Hàng trăm ngàn mét khối cát được bơm từ sông Đà Rằng lên san lấp mặt bằng khu đô thị mới Nam Tuy Hòa suốt từ cuối 2016 đến nay - Ảnh: V.Tr. |
Cuối tháng 6-2017, hay tin một đoạn kè ở bờ nam sông Đà Rằng bị sụt lún, ông Nguyễn Thành Quang (nguyên bí thư Tỉnh ủy Phú Yên) cùng một số ngư dân ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa đội nắng ra hiện trường để nắm tình hình.
“Móc ruột” sông Đà Rằng
Lúc này, có 3-4 tàu bơm hút cát đang chạy ầm ầm cách chỗ bị sụt lún vài trăm mét. Cát từ sông được chuyển lên bằng đường ống để san lấp mặt bằng dự án khu đô thị mới Nam TP Tuy Hòa. Ông Hiếu (người dân địa phương) cho biết các tàu này bơm hút cát san lấp mặt bằng dự án này suốt từ cuối năm 2016 đến nay. Có khi bơm cả ban đêm.
Ông Huỳnh Nuồng (phó ban lạch cảng cá Đông Tác, phường Phú Đông) đã gắn bó với sông Đà Rằng gần 70 năm nên hiểu rõ dòng chảy con sông này. Sau một giờ khảo sát, ông nhận định: “Bờ kè bị xoáy lở thế này là do sức nước ở trên thượng nguồn chảy xuống chứ không phải do nước từ cửa biển Đà Diễn chảy vào”.
Ông Nguyễn Thành Quang cũng có nhận xét tương tự: “Phía thượng nguồn cầu Hùng Vương dòng sông hiện nay đang biến dạng. Nhiều cồn, nhiều bãi làm dòng chảy bị chia cắt. Chủ mỏ muốn khai thác dễ, ít tốn chi phí nên lấy cát gần bờ gây sụt lún”.
Dự án khu đô thị mới Nam TP Tuy Hòa khởi công ngày 16-10-2016. Trước đó vào tháng 8-2016, khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án này, UBND tỉnh Phú Yên đã chấp thuận cho bơm hút cát trên sông Đà Rằng để san lấp mặt bằng. Khối lượng cát cần để san lấp dự án này lên đến 1 triệu m3.
Ngày 26-10-2016, Sở TN-MT tỉnh Phú Yên phát văn bản cảnh báo: “Qua theo dõi, hiện nay dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Nam TP Tuy Hòa đã khởi công xây dựng, tuy nhiên ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)”.
Văn bản này cũng nói rõ Luật bảo vệ môi trường 2014 quy định ĐTM phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án và phải được phê duyệt trước khi triển khai dự án.
Mặc dù vậy, chủ đầu tư và nhà thầu vẫn bơm hút cát bình thường. Vào ngày 6-2-2017, ông Hoàng Văn Trà - chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - vẫn ký văn bản chỉ đạo tập trung đôn đốc, hoàn thành toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đợt 1 dự án khu đô thị mới Nam TP Tuy Hòa trong năm 2017.
Mãi đến ngày 20-3, UBND tỉnh Phú Yên mới phê duyệt ĐTM. Và ngày 4-4 Sở TN-MT mới nhận được công văn của chủ đầu tư đăng ký bơm hút cát san lấp mặt bằng.
Điều đó có nghĩa trong bốn tháng liền, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên đã phớt lờ cho chủ đầu tư và nhà thầu “móc ruột” sông Đà Rằng lấy hàng trăm ngàn mét khối cát để san lấp mặt bằng trái quy định.
Báo báo với thường trực Tỉnh ủy ngày 7-4, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Chí Hiến cho biết dự án này đã triển khai thi công san nền từ tháng 12-2016.
“Nhằm triển khai kịp thời và tạo mặt bằng để phát triển khu đô thị mới Nam TP Tuy Hòa, ban quản lý khu kinh tế đã thực hiện công tác bơm hút cát san nền đồng thời với việc lập hồ sơ ĐTM dự án. Đây là thiếu sót của ban quản lý khu kinh tế. UBND tỉnh rút kinh nghiệm và chỉ đạo khắc phục sớm” - văn bản nêu.
Nhà thầu bơm hút cát từ sông Đà Rằng lên san lấp mặt bằng dự án khu đô thị mới Nam TP Tuy Hòa. Tỉnh Phú Yên làm ngơ cho bơm hút cát từ cuối năm 2016 đến tháng 3-2017 mà không có báo cáo đánh giá tác động môi trường - Ảnh: V.TRƯỜNG |
Phá rừng bằng... cơ chế “đặc quyền”
Ngoài việc cho hút cát, UBND tỉnh Phú Yên còn ban hành “cơ chế đặc thù” cho phép doanh nghiệp phá rừng để lấy đất san lấp và làm đường.
Ngày 4-4-2011, UBND tỉnh Phú Yên có thông báo cho phép Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch được khai thác mỏ đất diện tích 16ha tại xã Hòa Xuân Nam để làm vật liệu xây dựng công trình hầm đường bộ Đèo Cả.
Đúng một năm sau, ngày 4-4-2012, UBND tỉnh tiếp tục có thông báo “cho phép Công ty Hải Thạch vừa khai thác vừa lập thủ tục khai thác mỏ đất theo quy định”. Và mãi đến ngày 14-11-2012 UBND tỉnh mới cấp giấy phép cho công ty này khai thác mỏ đất 16ha với trữ lượng 642.000m3.
ĐTM là thủ tục quan trọng, thế nhưng tỉnh Phú Yên lại cho Công ty Hải Thạch khai thác mỏ mà không có thủ tục này. Bằng chứng là tới ngày 5-9-2012 UBND tỉnh mới phê duyệt ĐTM, tức là sau 1 năm rưỡi kể từ khi cho phép khai thác mỏ và sau 5 tháng kể từ lúc cho “đặc quyền” vừa khai thác vừa làm thủ tục.
Tại quyết định phê duyệt ĐTM, UBND tỉnh yêu cầu Công ty Hải Thạch làm đến đâu phải cải tạo, phục hồi mặt bằng đến đó, trồng cây sao đen trên toàn bộ diện tích mỏ 16ha. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, vào giữa tháng 6-2017 đại công trường khu mỏ đất này vẫn còn nham nhở, chưa san gạt phục hồi mặt bằng, cũng chưa trồng lại rừng.
Ngày 21-7-2015, UBND tỉnh Phú Yên mới có quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng sang mục đích khác và cho công ty này thuê để thực hiện giấy phép khai thác khoáng sản mà tỉnh này đã cấp cho Công ty Hải Thạch hồi tháng 11-2012. Cho phá rừng, khai thác khoáng sản gần bốn năm sau tỉnh mới chuyển mục đích đất rừng!
Ông Lê Văn Bé, chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, cho biết ngày 2-6-2017 Chi cục Kiểm lâm đã làm việc với Công ty Hải Thạch và thống nhất nộp tiền trồng rừng thay thế.
Ngày 15-6-2017, UBND tỉnh Phú Yên chuyển sang chấp nhận phương án nộp tiền chứ không kiên quyết yêu cầu công ty này phải trồng lại rừng như quyết định phê duyệt ĐTM năm 2012.
Trách nhiệm còn... đùn đẩy
Cũng theo ông Lê Văn Bé, đến thời điểm này mặc dù dự án hầm đường bộ Đèo Cả sắp hoàn thành đưa vào sử dụng, nhưng thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất vẫn... chưa có. Công trình hầm đường bộ Đèo Cả do Công ty CP đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư.
Có 7 hạng mục thuộc dự án này buộc phải phá rừng (chủ yếu là rừng đặc dụng) thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa. Trong đó 6 hạng mục đã xác định thu hồi 37ha rừng. Riêng hạng mục tuyến điều chỉnh cửa hầm phía bắc hiện chưa xác định được diện tích rừng bị phá là bao nhiêu.
Ngày 19-6, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên xác nhận việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng sang mục đích khác còn chậm. Nguyên nhân là do chủ đầu tư viện dẫn thông báo số 495/TB-UBND ngày 6-9-2013 của UBND tỉnh Phú Yên cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về thủ tục đất đai, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với dự án này.
Tuy nhiên, ông Lê Quỳnh Mai - phó tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Đèo Cả - khẳng định công ty đã đề nghị tỉnh phê duyệt phương án trồng rừng thay thế từ năm 2013, nhưng đến nay tỉnh không trả lời.
Về việc tỉnh Phú Yên cho rằng chủ đầu tư chậm trễ làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, ông Mai nói: “Thủ tục pháp lý chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác là trách nhiệm thuộc về địa phương. Trách nhiệm của chúng tôi là thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền để tỉnh tự trồng lại rừng. Tỉnh có văn bản chấp thuận cho nộp tiền thì chúng tôi nộp liền”.
Theo ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Phú Yên (chủ đầu tư), dự án khu đô thị mới Nam TP Tuy Hòa có diện tích gần 55ha, nằm ngay bên bờ sông Đà Rằng và cạnh cầu Hùng Vương, thuộc phường Phú Đông và Phú Thạnh, TP Tuy Hòa. Tỉnh đầu tư 319 tỉ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 quy mô 36,4ha. Công trình này chính thức thi công từ tháng 12-2016, dự kiến hoàn thành tháng 2-2018. |
Từ đèo Cả trên quốc lộ 1 nhìn về hướng tỉnh Phú Yên ai cũng dễ dàng nhìn thấy một góc núi thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa bị đào bới nham nhở. Mảng xanh của rừng đã biến mất, chỉ còn trơ đất đá. Tại đây có biển thông báo mỏ đất của Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch phục vụ công trình hầm đường bộ Đèo Cả. |
Ngày 5-6-2017, báo Tuổi Trẻ có văn bản đề nghị UBND tỉnh Phú Yên trả lời phỏng vấn các nội dung liên quan việc ban hành “cơ chế đặc thù” phá rừng tại đèo Cả. Tuy nhiên đến ngày 1-7 báo vẫn chưa nhận được văn bản trả lời. |
__________
(Đón xem phóng sự truyền hình trên tv.tuoitre.vn).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận