để lại một tấm hình.

Trường hợp khác, chị Đinh Thị Tâm bị bom cứa nát chân nhưng vẫn kiên trung đứng ôm chặt cây súng hướng về phía quân thù. Còn cô giáo - y tá Vũ Thị Phương, mặc dù bị thương nặng vẫn nén đau, giấu mọi người để tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi kiệt sức và hy sinh.

Chị Nguyễn Thị Thuận bị thương nặng ở chân, vẫn động viên, khuyên mẹ đừng lo âu về tương lai của con gái, vì chân bị cưa không làm ruộng được thì chị sẽ xin đi bán hàng cho hợp tác xã. Nhưng rồi chị lịm dần và mãi mãi đi xa.

Chị Đặng Thị Chung, ngày vào dân quân, nói với mẹ mình: "Con đi chiến đấu để đất nước hết chiến tranh, để gia đình thoát cảnh nghèo khổ". 

Sau ngày chị hy sinh (7-7-1967), người anh trai của chị là Đặng Văn Hòa, đang là công nhân, cũng đã tình nguyện đi chiến đấu. Và một thời gian sau, anh cũng hy sinh trên chiến trường Quảng Trị.

Chị Trần Thị Thẹp có người yêu là bộ đội đang chiến đấu ở xa. Sau khi chị hy sinh, gia đình nhận được thư của người yêu chị, trong thư, anh ngỏ lời xin phép gia đình cho hai người xây dựng hạnh phúc trăm năm, nhưng chị đã mãi mãi đi xa.

Chị Nguyễn Thị Oánh vốn là cô giáo, đã lập gia đình. Chồng chị là bộ đội phòng không Lê Văn Chắc. Họ mới cưới, chưa kịp có con.

Chưa đầy một năm sau ngày chị hy sinh, anh Chắc cũng anh dũng ngã xuống trên trận địa pháo 57 ly ở thôn Hòa Lạc, ngày 7-7-1967, cùng trong trận đánh mà cô dân quân Đặng Thị Chung hy sinh.

Chị Nguyễn Thị Thu (1948 - 1966) hy sinh cùng ngày với em gái Nguyễn Thị Thi, được phục dựng ảnh màu

Chị Nguyễn Thị Thu (1948 - 1966) hy sinh cùng ngày với em gái Nguyễn Thị Thi, được phục dựng ảnh màu

Nguyễn Thị Thi hy sinh khi mới 16 tuổi, không để lại di ảnh nhưng đã được phục dựng ảnh màu theo chân dung cô tại đền thờ ở Lam Hạ

Nguyễn Thị Thi hy sinh khi mới 16 tuổi, không để lại di ảnh nhưng đã được phục dựng ảnh màu theo chân dung cô tại đền thờ ở Lam Hạ

Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Thuận (1948 - 1966)

Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Thuận (1948 - 1966)

Anh hùng liệt sĩ Đặng Thị Chung (1947 - 1967)

Anh hùng liệt sĩ Đặng Thị Chung (1947 - 1967)

Anh hùng liệt sĩ Trần Thị Thẹp (1944 - 1966)

Anh hùng liệt sĩ Trần Thị Thẹp (1944 - 1966)

Anh hùng liệt sĩ Vũ Thị Phương (1943 - 1966)

Anh hùng liệt sĩ Vũ Thị Phương (1943 - 1966)

Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Oánh (1942 - 1966)

Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Oánh (1942 - 1966)

Anh hùng liệt sĩ Phạm Thị Lan (1944 - 1966)

Anh hùng liệt sĩ Phạm Thị Lan (1944 - 1966)

Anh hùng liệt sĩ Đinh Thị Tâm (1948 - 1966)

Anh hùng liệt sĩ Đinh Thị Tâm (1948 - 1966)

Anh hùng liệt sĩ Phạm Thị Tuyết (1947 - 1966)

Anh hùng liệt sĩ Phạm Thị Tuyết (1947 - 1966)

Đại đội dân quân Lam Hạ nhận danh hiệu Anh hùngĐại đội dân quân Lam Hạ nhận danh hiệu Anh hùng

TT - Ngày 27-4, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đại đội dân quân phòng không xã Lam Hạ (Phủ Lý, Hà Nam) giai đoạn 1965-1972, đồng thời truy tặng danh hiệu Anh hùng cho nữ liệt sĩ Nguyễn Thị Thi - một trong mười nữ dân quân Lam Hạ đã sống, chiến đấu và hi sinh anh dũng khi chưa tròn 16 tuổi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp